Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tâm điểm Mariupol

Sau gần 50 ngày cầm cự, lực lượng Ukraine tại thành phố cảng miền Đông Mariupol đã rơi vào cảnh thiếu đạn dược và có khả năng phải đầu hàng hoặc thất thủ.

Hôm 11/4, lực lượng lính thủy đánh bộ Ukraine ở thành phố cảng Mariupol bị bao vây cho biết họ đang chuẩn bị cho “trận đánh cuối cùng” để bảo vệ thành phố.

“Hôm nay có thể là trận đánh cuối cùng. Đạn dược đang dần cạn kiệt”, lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 36 của Ukraine viết trên Facebook, theo AFP. Lực lượng này cho biết họ đã bị đẩy lùi và bao vây bởi quân đội Nga.

Đến hết ngày 12/4, giao tranh tại đây vẫn chưa ngã ngũ. Dù vậy, theo giới quan sát quân sự, chiến thắng tại Mariupol khó tuột khỏi tay Nga.

“Lực lượng Nga nhiều khả năng sẽ giành kiểm soát hoàn toàn Mariupol trong tuần tới”, báo cáo thường nhật của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), trung tâm nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Mariupol trên đà thất thủ

Hôm 11/4, phe ly khai tại tỉnh Donetsk, Ukraine tuyên bố lực lượng này đã kiểm soát 80% khu vực cảng biển tại Mariupol.

“80% cảng đã ‘được giải phóng’, nhưng vẫn còn sự phản kháng. Những người còn lại đang cố gắng rút lui về Azovstal. Đó là một pháo đài của thành phố”, ông Eduard Basurin, Phó chỉ huy lực lượng dân quân của “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” (DPR) tự xưng, phát biểu trên truyền hình Nga.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine, thành phố Mariupol bị quân đội Nga bao vây từ các hướng, cả trên bộ lẫn trên biển.

tran danh cuoi cung mariupol anh 1

Thành phố Mariupol đã bị tàn phá nặng nề do chiến sự. Ảnh: Moscow Times.

Việc Mariupol còn trụ vững tới ngày hôm nay là điều các nhà quan sát phương Tây dường như không ngờ tới. Từ đầu tháng 4, ISW đã nhận định Mariupol có thể thất thủ “chỉ trong vài ngày”.

Dù vậy, sự chống trả của người Ukraine không thể ngăn cản bước tiến của quân Nga trong việc siết dần vòng vây đối với lực lượng phòng thủ.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chưa loại trừ hoàn toàn khả năng lực lượng tại Mariupol có thể phá vây.

“Nếu chúng tôi có máy bay chiến đấu và đủ lượng phương tiện hạng nặng hay pháo binh cần thiết, chúng tôi có thể làm điều này”, ông Zelensky nói trong một thông điệp trực tuyến hôm 11/4.

Dù vậy, những người đang trực tiếp ở thành phố tỏ ra bi quan hơn. Ông Aiden Aslin, một binh sĩ hải quân đánh bộ Ukraine, nói với người thân và bạn bè rằng lực lượng của ông đã hết vũ khí.

“Họ không thể thoát. Họ không thể chống trả. Do đó, họ không còn lựa chọn nào khác (ngoài đầu hàng)”, một người bạn của ông Aslin nói với BBC.

Chuyến thăm gây chú ý

Trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài - bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen - tới thăm Kyiv, hai chuyến thăm tới Nga cũng nhận được sự chú ý của dư luận quốc tế.

Hôm 11/4, Thủ tướng Áo Karl Nehammer trở thành nhà lãnh đạo một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên tới thăm Nga và hội đàm với ông Putin sau khi chiến sự bùng phát tại Ukraine. Trước khi tới Nga, ông Nehammer đã có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Zelensky ở Kyiv.

tran danh cuoi cung mariupol anh 2

Thủ tướng Áo Karl Nehammer mô tả chuyến thăm Nga "không phải là hữu nghị". Ảnh: CNN.

Hai nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp kéo dài 75 phút tại dinh thự Novo-Ogaryovo của ông Putin, nằm gần Moscow. Sau cuộc hội đàm, ông Nehammer miêu tả đây “không phải một chuyến thăm hữu nghị”. Trong khi đó, văn phòng của ông cho biết cuộc hội đàm diễn ra “trực diện, cởi mở và gai góc”.

Ông Nehammer cho biết bản thân không kỳ vọng ông Putin sẽ thay đổi quan điểm. Tuy vậy, thủ tướng Áo cho rằng cần đối diện ông Putin “với sự thật”.

“Điều quan trọng là một cuộc gặp mặt. Trò chuyện trên điện thoại là một chuyện, nhưng bạn thực sự cần nhìn vào mắt nhau và nói về chiến sự”, ông Nehammer nói.

Dù vậy, dường như ông đã đúng khi nói rằng ông Putin sẽ không thay đổi quan điểm. Hôm 12/4, phát biểu tại sân bay vũ trụ Vostochny ở vùng Viễn Đông cùng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, ông Putin tuyên bố việc đưa quân vào Ukraine là “lựa chọn đúng đắn”.

Chuyến thăm của ông Lukashenko tới Nga nhằm đúng ngày kỷ niệm các nhà du hành vũ trụ của Nga và Liên Xô cũ (12/4). Đây là ngày phi hành gia Yuri Gagarin có chuyến bay đầu tiên lên vũ trụ năm 1961.

Trong chuyến thăm, ông Lukashenko đã cùng ông Putin thị sát sân bay vũ trụ Vostochny và nói chuyện với các phi hành gia”, Nga. Tại đây, ông Putin ra lệnh cho cho Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) tổ chức một chuyến bay đưa các phi hành gia người Belarus lên vũ trụ.

Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng có cuộc gặp trực tiếp 1-1 để “thảo luận về các vấn đề liên quan tới sự phát triển của quan hệ Belarus - Nga, các hành động chung nhằm chống lại các áp lực gây ra bởi cấm vận từ phương Tây, tình hình khu vực và thế giới, cũng như các sự kiện tại Ukraine”, truyền thông nhà nước Belarus đưa tin.

Ông Lukashenko cũng tuyên bố Nga có thể tin tưởng hoàn toàn vào sự hỗ trợ của Belarus. “Ngài có thể dựa vào người dân Belarus”, ông nói với người đồng cấp Nga. “Bất chấp hoàn cảnh thế nào, chúng tôi sẽ luôn ở bên”.

Ông Putin yêu cầu đưa phi hành gia Belarus lên vũ trụ

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/4 ra lệnh cho Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) tổ chức một chuyến bay đưa các phi hành gia người Belarus lên vũ trụ.

Quân ly khai Ukraine tuyên bố kiểm soát cảng biển ở Mariupol

Chỉ huy lực lượng ly khai thân Nga ngày 11/4 tuyên bố giành quyền kiểm soát cảng biển tại thành phố Mariupol, phía đông nam Ukraine.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm