Joseph Schooling tiếp tục được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự để hướng đến Olympic 2020. Ảnh: Getty Images |
Rio 2016 là kỳ Thế vận hội thành công nhất lịch sử của khu vực Đông Nam Á, khi VĐV của các quốc gia đã đoạt 5 HCV, 10 HCB và 3 HCĐ. Singapore, Việt Nam lần đầu có tên ở bảng vàng Olympic nhờ chiến tích của Joseph Schooling và Hoàng Xuân Vinh. Malaysia chưa có HCV nhưng việc đoạt 4 HCB, 1 HCĐ cũng là thành công ngoài dự kiến.
Chuẩn bị ngay từ bây giờ
Thái Lan nhanh chóng nhìn ra những vấn đề để hướng đến Olympic 2020. Tại Rio, họ tham dự với 56 VĐV, tranh tài ở 17 môn. Kết thúc giải họ giành 2 HCV, 2 HCB và 2 HCĐ (đều ở môn cử tạ và taekwondo), qua đó xếp hạng 35 chung cuộc. Đây là kết quả buồn vui lẫn lộn.
Cử tạ là môn thành công nhất khi đoạt 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Intarat Yodbangtoey, cố vấn của Hiệp hội cử tạ nghiệp dư Thái Lan (TAWA) cho biết các VĐV sẽ có một thời gian ngắn nghỉ ngơi trước khi bước vào tập luyện chuẩn bị cho Olympic 2020 sau đây vài tuần. Còn Pimol Srivikorn, chủ tịch Hiệp hội Taekwondo Thái Lan tin rằng họ có cơ hội giành HCV sau đây 4 năm khi các võ sĩ Tawin, Panipak, Phannapa Harnsujin vẫn còn trẻ, nhiều cơ hội để phát triển.
Thành tích của Đông Nam Á tại Olympic vừa qua. Đồ họa: Trí Mai |
Với quyền anh, người Thái thất bại khi không thể giành được huy chương nào. Chủ tịch Hiệp hội quyền anh Thái Lan (TBA) Pichai Junhavajira xin lỗi người hâm mộ đồng thờ cam kết sẽ cải thiện thành tích trong tương lai. “Bây giờ chúng tôi đang có 50 VĐV 13 đến 17 tuổi, những người sẽ là những võ sĩ trong tương lai”, Pichai cho biết. Ông cũng nhấn mạnh TBA sẽ thay đổi cơ cấu huấn luyện, khuyến khích các võ sĩ trau dồi kỹ năng để nâng cao trình độ.
Malaysia cũng không tự ru ngủ mình sau khi có kỳ Thế vận hội thành công nhất lịch sử khi giành 5 huy chương ở 3 môn cầu lông, nhảy cầu và đua xe đạp lòng chảo. Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Khairy Jamaluddin nhấn mạnh những môn thể thao này sẽ được đầu tư chuyên sâu, cùng với karate để hướng đến thành tích tại Tokyo. Chính phủ sẽ hỗ trợ hết mình từ việc cung cấp trang thiết bị hiện đại, xây dựng đội ngũ HLV, tập huấn ở nước ngoài….
Olympic 2020 dự kiến khai mạc ngày 24/7 và bế mạc ngày 9/8, tại Tokyo (Nhật Bản). Tổng cộng 33 môn với 47 nội dung sẽ được đưa vào chương trình thi đấu để tranh chấp 324 bộ huy chương. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã quyết định đưa 5 môn mới vào Thế vận hội sau đây 4 năm gồm karate, bóng chày-bóng mềm, ván trượt, leo núi thể thao và lướt ván.
Indonesia cũng không hề kém cạnh khi Tổng thống Widodo đã yêu cầu Bộ trưởng Thể thao Imam Nahrawi tập trung vào việc phát triển các môn thể thao mà quốc gia này có triển vọng giành huy chương tại Olympic, đặc biệt là HCV. Kế hoạch của họ là tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh cho cầu lông, cử tạ, bắn cung, rowing và điền kinh. Sau khi xác định được các VĐV trọng điểm, xây dựng kế hoạch cụ thể bộ sẽ cấp kinh phí để phát triển.
Tổng thống Joko Widodo tiếp đón 2 VĐV cầu lông Indonesia đoạt HCV đôi nam nữ Olympic. Trong 4 năm tới họ sẽ đầu tư mạnh cho cầu lông, điền kinh, bắn cung, cử tạ... Ảnh: Antara |
Còn Singapore vẫn đặt hy vọng số một vào Joseph Schooling, sau khi anh đánh bại Michael Phelps để đoạt HCV 100 m bướm tại Brazil. Để có thể duy trì thành tích trong tương lai, chính phủ nước này đã đồng ý tiếp tục cho anh được tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự - điều bắt buộc đối với công dân nam Singapore đến sau Olympic 2020. Kình ngư này sẽ đào tạo dài hạn tại Mỹ cũng như nhận được hỗ trợ đắc lực từ quê nhà. Ở Olympic vừa qua, Singapore đã lập hẳn một cơ sở trên đất Brazil có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, bác sĩ, y tá, nhân viên massage, chuyên gia phân tích… để trợ giúp cho VĐV.
Malaysia, Indonesia chào đón VĐV như những người hùng
So với Việt Nam, Singapore, Thái Lan, các VĐV của Malaysia và Indonesia trở về từ Olympic muộn hơn. Nhưng khi đặt chân đến quê hương họ đã nhận sự tiếp đón nồng nhiệt của người dân, bên cạnh đãi ngộ rất cao. Cặp VĐV cầu lông Tontowi Ahmad/Liliyana Natsir bị người hâm mộ vây chặt ở sân bay sau khi giành HCV nội dung đôi nam nữ. Họ đánh bại đôi của Malaysia ở chung kết. Đây là tấm HCV đầu tiên của quốc gia vạn đảo này kể từ Olympic 2008.
Sau đó, họ còn ngồi trên xe buýt hai tầng đi diễu hành khắp các đường phố thủ đô Jakarta. Chưa hết, họ cùng những VĐV khác còn được Tổng thống Widodo tiếp đón tại Cung điện Nhà nước. Về chế độ, hai VĐV này sẽ nhận 5 tỷ rupiah (sau thuế, tức hơn 8 tỷ đồng) từ Chính phủ, cùng khoản lương suốt đời lên đến hơn 32 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, Hiệp hội cầu lông Indonesia cũng thưởng cho 2 tay vợt hơn 75.000 USD (hơn 1,6 tỷ đồng).
Người hâm mộ vây chặt Lee Chong Wei khi anh đặt chân xuống sân bay. Ảnh: The Star |
Malaysia không ngoại lệ dù họ không giành HCV nào. Lee Chong Wei và những VĐV đoạt huy chương Olympic khác của quốc gia này bị người hâm mộ vây chặt tại sân bay. Sau đó, Thủ tướng Datuk Seri Najib Tun Razak đã gặp gỡ họ đồng thời thưởng bổ sung mỗi người đoạt huy chương 200.000 ringgit (hơn 1 tỷ đồng). Trước đó mức thưởng mà chính phủ nước này đặt ra cho HCV, HCB và HCĐ lần lượt là 1 triệu, 300.000 và 100.000 ringgit.
Với sự hào phóng của chính quyền, VĐV đoạt HCB của quốc gia này nhận tổng cộng 500.000 ringgit (hơn 2,5 tỷ đồng), còn HCĐ là hơn 1,5 tỷ đồng. Đó là chưa kể họ nhận được xe hơi, tiền thưởng từ các nhà tài trợ hay Hiệp hội thể thao, các địa phương…
Nhìn chung, các nước Đông Nam Á đều có đãi ngộ cao dành cho VDVD đoạt huy chương Olympic. Trước đó, Joseph Schooling nhận 1 triệu SGD (hơn 700.000 USD) cho tấm HCV Olympic. Khoản này chưa tính thuế cũng như anh phải trích 20% số tiền cho Quỹ phát triển thể thao quốc gia. Hoàng Xuân Vinh của Việt Nam nhận hơn 5 tỷ đồng, được trao Huân chương Lao động hạng Nhất. Hai VĐV cử tạ đoạt HCV của Thái Lan nhận mỗi người khoảng 28 triệu baht (18 tỷ đồng) từ chính phủ và các nhà tài trợ…