Đầu năm 2021, thị trường tiền mã hóa tại Việt Nam có dấu hiệu biến đổi rõ rệt do giá nhiều loại tiền mã hóa như Bitcoin và Ethereum vọt lên, dòng tiền đổ vào thị trường tăng mạnh. Có thời điểm, giá Bitcoin chạm mốc 64.000 USD/đồng, gấp 3 lần mức đỉnh ghi nhận cuối năm 2017.
Theo khảo sát của Statista tại 74 nước năm 2020, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về độ phổ biến tiền mã hóa.
Bên cạnh các blog và website hướng dẫn đầu tư, trên mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm thảo luận về tiền điện tử tại Việt Nam mọc lên. Phần lớn hội nhóm này sở hữu trên 100.000 thành viên tham gia, số lượng bài viết trao đổi dao động từ 20-40 bài/ngày.
Tham gia thị trường giờ không khó
Cách đây 3-4 năm, tiền điện tử vẫn là thuật ngữ mới lạ, ngay cả khi bong bóng Bitcoin vỡ hồi năm 2017. Chia sẻ với Zing, Văn Nam - nhà đầu tư có 4 năm kinh nghiệm, kỹ sư phần mềm làm việc cho nhiều dự án về blockchain tại Việt Nam - cho biết quy trình đăng ký và tham gia đầu tư tiền mã hóa cách đây vài năm rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phải đến cuối năm 2020, mô hình đầu tư tiền mã hóa mới thực sự trỗi dậy. “Việc tìm hiểu khái niệm tiền mã hóa và blockchain không dễ. Đa số những thông tin này là tiếng Anh và xuất hiện trên các kênh nước ngoài. Cơ chế bảo vệ nhà đầu tư của các sàn giao dịch lúc bấy giờ cũng còn nhiều bất cập", Văn Nam cho biết.
"Nhà đầu tư thường phải lên Internet để mày mò kiến thức. Ngoài việc xem biểu đồ biến động, họ cần cập nhật liên tục thông tin về thị trường. Vì tốn thời gian và công sức, một số bạn bè tôi đã bỏ cuộc”, Văn Nam kể.
Việt Nam xếp thứ 2 các quốc gia có độ phổ biến tiền điện tử nhất. Ảnh: Statista. |
Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường tiền mã hóa đã dễ dàng hơn trước. Nhà đầu tư có thể đăng ký tài khoản giao dịch trực tiếp trên máy tính hoặc smartphone. Chỉ cần xác nhận thông tin cá nhân và nạp tiền, nhà đầu tư đã có thể sở hữu tài khoản trên các sàn giao dịch coin có tiếng như Binance hay Remitano.
Sau khi tạo tài khoản thành công, người dùng cần trải qua bước xác minh danh tính (KYC). Quá trình này thường diễn ra trực tiếp trên sàn. Người dùng cần cung cấp hình ảnh cá nhân cũng như giấy tờ tùy thân như CMND, hộ chiếu, bằng lái xe để KYC. Sau khi hoàn thành, nền tảng sẽ tăng hạn mức và mở khóa các chức năng giao dịch cho nhà đầu tư.
Hiện nay, hầu hết sàn giao dịch được trang bị phiên bản Việt hóa. Để nạp tiền vào tài khoản, nhà đầu tư có thể thanh toán theo hình thức ngang hàng P2P, thông qua bên thứ ba hoặc liên kết thẻ Visa/Master Card.
Một số sàn lớn như Binance hỗ trợ người tham gia mua Bitcoin, Ethereum trực tiếp bằng VNĐ. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần chuyển đổi VNĐ sang stablecoin (tiền mã hóa có tính ổn định giá, mô phỏng các đồng như USD hay EUR) nếu muốn mua các loại tiền điện tử khác.
“Sự phát triển của hàng loạt kênh thông tin giúp các nhà đầu tư giải tỏa ‘cơn khát’ kiến thức tiền điện tử. Việc đơn giản hóa quy trình tham gia cũng góp phần khiến thị trường thu hút nhiều nhà đầu tư mới hơn”, Lê Anh - nhà sáng lập cộng đồng kiến thức tiền điện tử IVN Crypto - nhận xét.
Nghe lời bạn bè, mong giàu nhanh
Theo Lê Anh, để trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp, anh phải dành phần lớn thời gian tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm sau mỗi lần giao dịch. Người chơi mới nên suy nghĩ kỹ về mô hình mình định đầu tư, đồng thời trả lời câu hỏi liệu họ có phù hợp hay sẵn sàng chấp nhận rủi ro thua lỗ hay không.
“Tâm lý là yếu tố quan trọng trong mọi sân chơi tài chính, không ngoại trừ tiền mã hóa. Sai lầm thường thấy ở một người chơi mới chính là tin rằng thị trường quá đơn giản để kiếm tiền", Lê Anh giải thích.
"Có những người chỉ vì nghe theo lời kể từ bạn bè đã sẵn sàng bỏ ra khoản tiền không nhỏ để đầu tư với hy vọng giàu nhanh, nhân 10, thậm chí 100 lần giá trị tài sản ban đầu. Khi gặp thua lỗ, họ rơi vào trạng thái muốn trả thù thị trường và ‘đốt cháy’ tài khoản”, Lê Anh nhận định.
Trên thực tế, việc canh sàn và giao dịch cực kỳ tốn thời gian. Ngoài ra, người chơi không nên đầu tư quá 5% tài sản ròng vào mô hình này, đồng thời cần cân nhắc phân bổ thành các danh mục đầu tư khác nhau.
