“Người đàn ông đó bước đến chỗ tôi và nói: ‘Có người gửi cô cái này’, rồi tạt nó vào mặt tôi. Khi đó, tôi thậm chí không biết trên đời tồn tại thứ gọi là axit”, Esther Jimenez nhớ lại.
10 năm trước, cô bị người đàn ông lạ tạt "axit quỷ" (hợp chất từ các sản phẩm tẩy rửa và thông ống nước) khi đang làm việc tại quán cà phê gần nhà. Lúc ấy, cô mới 27 tuổi.
“Cơn đau tồi tệ nhất bắt đầu ập đến. Quần áo tôi tan ra và rụng khỏi người. Tôi chỉ biết hét lên và khóc”, Jimenez nói với VICE World News. Cô phải nhập viện 3 tháng sau đó.
Khuôn mặt cô bị biến dạng hoàn toàn bởi vụ tấn công. Kể từ đó, cô đã trải qua hơn 20 cuộc phẫu thuật chỉnh hình, bao gồm ghép da và cắt bỏ mắt phải.
Mẹ cô, người duy nhất chăm sóc Jimenez và 3 đứa con của cô, đã mất vì đau tim sau khi cô trở về nhà từ đơn vị bỏng.
Với 3 con nhỏ, không việc làm và khoản chi phí khổng lồ từ những cuộc phẫu thuật, cô phải sống nhờ tiền từ thiện trong thời gian dài.
Tình trạng cơ thể của Jimenez sau khi bị tạt axit, dù đã trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Ảnh: Jaclynn Ashley/VICE World News. |
Nạn nhân bị cô lập
Bác sĩ Eddy Bruno, giám đốc đơn vị bỏng tại Bệnh viện Ney Arias Lora, thuộc thủ đô Santo Domingo (Cộng hòa Dominica), cho biết 7% ca nhập viện mỗi năm của đơn vị là bệnh nhân bỏng axit. Trung bình mỗi tháng có một vụ tấn công bằng axit xảy ra tại nước này.
Các vụ việc đó “bắt nguồn từ nền văn hóa gia trưởng, nơi bạo lực giới được bình thường hóa và xem nhẹ bởi cả xã hội và thể chế luật pháp”, theo Sebastián Essayag, điều phối viên khu vực của Dự án về Bạo lực với Phụ nữ và Trẻ em gái ở Mỹ Latin và Caribbean, thuộc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Châu Mỹ Latin là nơi có tỷ lệ các vụ bạo lực giới cao nhất toàn cầu. Theo Essayag, Cộng hòa Dominica là một trong những quốc gia có mức độ giết hại phụ nữ lớn nhất.
Tình trạng bạo lực giới rất phổ biến tại Cộng hòa Dominica. Ảnh: AFP. |
Trong khảo sát năm 2018, gần 70% phụ nữ trên 15 tuổi ở nước này từng là nạn nhân của bạo lực vào thời điểm nào đó trong đời.
“Kẻ tấn công muốn gây ra những tổn hại vĩnh viễn cho nạn nhân, khiến cơ thể họ biến dạng và tàn tật. Những người đó trở thành nhóm dễ tổn thương nhất và bị xã hội cô lập”, Essayag cho biết.
Với cơ thể biến dạng, nạn nhân bị xã hội kỳ thị, khiến họ xấu hổ tới nỗi không dám rời nhà. Sự phân biệt đối xử đẩy nhiều người vào cảnh khốn cùng vì không tìm được việc làm.
“Trong nhiều năm, tôi chỉ muốn chết. Khi đứa con út nhìn thấy tôi, nó sợ hãi và gọi tôi là quái vật. Tôi đã muốn trốn tránh tất cả", Jimenez nói.
Bước ngoặt từ tấm ảnh selfie
7 năm sau vụ tấn công, Jimenez quyết định đăng một bức ảnh selfie, điều chưa có ai trong hoàn cảnh của cô dám làm.
"Vì phát ngán với việc sống ẩn dật, tôi đã đăng ảnh mình lên Instagram", cô chia sẻ.
Tấm ảnh đầu tiên được Jimenez chia sẻ trên Instagram. Ảnh: @jimenez.esther. |
Cùng bức ảnh khuôn mặt và ngực đầy sẹo, cô viết: "Ôi, thưa Chúa! Con cảm thấy trái tim mình tan rã. Những nỗ lực nhiều năm qua dường như thật vô ích. Dù muốn cải thiện bản thân và làm người mẹ tốt, con chỉ cảm thấy đau nhói trong tim".
Bức ảnh nhận được những lời nhắn cảm thông và thể hiện lòng biết ơn vì sự chân thành của cô.
“Tôi đã rất vui khi mọi người nhắn tin tới. Sau đó, nhiều người bắt đầu theo dõi tôi. Nhờ những phản ứng tích cực, tôi đã đỡ buồn về ngoại hình của mình”, Jimenez nói.
Sức ảnh hưởng của cô ngày càng lớn. Tài khoản của Jimenez hiện có hơn 88.000 người theo dõi.
“Tôi sẽ không để vụ tấn công đó định nghĩa bản thân. Tôi sẽ tiếp tục là chính mình. Tôi thích ăn mặc đẹp và khoe những đôi giày mới. Con người tôi là vậy và tôi sẽ không thay đổi”, Jimenez nói.
Ảnh hưởng tích cực
Khi nhiều nạn nhân của những vụ tấn công axit vẫn phải sống trong góc khuất xã hội, các bài đăng của Jimenez có ảnh hưởng sâu sắc.
Năm 2017, Mercedes Taveras Frias (35 tuổi) đang lái xe gần nhà ở thành phố San Francisco de Macorís (Cộng hòa Dominica) cùng cô con gái 12 tuổi ngồi sau. Hai người đàn ông khoảng ngoài 20 tuổi lái xe máy táp vào bên cạnh và tạt axit vào người cô, khiến cô bị bỏng 22% cơ thể. Con gái cô cũng bị thương nhẹ bởi axit văng lên những vùng da nhỏ.
Bạn trai cũ của Frias đã trả những người đàn ông đó 35.000 peso Dominica (khoảng 613 USD) để tấn công cô. Chuyện xảy ra sau khi Frias kết hôn với người chồng hiện tại hơn một tháng.
“Lần đầu nhìn bản thân trong gương, tôi không nhận ra chính mình. Mọi chuyện rất khó khăn", cô kể lại.
“Khi thấy Esther (Jimenez) trên mạng xã hội, tôi hạnh phúc khi cô ấy thoải mái với bản thân và cởi mở với cuộc sống", Frias bày tỏ.
Mercedes Taveras Frias, nạn nhân của một vụ tạt axit, được truyền cảm hứng bởi tấm ảnh của Jimenez. Ảnh: Jaclynn Ashley/VICE World News. |
Không lâu sau khi bức hình của Jimenez được đăng tải, nhiều người sống sót từ những vụ tấn công axit đã liên hệ với cô. Họ trao đổi và hỗ trợ nhau về mặt tinh thần.
Năm 2020, họ thành lập tổ chức đầu tiên dành cho nạn nhân bị tấn công axit mang tên Fundación Sembrando Esperanza, bắt đầu với 5 thành viên.
Tổ chức đã biểu tình bên ngoài Quốc hội ở thủ đô Santo Domingo và yêu cầu bản án nghiêm khắc hơn đối với thủ phạm của các vụ tấn công axit.
Jimenez cho biết kẻ thủ ác hiếm khi phải ngồi tù hơn vài năm. Bạn trai cũ của Frias và 2 người đàn ông được thuê chỉ phải ngồi tù một năm bảy tháng. Cảnh sát thậm chí không bắt giữ ai trong trường hợp của Jimenez.
“Chúng tôi đang vận động để các nạn nhân được công nhận và bảo vệ. Như vậy, họ có thể kiếm việc làm, có hỗ trợ và được chấp nhận trở lại xã hội”, Frias giải thích.
Bất chấp những thách thức, Jimenez đang tận hưởng sự nổi tiếng của mình.
“Tôi không ngờ rằng bức ảnh lại có sức ảnh hưởng như vậy. Trước đây, tôi rất ghét bị người khác nhìn chằm chằm. Giờ mọi người vẫy tay chào và xin chụp ảnh cùng tôi. Lý do tôi được chú ý đã khác đi", cô nói và nở nụ cười.