Gắn bó với beGroup từ những ngày đầu thành lập, bằng sự tự tin và am hiểu, bà Nguyễn Hoàng Phương, tân CEO beGroup cho biết doanh nghiệp mới tái cấu trúc, tập trung mạnh mẽ vào mảng gọi xe cốt lõi. “Be” sẽ tiếp tục giữ vững vị trí số hai trên thị trường, đồng thời trở thành ứng dụng gọi xe có chất lượng hàng đầu Việt Nam.
Tân CEO beGoup: “be sẽ tái định nghĩa chuẩn chất lượng trong ngành gọi xe”. |
- Thị trường gọi xe công nghệ đang có sự cạnh tranh khốc liệt, bà có áp lực với vị trí mới hay không?
- Đương nhiên áp lực là điều không thể tránh khỏi vì đây là thị trường cạnh tranh rất khốc liệt. Nhưng đồng thời, áp lực cũng sẽ biến thành động lực, là niềm cảm hứng để tôi cùng đội ngũ của mình tiếp tục tiến lên trên con đường phía trước. Niềm tin của tôi dựa trên 3 cơ sở:
Thứ nhất, về mô hình kinh doanh, beGroup đang đi hoàn toàn đúng hướng, phù hợp với xu thế phát triển và đòi hỏi của thị trường trong kỷ nguyên 4.0. Mô hình kinh doanh mà chúng tôi hướng đến là phát triển bền vững, có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình.
Thứ hai, về phần con người, chúng tôi có đội ngũ tốt, những người đang trực tiếp tạo ra kết quả kinh doanh, vận hành, công nghệ trong thời gian qua vẫn gắn bó từ những ngày đầu với công ty. Họ là những người tài năng, nhiệt huyết và đang tiếp tục đồng hành để đưa mô hình kinh doanh mới thành công
Thứ ba, ở khía cạnh cá nhân, là một trong những co-founder (đồng sáng lập) beGroup, đi cùng công ty ngay từ những ngày đầu, trực tiếp phụ trách những mảng vận hành, kinh doanh của mảng gọi xe và quản trị chung của cả công ty, tôi hoàn toàn tự tin “be” sẽ thành công trên con đường sắp tới..
- Trong vai trò CEO, bà làm thế nào để vận hành beGroup đi đúng hướng?
- Hiện tại, công ty đang có các C-level (thành viên ban điều hành) tài năng và tâm huyết, mỗi người đều phụ trách một mảng công việc chuyên môn của mình. Mặc dù CEO là người quyết định và chịu trách nhiệm sau cùng nhưng chúng tôi thường xuyên trao đổi, thảo luận để cùng nhau đưa ra các quyết sách đúng đắn và phù hợp nhất.
- Việc tái cấu trúc của beGroup diễn ra như thế nào? Điều này có ảnh hưởng đến hoạt động ứng dụng không?
- Câu trả lời ngắn gọn là không. Chiến lược từ 2020 của beGroup là chỉ tập trung vào phát triển công nghệ, nguồn lực cho vận tải trong kỷ nguyên 4.0, coi đó là trọng tâm và tạm dừng các mảng khác.
Như vậy, việc tập trung nguồn lực vào một lĩnh vực duy nhất, thay vì 4-5 mảng như trước đây, khẳng định rằng beGroup không chỉ mong muốn giữ vững thị phần số 2, mà còn kéo gần khoảng cách với đối thủ số 1 trên thị trường.
- Để đưa “be” phát triển hơn nữa, thu hẹp khoảng cách với đối thủ, chiến lược sắp tới là gì?
- Chiến lược của chúng tôi có thể chia làm hai khía cạnh: Tài chính và phi tài chính.
Về tài chính, thị trường gọi xe Việt Nam đủ lớn để có ít nhất 3 người chơi. Chúng tôi đang làm miếng bánh thị trường nở ra, tạo ra tệp khách hàng mới, câu chuyện mới để bán sản phẩm, dịch vụ.
Thị trường vận tải Việt Nam tăng trưởng rất hấp dẫn với mức trung bình 38%/năm. “Be” chỉ cần tăng trưởng theo sự phát triển của ngành đã là rất tốt, chúng tôi xác đinh rõ rằng mình có tệp khách hàng, tài xế riêng và chắc chắn sẽ rút ngắn dần khoảng cách với đối thủ về doanh thu và số chuyến.