Nhà đầu tư đã có nhiều cơ hội tiếp cận mô hình đầu tư tiền điện tử. Ảnh: Beattienao. |
Theo Văn Nam, người chơi mới dễ bị dẫn dụ, làm mồi cho các cá nhân, tổ chức đang lợi dụng các lỗ hổng trên thị trường để trục lợi. Những đối tượng này "đẻ" ra nhiều mô hình coin biến tướng, đa cấp như Bitconnect hay iFan, hứa hẹn giúp nhà đầu tư thu về “lợi nhuận khủng”.
Ngoài ra, việc rót tiền vào các sàn giao dịch tiền điện tử thiếu uy tín cũng có thể khiến nhà đầu tư sập bẫy, mất tiền. Cryptopia là một ví dụ điển hình. Năm 2019, sau khi bị hacker tấn công, sàn giao dịch tiền điện tử đến từ New Zealand tuyên bố dừng hoạt động, đầu tư của nhiều người dùng khắp thế giới bay hơi. Không ít nhà đầu tư Việt Nam là nạn nhân của sự cố này.
“Tôi mua được 0,4 Bitcoin với giá khoảng 7.000 USD trên Cryptopia. Vì lưu Bitcoin trên ví của sàn, tôi mất trắng khoản đầu tư. Sàn thông báo bị hack và tạm thời đóng cửa để điều tra, đến nay vẫn chưa thấy hoạt động lại”, anh Thiên, một nạn nhân của Cryptopia, chia sẻ với Zing. Đến nay, khoản đầu tư của anh Thiên có giá trị cao gấp 3,5 lần ban đầu.
Tâm lý FOMO
“Tôi từng có một vài năm tìm hiểu thị trường chứng khoán và sản phẩm phái sinh. Khi giá Bitcoin vượt 60.000 USD, tôi quyết định tham gia thị trường, phần vì tò mò, phần vì không muốn bỏ lỡ cơ hội đầu tư. Kế hoạch của tôi là là tích trữ nhiều loại coin, lời lỗ ra sao chưa rõ, với tôi đó là chuyện tương lai”, Đăng Khoa - sinh viên một trường đại học tại TP.HCM - kể.
Khoa tốn số tiền không nhỏ để thu về kinh nghiệm. Có thời điểm, số vốn bỏ ra ban đầu của anh hụt mất 50%. Giống như Khoa, cơn sốt tiền điện tử khiến không ít nhà đầu tư rơi vào tâm lý sợ “lỡ tàu”, tuột mất thời cơ sinh lời.
Vũ Bảo - một lao động tại Nhật Bản - cho biết anh đã đầu tư hơn 10 triệu đồng vào Dogecoin, Tron và một số mã khác. “Thấy ai ai cũng nói về Bitcoin và Dogecoin, tôi quyết định tự tìm hiểu và rủ vài người bạn cùng tham gia. Dù số tiền đầu tư không đáng kể, tôi vẫn nuôi hy vọng sinh lời. Tiêu chí của tôi là chọn mua những đồng rẻ, rủi ro thấp, cố gắng bắt đáy và tìm thời điểm thích hợp để bán ra”, Bảo chia sẻ.
Với lợi thế giá rẻ, mức tăng trưởng nhanh, coin động vật đang trở thành danh mục đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư F0, điển hình như Dogecoin. Sau những tuyên bố của CEO Tesla Elon Musk, giá Dogecoin tăng 11.000% kể từ đầu năm 2021.
Dogecoin và các loại tiền điện tử động vật đang là danh mục đầu tư yêu thích của nhiều người. Ảnh: Minh Khánh. |
Nhờ sự thành công của Dogecoin, nhiều đồng tiền điện tử động vật khác như Shiba Inu coin (SHIB), Aquagoat, Pig Token dần nổi lên nhanh chóng.
“Các nhà đầu tư lớn như Musk có khả năng tác động mạnh đến thị trường. Họ có thể làm đồng tiền đó tăng trưởng hàng trăm phần trăm nhưng cũng có thể biến giá trị đồng tiền điện tử đó về không. Rủi ro càng lớn, khả năng sinh lời càng cao. Đó là lý do tôi luôn dành một khoản đầu tư vào danh mục tiền điện tử biến động theo xu hướng”, Khoa nhấn mạnh.
Vài ngày trở lại đây, một số người nổi tiếng tại Việt Nam như Ngọc Trinh, Kiều Minh Tuấn, Nam Thư… đăng tải bài viết có nội dung giống nhau, cùng nhắc đến Dogecoin, Poodle, Akita Inu, FTX Token…
Tạo FOMO cho thị trường là hành động đáng lên án
Ninh Đỗ, nhà sáng lập cộng đồng tiền điện tử Trade Up
Tuy nhiên, những bài viết này được xóa đi không lâu sau đó.
Chia sẻ với Zing, hầu hết nhà đầu tư cho rằng việc những người nổi tiếng quảng bá lộ liễu cho tiền mã hóa có thể tạo tâm lý FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ cơ hội) lên thị trường coin. Chưa kể, FXT Token - một trong những đồng tiền mã hóa được nêu trên - liên quan đến Lion Group, nhóm đầu tư đa cấp có dấu hiệu lừa đảo.
“Những người mới nếu chưa có kinh nghiệm sẽ nghĩ đó là cơ hội và nhảy vào cuộc chơi một cách bất chấp. Họ không biết rằng giá những đồng coin đó đã tăng từ 100-1.000 lần so với lúc ban đầu. Tạo FOMO cho thị trường là hành động đáng lên án”, Ninh Đỗ, nhà sáng lập cộng đồng tiền điện tử Trade Up, khẳng định.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Không chỉ thế, việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền mã hóa như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật thừa nhận hay bảo vệ.