Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tầm nhìn chiến lược về xây dựng và phát triển nền văn hóa

Tham luận "Tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943" của PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh. Ảnh: Báo Chính phủ.

Tròn 80 năm, Bản Đề cương văn hóa được công bố rộng rãi vào đầu năm 1943 trong bối cảnh Đảng ta chưa giành được chính quyền. Các nhà nghiên cứu văn hóa ở trong nước và nước ngoài đều coi sự xuất hiện của bản Đề cương này là một hiện tượng đặc biệt, hiếm có đối với một Đảng chưa cầm quyền, mà đã có tầm nhìn chiến lược về một lĩnh vực tinh thần không kém phần quan trọng đổi với chính trị và kinh tế.

Điều đó phản ánh sự nhạy bén chính trị và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta, bắt nguồn từ một thực trạng đất nước đang bị “một cổ ba tròng” của phong kiến, thực dân Pháp và phát xít Nhật đua nhau thống trị và đàn áp nhân dân ta. Sự phối hợp của các thế lực ngoại xâm không chỉ là việc tìm cách vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động đến tận xương tủy, mà đi theo đó là hàng loạt những thủ đoạn với dã tâm làm hủy hoại tinh thần của nhân dân ta, xóa bỏ các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, để chúng dễ bề ru ngủ, triệt tiêu ý thức phản kháng của nhân dân; trong khi đó, chúng ra sức đề cao văn hóa ngoại bang.

Vì vậy, bản Đề cương là sự cảnh báo cần thiết và kịp thời đối với toàn dân tộc, bóc trần mối nguy hại của chính sách văn hóa phản động, như tuyên truyền, giới thiệu, phô trương văn hóa của thực dân và phát xít, đề cao chủ nghĩa Đại Đông Á, mua chuộc nhà văn có tài, hăm dọa các nhà văn tiến bộ có tư tưởng cách mạng; xuất bản hàng loạt tài liệu nhồi sọ, thực hiện chính sách kiểm duyệt ngặt nghèo, tuyên truyền chủ nghĩa ái quốc mù quáng...

Trước hàng loạt nguy cơ đó, bản Đề cương chỉ rõ muốn hoàn thành cách mạng chính trị, Đảng ta phải đồng thời lãnh đạo cách mạng văn hóa; cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể thực hiện thành công khi Đảng nắm lấy ngọn cờ văn hóa. Nhiệm vụ cần kíp của những người cách mạng, nhất là những nhà văn hóa mác-xít là phải đề cao tinh thần chống phát xít, thực dân, phong kiến câu kết nô dịch tinh thần, thực hiện chính sách ngu dân.

Muốn vậy phải xây dựng văn hóa tân dân chủ, đấu tranh với những loại triết học Âu Á tập trung đề cao vai trò giai cấp thống trị; phải đẩy mạnh tuyên truyền làm cho thuyết duy vật biện chứng và thuyết duy vật lịch sử chiến thắng. Về văn nghệ, cần đề cao xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và làm giàu tiếng nói và chữ viết dân tộc... Tất cả các hoạt động đó đều dựa trên ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng. Đảng cũng nhấn mạnh, mặt trận chính trị và mặt trận văn hóa có vị trí quan trọng như nhau. Có thể nói, những luận điểm cơ bản nêu trong Đề cương đã được thực thi khẩn trương ngay sau khi Đảng ta giành được chính quyền vào tháng 8 năm 1945.

Sau ngày Tuyên ngôn Độc lập một ngày, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, thông qua 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có 3 nhiệm vụ liên quan văn hóa - đó là diệt giặc dốt; xóa bỏ tệ nạn thuốc phiện và thực hiện chính sách lương - giáo đoàn kết.

Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta vừa được 10 tháng, thì ngày 24/11/1946, Bác Hồ đích thân chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc, khẳng định lại những luận điểm trong Đề cương văn hóa và chỉ rõ những việc cần làm trước mắt với phương châm: “kháng chiến hóa văn hóa” và “văn hóa hóa kháng chiến”.