Bên cạnh các sản phẩm lõi như beBike và beCar, chúng tôi đã và đang không ngừng cho ra đời những sản phẩm vận tải mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Các sản phẩm bổ trợ như beLoyalty, beFinancial vẫn được duy trì để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng.
Về chiến lược phi tài chính, năm 2020, chúng tôi sẽ đặt mục tiêu cao nhất, dốc nhiều sức lực để nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi mới bắt đầu, điểm sao (*) trung bình của tài xế khi gia nhập “be” là 4.6/5 - mức trung bình của ngành gọi xe. Dần dần, con số này đã được tăng lên 4.8/5 và đến nay là 4.9/5 - một chỉ số đánh giá chất lượng mà khách hàng đã dành cho tài xế “be” làm chúng tôi rất đỗi tự hào.
“Be” cam kết mức thu nhập của tài xế năm 2020 sẽ tốt hơn năm 2019, không thua kém các công ty đối thủ. |
Về mục tiêu dài hạn, chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển mạnh mảng công nghệ để trở thành một nền tảng công nghệ số có chọn lọc kỹ lưỡng, dựa vào nhu cầu thực sự của khách hàng. Chúng tôi luôn chào đón những sự hợp tác, kết nối, tận dụng nguồn lực của nhau và cùng nhau sinh lời với các công ty có mong muốn phát triển một hệ sinh thái số với mình.
- Nhiều người nói rằng “be” đang gặp khó khăn trong cuộc đua “đốt tiền” để giành thị phần. Theo bà điều này có đúng hay không?
- “Startup đốt tiền” nói đến một trào lưu đầu tư vào các doanh nghiệp công nghệ 5-6 năm trước, khi các công ty startup chạy theo doanh thu còn các nhà đầu tư mong muốn kiếm được thật nhiều tiền với định giá doanh nghiệp dựa vào doanh thu đó. Đó là giá trị ảo.
BeGroup là startup non trẻ mới được một năm tuổi nhưng đã đạt được những thành công đáng được ghi nhận. Hiện tại, “be” đã có mặt tại 10 tỉnh thành với các dịch vụ là beBike, beCar, beDelivery, beExpress và vừa ra mắt thêm beLoyalty. Ứng dụng gọi xe “be” sở hữu 60.000 tài xế, được tải xuống 5,5 triệu thiết bị di động và hoàn thành 38 triệu chuyến xe beBike, beCar với hơn 350.000 lượt yêu cầu mỗi ngày.
“Be” cũng như các doanh nghiệp khác, mỗi giai đoạn sẽ có chiến lược phát triển vận hành khác nhau, ưu tiên tập trung khác nhau. Trong năm 2020, thay vì phát triển ồ ạt như năm đầu tiên, chúng tôi sẽ ưu tiên chú trọng chiều sâu chất lượng dịch vụ, tinh gọn cơ cấu tổ chức, hướng đến việc phát triển bền vững lâu dài.
- Với vai trò lãnh đạo mới, liệu bà sẽ duy trì và phát triển hơn nữa các chính sách với tài xế của “be”, khi coi đó là một nghề và cần được bảo vệ?
- Với anh em tài xế, “be” luôn luôn giữ vững định hướng như vậy. “Be” cam kết mức thu nhập năm 2020 sẽ tốt hơn năm 2019, không thua kém các công ty đối thủ. “Be” chỉ tồn tại khi có sự ủng hộ của anh em tài xế. Không có lý do gì khi “be” phát triển mà các anh em tài xế không có thu nhập tốt hơn.
“Be” chưa bao giờ định hướng là một sản phẩm giá rẻ và chúng tôi sẽ không ngừng tạo ra những giá trị thực: Khách hàng sẽ nhận được những giá trị tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra, còn tài xế sẽ có thu nhập xứng đáng khi tạo ra chất lượng dịch vụ tốt nhất.
Với việc tuân thủ chặt chẽ các quy định, chính sách của Nhà nước về thuế, Luật lao động…, chúng tôi đảm bảo sự công bằng cho người tài xế về thu nhập và phúc lợi, cũng như tiếp tục minh bạch hoạt động kinh doanh với cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng tôi tin rằng, chỉ khi nào minh bạch, doanh nghiệp mới có khả năng phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Bình luận