Theo hãng thống tấn SANA và Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh), ngày 24/11, khoảng 100 người Syria nhập viện trong tình trạng khó thở sau khi vụ tấn công hóa học xảy ra tại thành phố Aleppo do chính phủ kiểm soát.
SANA đưa tin “107 ca gặp khó khăn về hô hấp”, sau cái mà quan chức y tế Ziad Haji Taha nhận định “có thể” là một vụ tấn công bằng chlorine. Trong lúc đó, theo SOHR, tổng cộng 94 người nhập viện sau khi có người trình báo về “mùi chlorine” trong thành phố.
Hôm 24/11, phóng viên AFP nhìn thấy dòng người gồm hàng chục dân thường, trong đó có phụ nữ và trẻ em, liên tiếp được đưa vào bệnh viện ở Aleppo, một số nằm trên cáng hoặc được người thân dìu vào. Những người bị thương có vẻ bị chóng mặt và khó thở. Các nhân viên y tế đưa cho họ mặt nạ oxy hỗ trợ hô hấp trong 15 phút.
Một thanh niên người Syria đươc điều trị hôm 24/11 tại bệnh viện ở Aleppo. Ảnh: AFP. |
Chính phủ kiểm soát thành phố Aleppo, nhưng phiến quân vẫn có mặt ở vùng phía tây, tại Idlib, thành lũy lớn nhất cuối cùng của lực lượng nổi dậy.
Nga tố “các nhóm khủng bố” đứng đằng sau cuộc tấn công có sử dụng chất chlorine. Ngày 25/11, Nga không kích vào khu vực được chỉ định là vùng đệm rìa thành lũy của phiến quân.
Đây là cuộc không kích đầu tiên vào khu phi quân sự kể từ sau thỏa thuận hồi tháng 9 giữa Moscow và Ankara. Thỏa thuận này được phía Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng sẽ giúp bảo vệ Idlib khỏi một cuộc tấn công tổng lực của lực lượng chính phủ Syria.
Bệnh nhân được triều trị tại bệnh viện ở Aleppo ngày 24/11. Ảnh: AFP. |
Truyền thông nhà nước Syria cũng dùng từ “khủng bố” để chỉ cả quân nổi dậy và các tổ chức thánh chiến, tố nhóm này tiến hành tấn công bằng “chất độc”.
Ngày 25/11, liên minh nổi dậy Mặt trận Giải phóng Quốc gia phủ nhận liên quan tới vụ việc. HTS, Hurras al-Deen có liên hệ với Al Qaeda hiện chưa lên tiếng.
Nasr al-Hariri, dẫn đầu phe nổi dậy, cáo buộc Damascus tìm “cớ để tấn công Bắc Syria”.
Thỏa thuận Idlib ký hôm 17/9 nhằm ngăn cản lực lượng chính phủ thực hiện tấn công tổng lực vào Idlib, nơi 3 triệu người sinh sống. Tuy nhiên, việc thi hành bị đình trệ sau khi các nhóm thánh chiến từ chối rút khỏi khu phi quân sự theo đúng kế hoạch. Khu vực cũng đã chứng kiến nhiều vụ đụng độ và súng đạn rung chuyển.
Chính phủ Syria cho rằng thỏa thuận khu phi quân sự chỉ là tạm thời và Idlib cuối cùng cũng sẽ về tay chính phủ.
Một bé gái được điều trị tại Aleppo, nơi chính phủ cáo buộc các nhóm vũ trang tấn công hóa học hôm 24/12. Ảnh: AFP. |
Cuộc nội chiến Syria từ năm 2011 đã phát triển thành xung đột phức tạp bao gồm cả các cường quốc và nhóm thánh chiến. Chiến tranh kéo dài 7 năm đã khiến hơn 360.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà ở. Năm 2017 và tháng 4/2018, chính phủ Syria từng bị cáo buộc tấn công hóa học, dẫn đến việc Mỹ thực hiện cuộc không kích trừng phạt.