Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tâm điểm chú ý dồn về quận Cam và Los Angeles

Cuộc chạy đua vào Hạ viện Mỹ tại địa hạt 45 của California giữa ứng viên Jay Chen và Michelle Steel đã thể hiện rõ vai trò ngày càng quan trọng của nhóm cử tri gốc Á ở Mỹ.

bau cu giua ky my anh 1

Địa hạt bầu cử thứ 45 của bang California - gồm quận Cam và Los Angeles - là minh chứng hoàn hảo nhất về sự đa dạng và quyền lực của cử tri gốc Á trong nền chính trị Mỹ, theo CNN.

Nơi đây là cuộc chạm trán giành ghế vào Hạ viện Mỹ giữa 2 người Mỹ gốc Á: Jay Chen - ứng viên đảng Dân chủ - với Michelle Steel - ứng viên đảng Cộng hòa. Việc cử tri Mỹ gốc Á chiếm khoảng 1/3 tổng số cử tri hạt sẽ đóng vai trò quyết định tới kết quả cuộc chạy đua khốc liệt này.

“Tôi cho rằng cuộc đua này chính là hình ảnh thu nhỏ về sự đa dạng của cộng đồng người Mỹ gốc Á. Bạn đang chứng kiến một người nhập cư Hàn Quốc từ đảng Cộng hòa bị một thành viên đảng Dân chủ đến từ Đài Loan thách thức”, Connie Chung Joe - Giám đốc điều hành Asian American Advance Justice - Los Angeles, nói. “Nếu bạn nhìn vào khu vực này, bạn sẽ thấy nó hoàn toàn mang màu sắc Mỹ gốc Á”.

Giới chuyên gia hy vọng cuộc đua này sẽ làm rõ 2 điều: Nhấn mạnh thực tế cử tri Mỹ gốc Á không phải cộng đồng có cùng chung một quan điểm, và tập trung vào tầm quan trọng khi đầu tư vào chiến dịch tiếp cận nhóm cử tri ngày càng lớn này.

“Tôi xem cuộc đua này là lời cảnh tỉnh rằng cộng đồng người Mỹ gốc Á/Thái Bình Dương (API) rất rộng lớn và quan trọng. Người Mỹ gốc Á là nhóm nhân khẩu chủng tộc mở rộng nhanh nhất, và họ đã đi bỏ phiếu. Năm 2020, Georgia cho chúng ta thấy mức độ quan trọng của nhóm cử tri này trong việc xoay chuyển cục diện cuộc bầu cử. Và chúng ta sẽ chứng kiến điều này một lần nữa trong năm nay”, bà Joe nhận định.

bau cu giua ky my anh 2

Jay Chen và Michelle Steel - 2 ứng viên đang tranh ghế vào Hạ viện Mỹ tại địa hạt thứ 45 của bang California. Ảnh: CNN.

Đủ sức nặng để tạo ra khác biệt

Người Mỹ gốc Á nổi lên như nhân tố quan trọng mới chỉ trong vài năm trước. Cộng đồng này giúp ông Joe Biden vào Nhà Trắng, trong khi đưa Jon Ossoff và Raphael Warnock giành một ghế trong Thượng viện Mỹ.

Karthick Ramakrishnan - giáo sư khoa học chính trị và chính sách công tại Đại học California, Riverside - đồng tình với quan điểm của bà Joe.

“Số phiếu của người Mỹ gốc Á đủ lớn để tạo ra sự khác biệt. Địa hạt ở California là minh chứng cho điều này”, ông giải thích.

Theo CNN, thật khó để diễn tả mức độ đa dạng của địa hạt 45.

“Khu này tập hợp người Việt ở Little Saigon, và sau đó có cả Little India. Ngoài ra, còn có cả lượng lớn người Mỹ gốc Hàn và gốc Hoa”, Sara Sadhwani - nhà nghiên cứu cấp cao tại AAPI Data, phó giáo sư chính trị tại trường Cao đẳng Pomona - nói.

Ngoài ra, sự đa dạng về quan điểm chính trị của địa hạt này cũng rất nổi bật.

Dữ liệu từ Trung tâm Pew Research cho thấy người Mỹ gốc Á có quan điểm rộng rãi về các vấn đề như giáo dục, tội phạm bạo lực và chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, giống như mọi nhóm khác, việc nhìn vào nhóm cử tri ủng hộ từng đảng sẽ thấy sự khác biệt khá lớn.

“Hầu hết người Mỹ gốc Á đều theo khuynh hướng Dân chủ. Tuy nhiên, khuynh hướng đó mạnh tới đâu còn thay đổi tùy thuộc vào nguồn gốc quốc gia, độ tuổi và thế hệ nhập cư”, ông Ramakrishnan cho biết.

bau cu giua ky my anh 3

Người gốc Á nổi lên như nhân tố quan trọng mới trong các cuộc bầu cử tại Mỹ chỉ trong vài năm trước. Ảnh: AP.

Khảo sát của Pew từ tháng 8 báo cáo 57% cử tri châu Á nói tiếng Anh nói họ có khả năng ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Hạ viện ở hạt của họ, trong khi chỉ có 26% ủng hộ đảng Cộng hòa.

