Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tâm điểm trong ngày giao tranh thứ 12 tại Ukraine

Cuộc đàm phán vòng thứ ba giữa phái đoàn Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra trong bối cảnh chính quyền Kyiv dự đoán trận đánh quan trọng ở thủ đô sắp xảy ra trong vài ngày tới.

ngay giao tranh thu 12 tai Ukraine anh 1

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 7/3 tuyên bố Nga sẵn sàng dừng hành động quân sự “trong phút chốc” nếu Ukraine dừng hoạt động quân sự, sửa hiến pháp theo hướng trung lập, chấp nhận chủ quyền Crimea của Nga và công nhận vùng ly khai ở miền Đông là lãnh thổ độc lập, theo RT.

Đây là tuyên bố rõ ràng nhất của Nga cho đến nay về điều kiện để Moscow dừng “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine. Yêu cầu này được đưa ra ngay trước khi phái đoàn của Nga và Ukraine chuẩn bị gặp mặt để đàm phán vòng 3.

Bước vào ngày thứ 12 của cuộc giao tranh, các lực lượng Nga tiếp tục bao vây cảng Mariupol ở phía nam Ukraine và tìm cách gia tăng sức ép lên thủ đô Kyiv.

Dù vậy, cho đến nay, Kyiv cũng như Kharkiv vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine. Cuộc tiến công trên bộ của Nga ít có sự tiến triển trong 24 giờ qua khi phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt từ phía Ukraine, AFP đưa tin.

Cuộc đàm phán thứ ba đã diễn ra mà không có đột phá lớn. Reuters dẫn lời nhà đàm phán người Nga Vladimir Medinsky nói rằng các cuộc thảo luận "không dễ dàng, còn quá sớm để nói về điều gì đó tích cực". Trong khi đó, phía Ukraine nói rằng hai bên đạt được "bước tiến tích cực nho nhỏ" về các hành lang nhân đạo để người dân rời khỏi vùng chiến sự.

Trong vài ngày qua, các hành lang đã liên tục được thiết lập rồi đổ vỡ trong khi đôi bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn (vốn được thi hành tạm thời, tạo điều kiện cho việc hỗ trợ nhân đạo).

ngay giao tranh thu 12 tai Ukraine anh 2

Người dân vượt qua con đường phía dưới cây cầu bị phá hủy khi rời khỏi thị trấn Irpin, Ukraine. Ảnh: AP.

Ukraine phản đối hành lang nhân đạo của Nga

“Các lực lượng vũ trang Nga, theo đề nghị của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi tới nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, tuyên bố ngừng bắn từ 10h (giờ Moscow tức 14h Hà Nội) và mở các hành lang nhân đạo”, Trụ sở Điều phối Liên bộ về Ứng phó Nhân đạo ở Ukraine cho biết trong một tuyên bố hôm 7/3.

“Thường dân có thể rời Kyiv, Mariupol, Kharkiv và Sumy. Đồng thời, trong thời gian thiết lập các hành lang nhân đạo, lực lượng vũ trang Nga sẽ liên tục giám sát khách quan việc sơ tán”, thông báo cho biết.

Theo các tuyến đường được hãng thông tấn RIA Novosti đăng tải, hành lang từ Kyiv sẽ dẫn đến Belarus, và những thường dân đang tìm cách rời khỏi Kharkiv sẽ chỉ có một hành lang dẫn tới Nga.

Ukraine sau đó đã ngay lập tức chỉ trích đề xuất này của Moscow là "không thể chấp nhận được".

“Họ (người dân Ukraine) nên có quyền di tản đến các vùng trong lãnh thổ của Ukraine. (Nga) muốn cung cấp viện trợ nhân đạo chỉ để đăng những bức ảnh trên truyền hình”, người phát ngôn của tổng thống Ukraine cho biết.

Theo Guardian, thức ăn, nước uống, thuốc men và hầu hết nguồn cung khác đều thiếu hụt đến mức tuyệt vọng ở Mariupol - nơi ước tính có khoảng 200.000 người đang cố gắng chạy trốn.

Trong khi đó, Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, cũng như Chernihiv và Mykolaiv, là các mục tiêu pháo kích dữ dội của quân đội Nga trong ngày giao tranh thứ 12.

Hôm 7/3, lực lượng Nga tiếp tục nổ súng vào thành phố Mykolaiv, cách Kyiv 480 km về phía nam, trong khi các cuộc pháo kích cũng tiếp tục diễn ra các vùng ngoại ô của Kyiv, bao gồm cả Irpin, nơi đã bị cắt điện, nước trong ba ngày, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết.

"Đối thủ tiếp tục các cuộc tấn công chống tại Ukraine, tập trung bao vây Kyiv, Kharkiv, Chernihiv, Sumy và Mykolayiv", Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một tuyên bố.

ngay giao tranh thu 12 tai Ukraine anh 3

Những điểm xảy ra giao tranh ở Ukraine trong ngày 7/3. Đồ họa: CNN.

Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Vadym Denysenko dự đoán trận đánh quan trọng ở Kyiv sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

“Nga đang tập trung một lượng lớn binh lực và trang thiết bị vũ khí gần Kyiv. Chúng tôi nhận thấy trận đánh ở Kyiv sẽ sớm bắt đầu”, ông Denysenko nói.

Theo Reuters, cùng ngày, giới chức Ukraine cho biết thị trưởng Hostomel, thành phố có sân bay chiến lược gần Kyiv, trúng đạn khi đang trợ giúp người dân gặp khó khăn.

"Thị trưởng Hostomel Yuri Prylypko thiệt mạng khi phân phát bánh mì và thuốc cho những người đói, ốm đau. Không ai bắt ông ấy di chuyển dưới làn đạn, ông ấy đã hy sinh vì người dân và thành phố", theo thông báo.

Trong khi đó, AFP dẫn nguồn tin của Pháp cho biết đoàn xe lớn của Nga ở phía bắc Kyiv kéo dài gần 65 km hiện chỉ còn cách thủ đô 20 km.

Ở miền Nam Ukraine, các quan chức quân sự khu vực cho biết Nga đã nã pháo vào làng Tuzly ở vùng Odessa, nhằm vào "các địa điểm cơ sở hạ tầng quan trọng" nhưng không gây thương vong.

Còn tại Nga, hãng tin Interfax đưa tin về một vụ nổ lớn làm sập kho nhiên liệu vào sáng 7/3 ở Lugansk, một thị trấn do lực lượng ly khai thân Nga nắm giữ.

CNN dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nay, Nga đã phóng hơn 600 tên lửa vào Ukraine. Giới chức Mỹ ước tính 95% lực lượng Nga tập trung gần biên giới Ukraine đã tham gia chiến dịch ở Ukraine.

Nỗ lực giải quyết khủng hoảng

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 7/3 thông báo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba sẽ gặp nhau bên lề diễn đàn ngoại giao ở thành phố nghỉ dưỡng Antalya ngày 10/3, thêm rằng ông cũng sẽ góp mặt trong sự kiện này.

Có mối quan hệ tốt đẹp với cả Nga và Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bày tỏ mong muốn trở thành trung gian hòa giải cho cuộc xung đột hiện nay.

ngay giao tranh thu 12 tai Ukraine anh 4

Một ngôi nhà bị phá hủy do pháo kích ở làng Marhalivka thuộc vùng Kyiv. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc cũng cho biết họ sẵn sàng giúp hòa giải hòa bình, nhưng nhấn mạnh rằng tình hữu nghị giữa Bắc Kinh và Moscow vẫn rất bền chặt.

Trong nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga, Ukraine ngày 7/3 đã yêu cầu tòa án cao nhất của Liên Hợp Quốc ra phán quyết khẩn cấp đề nghị Nga ngừng hoạt động quân sự ngay lập tức. Đơn kiện của Ukraine tới Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) lập luận rằng tuyên bố về tội diệt chủng là không đúng sự thật, và là sự biện minh của Moscow cho hành vi tấn công Ukraine, theo Reuters.

Tuy nhiên, Moscow đã không cử đại diện tham dự phiên điều trần ngày 7/3 của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về vấn đề Ukraine.

“Việc ‘chiếc ghế’ của Nga bỏ trống nói lên nhiều điều: Họ không ở đây trong tòa án của pháp luật, họ đang ở trên chiến trường, phát động một chiến dịch nhằm vào đất nước của tôi”, ông Anton Korynevych, đại diện của Ukraine, tuyên bố.

Dù Moscow không cử đại diện, phiên điều trần vẫn diễn ra theo quy định của ICJ. Các phiên điều trần bắt đầu lúc 10h (giờ Hà Lan, tức 16h giờ Hà Nội). Ukraine được quyền trình bày trước. Theo lịch trình, nếu Nga cử đại diện, họ sẽ được trả lời vào ngày 8/3.

Cho tới nay, các cuộc giao tranh đã khiến khoảng 1,7 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán, với hơn một nửa sẽ đến Ba Lan, theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc.

Nhà ngoại giao hàng đầu của EU Josep Borrell đã cảnh báo rằng có tới 5 triệu người Ukraine dự kiến ​​rời khỏi đất nước nếu cuộc tấn công của Nga tiếp tục, đồng thời cho biết thêm rằng châu Âu cần phải sẵn sàng cho một số lượng lớn người tị nạn.

Nga - Ukraine đàm phán vòng thứ ba

Cuộc đàm phán vòng thứ ba giữa phái đoàn Nga và Ukraine diễn ra tại biên giới Ba Lan - Belarus, sau khi hai vòng trước không đạt được kết quả đột phá về lệnh ngừng bắn.

Hơn 3.500 người Việt đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine

Tính đến 18h ngày 7/3, các cơ quan đại diện Việt Nam đã đón hơn 3.500 công dân được sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine. Phần lớn người Việt sơ tán đều đã sang Ba Lan.

Minh An

Bạn có thể quan tâm