"Đó là địa ngục, không chỉ về mặt thể chất mà cả về tinh thần nữa", ông Jumpei Yasuda, nhà báo tự do 44 tuổi người Nhật Bản, trả lời báo chí.
3 năm sống trong "địa ngục"
Sau 3 năm bị bắt cóc và giam giữ tại Syria, đầu tuần này ông Yasuda được phóng thích và đưa tới Thổ Nhĩ Kỳ. Tại đây, các quan chức chính phủ Nhật xác nhận danh tính của ông trước khi tuyên bố ông hoàn toàn được tự do vào ngày 24/10.
"Mỗi ngày qua đi, ý nghĩ 'hôm nay tôi vẫn không được thả' khiến tôi từng chút từng chút mất kiểm soát", ông Yasuda bình thản nói. Theo Reuters, ông lộ rõ vẻ choáng ngợp và mệt mỏi, có vẻ không khỏe.
Nhà báo Jumpei Yasuda tại sở cảnh sát địa phương ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 24/10. Ảnh: Reuters. |
"Trong 40 tháng ròng rã, tôi không nói một từ tiếng Nhật nào. Tôi gặp khó khăn với việc sử dụng ngôn ngữ", ông cho biết. "Tôi hạnh phúc vì sẽ trở về Nhật Bản. Trong khi đó tôi cũng không biết tương lai mình sẽ thế nào và nên cư xử ra sao. Tôi rất bối rối, không nghĩ được gì cả".
Tháng 6/2015, ông Yasuda bị bắt cóc tại Syria và được cho là con tin của băng đảng từng có tên Mặt trận Al-Nusra, nhóm anh em kết nghĩa của tổ chức khủng bố al-Qaeda trong quá khứ. Tuy nhiên trong tuyên bố đầu tuần này, băng đảng nhiều lần phủ nhận có liên quan đến vụ bắt cóc.
"Yasuda rất kiên cường"
Đây không phải là lần đầu tiên ông Yasuda bị giam giữ bởi các phiến quân ở khu vực Trung Đông.
Ông Yasuda từng bỏ việc tại tờ báo Nhật Bản Shinano Mainichi để đến Iraq tại thời điểm chiến tranh năm 2003. Vào năm 2004, ông bị một nhóm phiến quân bắt giữ gần Baghdad, thủ đô Iraq, suốt 3 ngày.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2004, ông Yasuda giải thích lý do bỏ việc tại Shinano Mainichi là vì tờ báo này không muốn công khai những bài viết phơi bày thảm cảnh chiến tranh của ông.
"Truyền thông Nhật Bản không đưa ra bất cứ hình ảnh nào về người dân đang sống tại khu vực 'trục ma quỷ', mà chỉ nói về các vấn đề ngoại giao và thanh tra của Liên Hợp Quốc", ông viết trong cuốn sách của mình.
Hình ảnh chụp lại từ video do nhóm phiến quân phát tán năm 2015, cho thấy ông Yasuda bị bắt cóc. Ảnh: Kyodo. |
Năm 2007, ông trở lại Iraq làm đầu bếp tại trại huấn luyện quân đội. Đến năm 2010, ông tiếp tục xuất bản cuốn sách về những người lao động trong khu vực chiến tranh.
Theo Reuters, chuyến đi cuối cùng của ông tới Trung Đông là năm 2015. Qua đoạn video được băng đảng bắt cóc phát tán, không ai có thể đoán được chuyện gì xảy đến với Yasuda sau khi ông biến mất. Những người Nhật Bản bị bắt cóc khác đều bỏ mạng.
Ngày 25/10, ông đáp chuyến bay về Tokyo. Trước sự trở lại của nhà báo Yasuda, người Nhật Bản đang tranh luận sôi nổi về câu hỏi nghề phóng viên chiến trường là hành động liều lĩnh hay dũng cảm.
"Sau khi trở về, tôi muốn ông ấy tổ chức một cuộc họp báo để xin lỗi và làm việc để trả lại tiền chuộc. Tôi không cần nghe ý kiến của ông ấy", một tài khoản Twitter viết.
Nhà báo tự do Kosuke Tsuneoka, bạn của ông Yasuda, nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại: "Từng có ý kiến chỉ trích như thế và có vẻ lần này cũng tương tự. Nhưng Yasuda rất kiên cường và có sức mạnh ý chí tuyệt vời. Tôi yên tâm là ông ấy sẽ không bị tổn thương".