Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tấn bi kịch của phụ nữ Afghanistan

Sắc lệnh mới của chính quyền Taliban đã dập tắt hy vọng của hàng triệu phụ nữ Afghanistan, những người đang chứng kiến ​​​​quyền và sự tự do của họ dần bị xóa bỏ.

phu nu Afghanistan anh 1

Chỉ còn vài tháng nữa, Marwa sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên trong gia đình ở Afghanistan đi học đại học. Thế nhưng, hy vọng này đã bị dập tắt.

Thay vào đó, giờ cô sẽ đau đớn đứng nhìn anh trai đi học mà không có mình.

Phụ nữ hiện bị cấm theo học đại học ở Afghanistan - nơi họ liên tục bị tước quyền tự do trong những năm qua sau khi Taliban lên nắm quyền.

"Nếu họ ra lệnh chặt đầu phụ nữ, thậm chí điều đó còn tốt hơn lệnh cấm này", Marwa nói với AFP tại nhà riêng ở Kabul.

"Nếu chúng tôi kém may mắn đến vậy, tôi ước rằng chúng tôi chưa từng được sinh ra. Tôi xin lỗi vì sự tồn tại của mình trên đời”, cô cho hay. "Chúng tôi đang bị đối xử tệ hơn cả động vật. Động vật có thể tự do đi bất cứ đâu, nhưng nữ giới như chúng tôi thậm chí không có quyền bước ra khỏi nhà mình".

Marwa (19 tuổi) gần đây đã vượt qua kỳ thi tuyển sinh để bắt đầu học ngành điều dưỡng tại một trường đại học y khoa ở thủ đô Afghanistan từ tháng 3/2023.

Cô rất vui khi được cùng anh trai mình, Hamid, đến trường mỗi ngày.

Nhưng giờ tương lai của họ đã bị chia cắt.

“Tôi muốn em gái tôi đạt được mục tiêu cùng với tôi - thành công và tiến về phía trước”, Hamid, 20 tuổi, sinh viên quản trị kinh doanh tại một viện giáo dục đại học ở Kabul, cho biết. "Bất chấp một số vấn đề, em gái tôi đã học đến lớp 12. Nhưng chúng tôi biết nói gì bây giờ?"

phu nu Afghanistan anh 2

Phụ nữ Afghanistan biểu tình sau lệnh cấm nữ giới tới trường đại học của Taliban. Ảnh: Reuters.

Những giấc mơ bị “nghiền nát”

Lệnh cấm của chính phủ Hồi giáo theo đường lối cứng rắn, nắm quyền vào tháng 8/2021, đã gây ra sự phẫn nộ toàn cầu.

Ông Neda Mohammad Nadeem, Bộ trưởng Giáo dục Đại học trong chính quyền Taliban, hôm 22/12 khẳng định các nữ sinh viên đã phớt lờ những quy định của đạo Hồi - bao gồm yêu cầu về trang phục hoặc yêu cầu phải đi cùng với người thân là nam giới khi ra ngoài.

Bên cạnh đó, ông cũng cho hay một số môn khoa học không phù hợp với phụ nữ. “Kỹ thuật, nông nghiệp và một số khóa học khác không phù hợp với phẩm giá và danh dự của nữ sinh cũng như văn hóa Afghanistan”, vị quan chức nói.

Tuy nhiên, theo một số quan chức Taliban, thực tế là các giáo sĩ theo đường lối cứng rắn, cố vấn cho thủ lĩnh tối cao của phong trào Hibatullah Akhundzada, vẫn hoài nghi sâu sắc về nền giáo dục hiện đại dành cho phụ nữ.

Sakina Sama (22 tuổi), sinh viên năm hai Đại học Báo chí ở tỉnh Balkh, miền Bắc Afghanistan, chia sẻ: “Trường đại học là cửa sổ hy vọng duy nhất đối với tôi, nhưng hôm nay chúng tôi mắc kẹt trong hố đen này".

Không chỉ cấm giáo dục cho nữ giới, chính quyền Taliban ngày 24/12 cũng yêu cầu tất cả tổ chức phi chính phủ - cả trong nước lẫn quốc tế - không cho phép các nhân viên nữ đi làm, theo Reuters.

Sắc lệnh, được công bố trong một bức thư của bộ Kinh tế Afghanistan, cảnh báo họ sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của bất kỳ tổ chức nào không tuân thủ.

Theo các nhân viên cứu trợ, nhiều tổ chức viện trợ nhân đạo coi động thái cấm nhân viên nữ là lằn ranh đỏ và họ có thể đóng cửa hoạt động trên khắp đất nước.

Các hoạt động đóng cửa có thể cắt đứt huyết mạch viện trợ cho 28,3 triệu người - tương đương 2/3 dân số đất nước Afghanistan - dự kiến ​​cần hỗ trợ nhân đạo vào năm tới.

phu nu Afghanistan anh 3

Nữ sinh xếp hàng bên ngoài cổng Đại học Kabul vào tháng 2. Ảnh: AP.

Ngay cả đối với các nhóm còn ở lại Afghanistan, việc mất đi các nữ nhân viên cũng có thể cản trở nghiêm trọng việc cung cấp viện trợ. Ở nhiều nơi trên đất nước, phụ nữ thường chỉ tương tác với nam giới trong gia đình và không thể trực tiếp nhận viện trợ, như gói thực phẩm hoặc chăm sóc y tế, từ các nhân viên cứu trợ nam.

Lặp lại lịch sử

Trong những tháng gần đây, phụ nữ Afghanistan đang dần bị loại khỏi các nơi công cộng, bị đẩy khỏi các công việc của chính phủ hoặc thậm chí, được trả một phần lương trước đây để ở nhà.

Họ bị cấm đến công viên, hội chợ, phòng tập thể dục, nhà tắm công cộng, và cấm đi du lịch mà không có người thân là nam giới. Cảnh sát đạo đức xuất hiện bất cứ đâu trên đường phố, trừng phạt những phụ nữ không che từ đầu đến chân trong bộ khăn trùm đầu kín đáo.

Các động thái mới báo hiệu rằng giới chức Taliban đang gạt bỏ mọi ý định ôn hòa và quyết tâm khôi phục lại quy tắc cứng rắn mà tổ chức này đã duy trì trong thời gian nắm quyền đầu tiên vào những năm 1990.

Theo New York Times, những lời hứa ban đầu của các quan chức Taliban nhằm bảo vệ quyền giáo dục và việc làm cho phụ nữ dần nhường chỗ cho các sắc lệnh ngày càng bảo thủ.

Marwa và Hamid xuất thân từ một gia đình nghèo khó nhưng cha mẹ họ đã ủng hộ họ theo đuổi con đường học vấn cao hơn.

Với ước mơ trở thành nữ hộ sinh, Marwa đã lên kế hoạch đến thăm những vùng xa xôi của Afghanistan, nơi phụ nữ vẫn còn thiếu thốn các dịch vụ y tế.

"Tôi muốn chăm sóc phụ nữ ở những nơi xa xôi để chúng tôi không bao giờ còn phải chứng kiến ​​cảnh người mẹ mất mạng khi sinh nở", cô nói.

Thế nhưng, ước mơ đó đã vụt tắt sau lệnh mới. Giờ đây, thay vào đó, cô sẽ ở nhà để dạy 6 đứa em của mình, trong khi cha cô, trụ cột duy nhất của gia đình, kiếm tiền bằng nghề bán rau.

phu nu Afghanistan anh 4

Các trường đại học Afghanistan nhận được lệnh cấm tiếp nhận nữ sinh. Ảnh: Wall Street Journal.

Giải thích cho lệnh cấm, Bộ trưởng Nadeem khẳng định cách cư xử của các nữ sinh đã xúc phạm nguyên tắc Hồi giáo và văn hóa Afghanistan.

"Họ ăn mặc như thể họ đang đi dự đám cưới. Những cô gái đến trường đại học từ nhà không tuân theo hướng dẫn về khăn trùm đầu", ông nói trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước.

Nhưng Hamid bác bỏ mạnh mẽ lời biện minh cho lệnh cấm.

“Khi các trường đại học mở cửa dưới thời Taliban, những ngày khác nhau được quy định cho nam sinh và nữ sinh”, anh cho biết. "Họ (các cô gái) không được phép vào trừ khi đeo khăn trùm đầu. Làm sao Taliban có thể nói rằng họ không đeo khăn trùm đầu?"

Sau khi Taliban nắm quyền, các trường đại học buộc phải thực hiện các quy tắc mới, bao gồm phân chia lớp học và lối vào theo giới tính. Nữ giới sẽ chỉ được phép học từ các giáo sư cùng giới hoặc đàn ông lớn tuổi.

Mẹ của Marwa, Zainab, ôm đứa con sơ sinh trong tay, cho biết bà cảm thấy lịch sử đang lặp lại.

Hai thập kỷ trước, bà buộc phải bỏ dở việc học của mình trong chế độ đầu tiên của Taliban từ năm 1996 đến 2001. Giờ đây, điều đó đang xảy ra với con của bà.

“Tôi rất vui vì con trai tôi có thể theo đuổi mục tiêu của mình, nhưng tôi cũng đau lòng khi con gái tôi không thể làm được điều tương tự”, Zainab nói.

"Nếu con gái tôi không đạt được mục tiêu của mình, nó sẽ có một tương lai khốn khổ như tôi", bà chia sẻ.

Afghanistan ngày nay

Mục Thế giới giới thiệu sách về Afghanistan với tựa đề "Afghanistan ngày nay" do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 2018. Hiện nay, khi nhắc đến Afghanistan, nhiều người thường nghĩ đến vùng đất của chiến tranh, nghèo đói, ma túy và bất ổn. Vậy điều gì khiến Afghanistan mất đi vẻ đẹp và sự bình yên của đất nước một thời? Cuốn sách sẽ góp phần lý giải câu hỏi này.

Taliban giáng lệnh cấm đoán mới với phụ nữ

Chính quyền Taliban tại Afghanistan ngày 24/12 yêu cầu tất cả tổ chức phi chính phủ - cả trong nước lẫn quốc tế - không cho phép các nhân viên nữ đi làm, theo Reuters.

Taliban giáng đòn mới vào phụ nữ Afghanistan

Chính quyền Taliban đã ra lệnh cấm hoàn toàn việc giáo dục cho nữ giới - đòn giáng mới nhất đối với quyền và sự tự do của phụ nữ Afghanistan.

Minh An

Bạn có thể quan tâm