Tháng 7/1947, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, Tổng Bí thư Trường Chinh lại trình bày bản báo cáo quan trọng “Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam", chỉ rõ tính chất và nhiệm vụ văn hóa dân chủ mới ở Việt Nam; sự cần thiết phải xây dựng “mặt trận văn hóa thống nhất trong mặt trận dân tộc thống nhất”. Ngày 27/12/1983, tại Lễ kỷ niệm lần thứ 40 Ngày ra đời Đề cương văn hóa, sau khi phân tích nội dung, ý nghĩa lịch sử bản Đề cương, đồng chí Trường Chỉnh khẳng định: “Căn cứ nội dung Đề cương, thì phải gọi đó là “Đề cương về cách mạng tư tưởng và văn hóa Việt Nam” mới thật chính xác.

Điểm lại khái quát những thành tựu hoạt động văn hóa của cả nước, đồng chí khẳng định: “Bốn mươi năm qua, bản Đề cương văn hóa đã đi vào cuộc sống, tạo ra những chuyển biển sâu sắc trên đất nước ta. Một nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa với sức sống mãnh liệt đang củng cố những đổi mới trong tư tưởng, tình cảm, trí tuệ và đạo đức của nhân dân ta ngày nay”.

Năm 1947, nhân cuộc Triển lãm mỹ thuật toàn quốc tại chiến khu Việt Bắc, Bác gửi thư căn dặn: văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Sau này nói chuyện với các nhà báo, Bác lại khẳng định: Báo chí cũng là mặt trận; trang giấy và cây bút là vũ khí sắc bén.

Tròn 80 năm qua, những tư tưởng chỉ đạo cơ bản nêu trong Đề cương văn hóa năm 1943, vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba, ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điểm lại những quan điểm chỉ đạo cùng những thành tựu về phát triển văn hóa Việt Nam từ ngày lập Đảng đến nay. Chúng ta càng nhìn nhận rõ hơn tầm nhìn chiến lược của Đảng ta về văn hóa qua một số mốc lịch sử quan trọng.

Sau Đại hội VI của Đảng vào năm 1986, chúng ta triển khai Cương lĩnh đổi mới đất nước được 12 năm, thì Đảng ta đề ra Nghị quyết “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” với 5 nguyên tắc cơ bản, trong đó đáng chú ý nguyên tắc thứ 5 là: Xây dựng văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW5 khóa VIII nêu trên, Đảng ta tiến hành tổng kết và ban hành Nghị quyết mới vào ngày 9/6/2014 với tên gọi: “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Trong Nghị quyết này, Đảng ta bổ sung, hoàn chỉnh 5 quan điểm quan trọng ghi trong Nghị quyết TW5. Theo tôi, giá trị căn cốt của Nghị quyết này thể hiện cụ thể ở 5 quan điểm được trình bày khoa học, mang tính tổng kết lý luận - thực tiễn cao, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các nhiệm vụ và giải pháp, phù hợp tình hình thực tiễn đất nước ta khi công cuộc đổi mới, hội nhập đi vào chiều sâu:

1- Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

2- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

3- Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

4- Xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, trong đó chú trọng vai trò của gia đình, cộng đồng. Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế.

5- Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Điểm mới của Nghị quyết 33 là Đảng ta đã nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện” với những nội dung rất cụ thể: Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; hình thành lối sống có ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam.

Để có những con người đáp ứng yêu cầu trên đây, Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó: Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ. Xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đoàn kết, dân chủ, văn minh, đạt chuẩn thực chất về văn hóa; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội...

