Một số nhà khoa học cho biết các tấm chắn nhựa không thực sự hiệu quả trong việc ngăn chặn virus, và thậm chí có thể mang lại cho con người cảm giác "an toàn giả tạo", theo New York Times.
Hồi tháng 6, một nghiên cứu do Đại học Johns Hopkins chủ trì chỉ ra rằng tấm chắn giữa các bàn học có liên quan đến việc tăng nguy cơ lây nhiễm virus trong lớp.
Theo một số nghiên cứu khác, tấm chắn có thể ngăn những giọt bắn lớn khi người bệnh ho hay hắt hơi. Tuy nhiên, virus hiện nay phần lớn lây lan qua các hạt khí dung không nhìn thấy được.
Trong khi các giọt bắn lớn sẽ nhanh chóng rơi xuống mặt đất hoặc các bề mặt khác, các hạt khí dung siêu nhỏ có thể vẫn lơ lửng trong không khí một khoảng thời gian đáng kể.
Các tấm chắn trong suốt có thể cản trở lưu thông không khí trong căn phòng. Ảnh: AP. |
Nghiên cứu cũng cho thấy trong một số trường hợp, các tấm chắn còn có khả năng gây hại khi cản trở lưu thông không khí.
Trong điều kiện bình thường, tùy thuộc vào hệ thống thông gió mà không khí trong văn phòng hoặc lớp học được trao đổi khoảng 15-30 phút mỗi lần.
Tuy nhiên, việc dựng tấm chắn bằng nhựa có thể cản trở, tạo ra “vùng chết", nơi hạt khí dung có thể tích tụ và bám xung quanh tấm chắn.
“Nếu nhiều tấm chắn được dựng trong lớp học, nó sẽ cản trở việc thông gió của căn phòng”, Giáo sư Linsey Marr tại Virginia Tech cho biết. “Các hạt khí dung chứa virus có thể bị mắc kẹt và tích tụ tại đó trước khi lây lan”.