“Bình Thuận thực hiện chủ trương không chấp thuận thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào nữa để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững”, ông Dương Văn An, tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, chia sẻ với Zing.
Với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm qua vượt 7,6%, đặc biệt có sự bứt phá ở 2 năm gần đây, Bình Thuận là một trong những “ngôi sao” phát triển ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương vẫn chưa được phát huy.
Tân Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chia sẻ với Zing về chiến lược phát triển để đưa Bình Thuận lên vị thế mới trong giai đoạn 2020-2025.
- Thưa ông, Bình Thuận đang nổi lên là trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia với quy hoạch đến năm 2020 chiếm 11% tổng điện năng của cả nước. Tuy nhiên, việc giải tỏa công suất đang gặp khó khăn. Bình Thuận làm cách nào để gỡ vướng vấn đề này?
- Bình Thuận có nhiều tiềm năng lớn về phát triển công nghiệp năng lượng với đầy đủ các loại hình như thủy điện, nhiệt điện than, điện mặt trời và điện gió. Trong tương lai sẽ có điện khí hóa lỏng (LNG).
Hiện, tỉnh có 37 nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, điện gió và điện năng lượng mặt trời), tổng công suất 6.117 MW, sản lượng điện theo thiết kế khoảng 31,7 tỷ kWh/năm.
Ngành điện đã có vai trò rất quan trọng vào việc đóng góp GDP của tỉnh cũng như đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ riêng năm 2019, tổng sản lượng điện sản xuất đạt gần 27 tỷ kWh, đem về giá trị sản xuất trên 33.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hạ tầng truyền tải điện chưa phù hợp với quy hoạch. Tổng công suất phát điện đang rất lớn nhưng hạ tầng lưới điện truyền tải đang chỉ ở mức độ trung bình. Một số nhà máy điện mặt trời đang phải giảm công suất phát, gây lãng phí và khó khăn cho nhà đầu tư.
Để tháo gỡ vấn đề này, ngoài việc kiến nghị cải tạo nâng cấp, đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải, Bình Thuận còn đề xuất Chính phủ cho cơ chế để nhà đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải hoặc ứng vốn để ngành điện xây dựng đường dây truyền tải. Cơ chế này giúp phát huy nguồn lực xã hội.
Chẳng hạn, vừa rồi, một tập đoàn đã xây dựng đường dây 500 kV từ huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) đến xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Dự án góp phần giải tỏa công suất không chỉ cho dự án của họ mà cả các dự án khác.
Đây là giải pháp đột phá trong tư duy quản lý đem lại lợi ích cho cả Nhà nước và doanh nghiệp; đồng thời không để lãng phí nguồn năng lượng quốc gia.
- Bên cạnh giải pháp để tháo gỡ khó khăn, tỉnh có những nỗ lực nào để kêu gọi và giữ chân nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo?
- Nắng và gió của Bình Thuận chính là tiềm năng, tài nguyên để mời gọi và giữ chân nhà đầu tư năng lượng tái tạo. Hiệu quả đầu tư năng lượng tái tạo ở Bình Thuận là tối ưu.
Nhiều nhà đầu tư lớn đăng ký khảo sát, đầu tư với tổng công suất đề xuất khoảng 15.800 MW. Trong đó, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho một nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát thực hiện dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà, huyện Hàm Thuận Nam, với tổng công suất đề xuất là 3.400 MW, vốn đầu tư khoảng 11,9 tỷ USD.
Bên cạnh tài nguyên tự nhiên, tỉnh chủ động công khai, minh bạch các chính sách, thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư.
Vấn đề vướng mắc mà nhiều địa phương gặp phải trong thu hút đầu tư là đất đai. Thấu hiểu điều này, Bình Thuận luôn nỗ lực làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư nhưng không để ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính và đối thoại, gỡ vướng cho doanh nghiệp cũng là phương án Bình Thuận đang thực hiện để giữ chân nhà đầu tư.
Doanh nghiệp là bộ phận quan trọng để phát triển kinh tế tỉnh nhà. Vì vậy, tôi cùng với các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh sẵn sàng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp bất cứ lúc nào có thể.
Có người cho rằng lãnh đạo quan hệ nhiều với doanh nghiệp là không tốt, bị lợi dụng hoặc lợi dụng doanh nghiệp. Nhưng với tôi, gặp gỡ doanh nghiệp là để lắng nghe những phản ánh, qua đó có những chủ trương đúng đắn hoặc xử lý kịp thời những bất cập.
Hiện tại, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Thuận không cao, những phản ánh của doanh nghiệp sẽ giúp chúng tôi thấy được những hạn chế để cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
- Thưa ông, các dự án nhiệt điện than sẽ dẫn đến các hệ lụy về môi trường. Ông có thể chia sẻ làm thể nào để Bình Thuận phát triển bền vững nhưng vẫn bảo vệ được môi trường?
- Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân là tổ hợp nhiệt điện than lớn nhất Việt Nam hiện nay, gồm 5 dự án với 10 tổ hợp phát điện, tổng công suất lắp đặt 6.264 MW, trong đó 7 tổ hợp công suất 4.284 MW đã phát điện thương mại.
Tỉnh đặc biệt quan tâm đến môi trường ở đây. Trong đó, 3 vấn đề đáng lo là khí thải, tro, xỉ than (thải) và nước làm mát của các nhà máy.
Lượng tro, xỉ thải ra hàng ngày rất lớn là vấn đề được quan tâm nhất. Tro, xỉ tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đang được đưa ra bãi thải lộ thiên. Do đang thiếu các quy chuẩn và tiêu chuẩn về sử dụng tro, xỉ làm vật liệu nên khả năng tiêu thụ, tái sử dụng chưa nhiều. Lượng tro, xỉ tại các bãi chứa đang vượt quá giới hạn cho phép, có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường ở các khu vực lân cận.
Tỉnh sẽ kiên trì kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải bổ sung tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật và các định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sử dụng tro, xỉ. Từ đó, tro, xỉ sẽ trở thành nguồn tài nguyên mới, phục vụ cho nền “kinh tế tuần hoàn”, vừa hiệu quả trong kinh tế vừa đảm bảo môi trường.
Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn, đảm bảo đánh giá tác động môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Các nhà máy phải lắp đặt hệ quan trắc môi trường đấu nối trực tiếp với Sở Tài nguyên Môi trường. Sở sẽ theo dõi các số liệu môi trường, trường hợp nhà máy vi phạm, có thể bị yêu cầu tạm dừng hoạt động để khắc phục. Đồng thời, người dân cũng có thể theo dõi số liệu môi trường qua các bảng thông tin được lắp đặt công khai tại các nhà máy và Trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Đặc biệt, Bình Thuận thực hiện chủ trương không chấp thuận thêm bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào nữa để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Tỉnh tập trung thu hút các dự án ít ô nhiễm môi trường như điện khí hóa lỏng LNG, năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Nội dung này đã được đưa vào trong văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Làm thế nào để du lịch Bình Thuận có bản sắc riêng, khác biệt so với các địa phương khác?
- Năm năm qua, du lịch Bình Thuận phát triển khá nhanh và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2019, tỉnh đón trên 6,4 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, các điểm du lịch còn tự phát, sơ sài, không có điểm nhấn cho du khách. Theo thống kê, mỗi du khách lưu trú bình quân chỉ 1,7 ngày.
Vì vậy, để du lịch phát triển thành ngành mũi nhọn, Bình Thuận sẽ cải tổ du lịch dựa trên điều kiện thiên nhiên, cảnh quan hiện có, khác biệt như khai thác cảnh quan lãng mạn của những đồi cát thay nhau “đuổi hình bắt bóng”, “biển một bên và đồi cát một bên”, các trò chơi như trượt cát, đi môtô địa hình, mạo hiểm trên đồi cát...
Sự khác biệt của du lịch Bình Thuận còn được thể hiện ở định hướng phát triển là du lịch - thể thao biển. Sự kết hợp giữa nghỉ dưỡng, tham quan với các môn thể thao biển sẽ là bản sắc riêng của du lịch Bình Thuận. Ngoài nghỉ dưỡng, du khách sẽ tham gia các môn thể thao lướt ván buồm, lướt ván diều, golf, bóng đá, bóng chuyền, bóng ném bãi biển, lái xe trên cát, chạy xe theo đồi cát, ven biển…
Cùng với đó, Bình Thuận đã định vị 19 bến du thuyền, trong đó đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án. Các bến du thuyền đi vào hoạt động sẽ là sản phẩm đặc thù mới, đem đến cho du khách những trải nghiệm khi lướt sóng biển. Hoặc, Bình Thuận có thể tổ chức các giải đua thuyền buồm quốc tế.
Nhiều người nước ngoài từng nói với tôi, nếu đến Việt Nam lần nữa, nơi mà họ chọn vẫn là Mũi Né. Khó có nơi nào được như Bình Thuận, khi mà có biển đẹp bên cạnh những đồi cát tuyệt đẹp.
Đặc biệt, sẽ có một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí đặc sắc gắn với quản lý và phát triển rừng bền vững theo mô hình safari, quy mô khoảng 3.300 ha sẽ ra mắt trong tương lai gần. Đây là sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn hàng đầu châu Á, sẽ là một điểm đến kỳ thú, tạo cú đột phá mới cho du lịch Bình Thuận.
Trong tương lai, khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ trở thành khu du lịch đẳng cấp hàng đầu của châu Á - Thái Bình Dương theo đúng định hướng quy hoạch của Chính phủ.
- Các doanh nghiệp du lịch, bất động sản du lịch lớn chưa coi Bình Thuận là nơi cần ưu tiên, tỉnh làm gì để đón dòng vốn từ các tập đoàn này?
- Trước đây, Bình Thuận còn khó khăn về giao thông đối ngoại. Các nhà đầu tư có tên tuổi, có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính thường không “mặn mà” đến với địa phương không có cao tốc, sân bay.
Tuy nhiên, đường cao tốc dài hơn 160 km qua tỉnh đã được khởi công, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022 và sắp tới là sân bay Phan Thiết. Những công trình này tạo ra luồng gió mới cho thu hút đầu tư của Bình Thuận.
Thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án xây dựng khu đô thị - du lịch - dịch vụ dọc hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Hòa Thắng - Hòa Phú, đường 719B từ Tiến Thành đi Kê Gà.
Bên cạnh kêu gọi đầu tư, tỉnh đặt mục tiêu tăng cường liên kết vùng để cùng nhau phát triển. Bình Thuận sẽ phát huy nội lực và lấy sự phát triển của các địa phương khác cùng liên kết để tạo ra sự phát triển cho chính mình.
Chúng tôi đã liên kết hợp tác với Bình Dương, cụ thể là Tập đoàn Becamex để thực hiện dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Kinh nghiệm thành công và tiềm lực của tỉnh bạn sẽ được áp dụng một cách phù hợp tại địa phương.
Bình Thuận có tham vọng trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư có tên tuổi, tiềm năng trong và ngoài nước.
- Bình Thuận có ngư trường lớn thứ 3 và vùng thanh long trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến không theo kịp ngành nông nghiệp. Ông có thể cho biết định hướng của công nghiệp chế biến trong thời gian tới?
- Tôi rất trăn trở khi Bình Thuận chưa có thêm sản phẩm chế biến nông, lâm, thủy sản nổi tiếng nào, ngoài nước mắm. Ngư trường rộng 52.000 km2, sản lượng khai thác hải sản năm 2020 ước đạt 222.000 tấn, sản lượng thanh long hơn 640.000 tấn/năm, đây là nguồn nguyên liệu đầu vào rất dồi dào cho ngành chế biến nhưng việc bán hàng chưa qua chế biến chiếm tỷ trọng lớn.
Tôi luôn ước ao, khi vào siêu thị, trên kệ hàng sẽ có những sản phẩm cá, tôm đóng hộp; bánh kẹo, nước uống chế biến từ nông sản, từ trái thanh long với nhãn hiệu “made in Bình Thuận”.
Thời gian tới, Bình Thuận quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và đánh bắt hải sản. Đồng thời, tỉnh sẽ phát triển theo hướng tạo ra chuỗi giá trị, gắn trồng trọt, chăn nuôi, khai thác với chế biến.
Ngoài ra, địa phương sẽ liên kết với các vùng để các sản phẩm của tỉnh có vị trí, chỗ đứng trên thị trường.
- Ông hình dung Bình Thuận năm 2025 sẽ như thế nào?
- Định hướng 5 năm tới tỉnh sẽ phát triển nhanh, bền vững, mạnh về kinh tế biển, năng lượng và du lịch. Tôi kỳ vọng Bình Thuận sẽ là địa phương tự cân đối được thu chi, không còn dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương. Đây cũng là mong mỏi của Thủ tướng đặt ra tại phiên làm việc với tỉnh vào năm 2017.
Kế đến, tôi kỳ vọng tỉnh sẽ là địa điểm du lịch có thương hiệu, hấp dẫn, đẳng cấp, đẹp và sạch, thu hút du khách trong và ngoài nước. Du khách đến Việt Nam phải chọn Bình Thuận là một điểm đến không thể thiếu.
Ngoài ra, tôi mong muốn hoàn thành việc chỉnh trang các khu dân cư ven biển, đô thị TP Phan Thiết. Những nơi này sẽ phải đẹp hơn, sạch sẽ hơn, ngăn nắp hơn, thân thiện, mến khách hơn và điều kiện sống của người dân tốt hơn.
Trong nhiệm kỳ này, tôi sẽ cùng với tập thể Tỉnh ủy nỗ lực hết sức, kế thừa những thành quả trước đây để để góp phần xây dựng quê hương Bình Thuận giàu đẹp văn minh, đời sống người dân được nâng lên.