Theo AAPI Data, người gốc Ấn là nhóm nghiêng về đảng Dân chủ nhiều nhất trong số các cử tri gốc Á. Trong khi đó, người gốc Việt nghiêng về đảng Cộng hòa hơn so với các cử tri gốc Á khác.

Bà Joe đưa ra bức tranh tổng quát về chủ đề này, dù dữ liệu còn hạn chế.

“Nhìn chung, người Mỹ gốc Á có xu hướng thiên về đảng Dân chủ hơn một chút so với đảng Cộng hòa”, bà giải thích. “Tuy nhiên, khi phân chia thành các nhóm nhỏ hơn, ví dụ, thế hệ người Việt nhập cư từ lâu lại thiên về đảng Cộng hòa. Điều này cũng đúng với một số nhóm khác”.

Bà dẫn thêm ví dụ về nhóm người gốc Hàn: “Người nhập cư Hàn Quốc lớn tuổi có thiên hướng theo đảng Cộng hòa, trong khi cử tri người Mỹ gốc Á trẻ tuổi có xu hướng ngả về Dân chủ”.

Cách tiếp cận đa dạng và phức tạp

Theo các chuyên gia, cuộc đua này nhấn mạnh chiến dịch tiếp cận với cử tri Mỹ gốc Á đòi hỏi sự đầu tư và phức tạp.

Trong cộng đồng API, nhiều người là công dân nhập tịch và tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, bà Joe giải thích.

“Các cử tri người Mỹ gốc Á không chỉ có nhiều sắc tộc, họ còn nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nếu nhìn vào South California, có hơn 40 nhóm sắc tộc API nói hơn 40 ngôn ngữ”, bà nói.

Nói cách khác, chiến dịch tranh cử phải có đa dạng ngôn ngữ.

Mạng lưới Quyền lực người Mỹ gốc Á khởi động một khoản tiền 10 triệu USD vào tháng 9 để vận động cử tri Mỹ gốc Á ở 7 bang chiến trường nói các ngôn ngữ khác nhau.

“Khi nghĩ tới toàn bộ nước Mỹ và cách tiếp cận các nhóm, nỗ lực đó thường liên quan tới những nhóm người từ cộng đồng đó, và cả nhóm người nói ngôn ngữ của cộng đồng đó, gửi thông tin cho cử tri và giải thích cho họ lý do bỏ phiếu lại quan trọng”, bà Joe nói thêm.

bau cu giua ky my anh 4

Khảo sát cho thấy người Mỹ gốc Á có quan điểm khác nhau về các vấn đề. Ảnh: New York Times.

Theo các chuyên gia, 2 hai đảng chính của Mỹ dường như đang vật lộn nhằm thu hút cử tri người Mỹ gốc Á.

“Có mô hình về cách tiếp cận nhóm cử tri da đen. Ngay cả khi mô hình đó cần được cải tiến, thì ít ra vẫn có điểm khởi đầu”, Michael Li - cố vấn cấp cao trong Chương trình Dân chủ tại Trung tâm Brennan - nói. “Cách tiếp cận cử tri người Mỹ gốc Á có thể phức tạp hơn”.

Bà Sadhwani cũng bày tỏ quan điểm tương tự.

“Kết quả xuyên suốt trong 15 năm phân tích khảo sát là nhiều người Mỹ gốc Á - và người Latinh - báo cáo không ai gõ cửa nhà hoặc gọi điện để khuyến khích họ bỏ phiếu, bởi họ không xuất hiện trong danh sách cử tri tiềm năng. Đó chính là vấn đề”, bà nói.

Trong vài chu kỳ bầu cử gần đây, ứng cử viên từ những nơi có dân số người Mỹ gốc Á tăng lên và ở các hạt cạnh tranh - từ quận Cam, Houston, North Virginia đến ngoại ô Atlanta - bắt đầu tiếp cận cộng đồng người Mỹ gốc Á.

Tuy nhiên, các chuyên gia không chắc các đảng có chấp nhận tư duy này trên bình diện quốc gia hay không.

“Thật sự khó nói”, bà Sadhwani nhận định. “Các đảng không nhất thiết phải tiếp cận toàn bộ theo cách này, ngoại trừ một số khu vực thực sự cạnh tranh”.

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách “Chính sách đối ngoại Mỹ: Tiếp cận từ thuyết Hiện thực mới và trường hợp Việt Nam sau khi bình thường hóa quan hệ đến nay” do NXB Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản năm 2020. Cuốn sách này sẽ tập trung lý giải những nội dung cơ bản của chính sách đối ngoại Mỹ sau Chiến tranh lạnh dưới lăng kính của thuyết Hiện thực mới, lựa chọn các chính sách của Mỹ đối với Việt nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995 để minh họa và kiểm chứng cho lý thuyết này.

Ông Biden 'dán nhãn' DeSantis là phiên bản mới của ông Trump

Ông Biden công kích các "ngôi sao đang lên" của đảng Cộng hòa, đồng thời thẳng thừng gọi Thống đốc Florida Ron DeSantis là phiên bản mới của cựu Tổng thống Donald Trump.

Ông Biden bất ngờ đổ lỗi cho ông Trump trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2/11 khẳng định lời đe dọa của một số ứng viên đảng Cộng hòa về việc từ chối chấp nhận kết quả bầu cử nếu thua cuộc là "con đường dẫn đến hỗn loạn".

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm