Những gì nhà văn giãi bày trong trang sách chính là nỗi lòng của người làm cha, mẹ, luôn mong con trở thành đứa trẻ ngoan, biết yêu thương, chia sẻ.
Là thầy giáo, có nhiều năm cắm bản, quyết tâm ở lại vùng cao dạy học, nhà văn Lục Mạnh Cường thường xuyên phải xa gia đình, con thơ.
Trong những buổi khuya lạnh buốt, đẫm sương muối của vùng cao, nỗi nhớ thương con nhỏ lại cồn cào trong lòng người cha ấy. Hình ảnh bé Trí, con trai đầu lòng của tác giả, hiện lên qua từng câu văn.
Tản văn Cho con và những yêu thương của tác giả Lục Mạnh Cường. Ảnh: NXB Kim Đồng. |
Cuốn sách giống như đoạn phim tua chậm về những kỷ niệm chưa xa trong ký ức. Lần đầu tiên xa mẹ, con chẳng chịu theo ai, nhất định phải nằm trong vòng tay bố.
Mỗi khi con cảm sốt, hay húng hắng ho, trái tim người làm cha như thắt lại. Nhà văn nhớ một lần con ốm, giữa đêm khuya, anh đã phải chạy đi tìm mật ong để dùng làm thuốc cho con.
Tác giả như quên đi cái lạnh của đêm đông vùng núi, chỉ một lòng lo cho đứa con thơ đang phải vật lộn với những cơn ho không dứt. Làm cha là bước ngoặt thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người đàn ông. Khi ôm ấp sinh linh bé bỏng trong tay, họ dần cảm nhận được trọng trách lớn lao của người trụ cột trong gia đình.
Mỗi lần, nhìn những cô cậu học trò nhỏ với đôi má hây hây trong sương sớm, dẫu khó khăn, vất vả, vẫn miệt mài băng rừng, lội suối để tới trường, nỗi nhớ con lại ùa lên trong lòng tác giả.
Đã có lần, con trai nhỏ hỏi nhà văn: “Bố yêu con hơn hay các bạn học sinh hơn?”. Lúc ấy, cậu bé đang dỗi hờn vì bố không thể ở bên mình hàng ngày như bao người cha khác.
Làm sao có thể so sánh hai thứ tình cảm ấy với nhau. Bởi trong lòng cha mẹ, con cái luôn là thứ quan trọng và thiêng liêng hơn cả. Nhưng tác giả muốn con hiểu rằng mình còn là một người thầy. Anh phải có trách nhiệm với nghề giáo thiêng liêng.
Những tâm sự của tác giả về nghề giáo trong bài viết cùng tên, khiến người đọc không khỏi xúc động. Anh nhớ lại ngày đầu lên vùng cao công tác, nghe tiếng sương muối rơi tí tách, cùng cái lạnh cắt da cắt thịt, người thầy giáo trẻ chỉ muốn bỏ cuộc. Đúng lúc đó, có một học sinh tới chuyện trò anh.
Trong lòng cậu học trò nhỏ đang lo sợ, vì nghĩ rằng người thầy mới đến sẽ rời đi như bao giáo viên khác từng quanh lưng với vùng núi hoang vắng, quạnh hiu này.
Từ giây phút ấy, thầy giáo trẻ biết mình phải dũng cảm đương đầu với khó khăn để mang con chữ đến với đám trẻ vùng cao. Anh say sưa kể cho con nghe về những lần phải vào tận các thôn bản, để vận động phụ huynh cho con em tới trường. Bao lần, anh ngậm ngùi trước những tâm sự của học trò. Cái đói, nghèo có thể cướp đi ước mơ tới trường của các em bất cứ lúc nào.
Tác giả Lục Mạnh Cường. Ảnh: FBNV. |
Là người cha, anh muốn con trai mình hiểu rằng: Cậu bé may mắn khi được sống trong sự đủ đầy về vật chất. Những gì mà bé Trí đang có là giấc mơ với những học trò nhỏ của anh. Bởi vậy, người cha ấy rất vui khi con trai mình biết sẻ chia với những người bạn có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi lần lên thăm trường của bố, bé Trí rất hòa đồng và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
Đọc Cho con và những yêu thương của tác giả Lục Mạnh Cường, độc giả cảm nhận được nét dung dị, hiền hòa của một cây bút miền sơn cước. Anh vừa đóng vai một người bố để trò chuyện cùng con, vừa muốn là người thầy, nhẹ nhàng giảng giải cho con về những điều đáng quý trong cuộc sống.
Nhưng trên hết, tác giả vẫn muốn trở thành người bạn của con, để cậu bé có thể mở lòng chia sẻ mà không hề e ngại.
Nhà văn Lục Mạnh Cường là người dân tộc Tày, sinh năm 1980 tại Hà Giang. Không chỉ là nhà giáo, anh còn là một cây bút có duyên với văn học thiếu nhi. Lục Mạnh Cường đã đoạt giải nhì trong cuộc vận động sáng tác do Dự án Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Thụy Điển tổ chức vào các năm 2007-2008 và 2008-2009 với các truyện ngắn Seo May, Quả vải khô và Trở về.
Năm 2012-2013, anh đoạt giải tư trong cuộc vận động sáng tác do Dự án Văn học Thiếu nhi Việt Nam - Thụy Điển tổ chức với truyện ngắn Bóng đêm.
|