Có thể nói rằng, về thực chất, chúng ta đã cụ thể hóa, bổ sung và phát triển một số luận điểm cơ bản trong Đề cương văn hóa và các nghị quyết sau đó, nhằm đáp ứng thực tiễn tình hình đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển trước những đặc điểm và yêu cầu mới. 93 năm qua, dưới ánh sáng dẫn đường của những Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng nêu trên, nền văn hóa Việt Nam đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc, góp sức khơi thông tư tưởng và nhận thức nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm vượt lên mọi hy sinh gian khó, tạo nên thắng lợi vang dội của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Chúng ta không bao giờ quên khí thế hừng hực các phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, cả nước chung một ý chí: “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào!”.

Từ nhận thức sâu sắc mục tiêu thiêng liêng đó, xuất hiện các phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên, “Ba đảm đang” của phụ nữ, “Ba quyết tâm” của trí thức... Thực tiễn lao động và chiến đấu, đã làm nảy sinh những phương châm hành động lôi cuốn các tầng lớp, giai tầng xã hội: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”; “Tiếng hát át tiếng bom”... ở miền Bắc; “Ba mũi giáp công”; “Bám thắt lưng địch mà đánh”... ở miền Nam.

Từ trong gian nan và mất mát, vẫn vang lên những bài ca lay động lòng người, cổ vũ hào khí của dân tộc ta chung lòng hợp sức, sát cánh cùng nhau giành và giữ từng tấc đất thiêng của tổ tiên để lại. Sức mạnh của văn hóa, văn học, nghệ thuật và các phẩm chất cao đẹp của đội quân làm công tác văn hóa - tư tưởng được tỏa sáng. Không ít bài ca vang cùng năm tháng đã át cả đạn bom, thật sự là vũ khí tinh thần sắc bén, góp sức làm nên những kỳ tích trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Bước vào thời bình, công tác văn hóa tiếp tục có những đóng góp tích cực. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú. Văn hóa trong chính trị và kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập có bước phát triển mới. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được lan tỏa, góp sức thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, cùng những thành tựu đó, vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém nổi bật chậm được khắc phục, như nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa còn mờ nhạt, chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Sự chênh lệch về văn hóa giữa các vùng miền còn lớn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, bất cập. Chất lượng đội ngũ trực tiếp làm văn hóa còn thiếu và yếu. Việc tiếp nhận các thành tựu văn hóa trên thế giới thiếu chọn lọc, có hiện tượng bắt chước, lại căng...

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong phần nói về văn hóa, đã chỉ rõ những nguyên nhân hạn chế, bất cập nêu trên; từ đó nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đảng ta đồng thời chỉ rõ, trung tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.

Nhằm triển khai mạnh mẽ vào cuộc sống những quan điểm đó để phát huy thành tựu và khắc phục nhanh những hạn chế, thiếu sót nêu trên, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.

Đó là việc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về văn hóa. Khắc phục tư tưởng “duy kinh tế”, chỉ tập trung cho kinh tế, mà ít quan tâm đến văn hóa. Sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội... Coi trọng nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới. Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, đồng thời tôn vinh tài năng và cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa... Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Coi trọng việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội. Kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cần tập trung sức nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới...

Thực hiện thật tốt những ý kiến chỉ đạo trên đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, là thật sự làm cho “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - như lời Bác Hồ năm 1946, bảo đảm sự trường tồn của văn hóa song hành cùng sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Đó cũng chính là những biểu hiện cụ thể mà chúng ta đã và đang tiếp tục kế thừa, bổ sung, phát triển những quan điểm cốt lõi trong bản Đề cương văn hóa năm 1943, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước ta trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn tới mục tiêu cao đẹp: tới năm 2045 xây dựng nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới.

Kế thừa và phát huy Đề cương về văn hóa Việt Nam trong thời đại mới

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng các giá trị lớn lao và sức sống bền vững của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý.

Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam

Toàn văn tham luận của GS.TS Đinh Xuân Dũng cho Hội thảo khoa học cấp quốc gia: 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - khởi nguồn và động lực phát triển.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh

Bạn có thể quan tâm