Tối 13/1, U23 Việt Nam chạm trán Jordan ở loạt trận thứ 2 tại bảng D. So với trận gặp UAE, HLV Park Hang-seo đưa ra 2 sự thay đổi người. Trong đó, Huỳnh Tấn Sinh phải nhường chỗ cho Hồ Tấn Tài, người trở lại sau án treo giò. Lúc này, Việt Nam chơi với 3 trung vệ là Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thành Chung và Lê Ngọc Bảo.
Sau 35 phút thi đấu, chiến lược gia người Hàn Quốc buộc phải thay Thanh Thịnh bằng Đình Trọng. Ba trung vệ của U23 Việt Nam lúc này là Việt Anh, Đình Trọng và Thành Chung. Ngọc Bảo trám vào vị trí hậu vệ trái của Thanh Thịnh. Việc thay cầu thủ không bị chấn thương từ sớm có nghĩa là hệ thống đang có vấn đề.
Đình Trọng chưa thi đấu nhiều nhưng vẫn thể hiện được tầm quan trọng của mình trong đội hình U23 Việt Nam. Ảnh: Quang Thịnh. |
Lỗ hổng của U23 Việt Nam
Huấn luyện viên Park ưa chuộng việc sử dụng sơ đồ 3 trung vệ. Ở trạng thái phòng ngự, U23 Việt Nam sẽ có hệ thống 5 người giăng ngang khung thành thủ môn Bùi Tiến Dũng. Lúc này, khoảng trống sẽ được hạn chế khá đáng kể. Tuy nhiên, sơ đồ này vẫn có điểm yếu.
Hành lang trong (half-space), khoảng trống giữa trung vệ lệch và hậu vệ cánh chính là điểm yếu nhất trong sơ đồ 5-3-2. U23 Jordan khai thác nhiều vào khu vực này và tạo được những cơ hội.
Cầu thủ U23 Jordan tung đường chuyền rót bóng để đồng đội di chuyển vào khoảng trống sau lưng Ngọc Bảo và Thanh Thịnh. Tuy nhiên, thủ môn Tiến Dũng đã băng ra kịp thời. |
Phút thứ 20, khoảng trống giữa Ngọc Bảo và Thanh Thịnh một lần nữa bị khai thác. Hadi Omar Ahmed băng xuống dứt điểm, nhưng Tiến Dũng cản phá xuất sắc. |
Phát 34, Thanh Thịnh bị loại bỏ chỉ bằng động tác đơn giản. Sau đó, Ali Olwan tạt bóng để đồng đội đánh đầu chệch cột khung thành U23 Việt Nam trong gang tấc. HLV Park buộc phải đưa Đình Trọng vào sân. |
Đình Trọng đã làm được gì?
Đình Trọng thể hiện khả năng đọc tình huống nhanh và đưa ra quyết định áp sát. Anh chấp nhận phạm lỗi từ xa để ngăn cản một pha triển khai của U23 Jordan. |
Đọc tình huống và cản phá quyết đoán là những điểm nổi bật trong lối chơi của Đình Trọng. Anh nhiều lần thể hiện điều này trong các trận đấu với Malaysia và Lào ở AFF 2018, giải đấu mà tuyển Việt Nam lên ngôi vô địch. |
Ngay sau đó, trung vệ của Hà Nội cho thấy sự kinh nghiệm và tinh quái của bản thân. Anh đưa ra tác động vừa đủ để ngăn cản bước di chuyển của Mohammad Aburiziq. Trọng tài có góc quan sát thuận lợi nhưng tác động của Đình Trọng không đủ để ông thổi phạt. |
Phút 45, Đình Trọng để lại dấu ấn bằng đường phất bóng để Tấn Tài băng lên. Dù không thể tạo được cơ hội nguy hiểm, Tấn Tài cũng đem về quả phạt góc cho U23 Việt Nam. |
Ngoài những dấu ấn trên, sự có mặt của Đình Trọng còn giúp Thành Chung được "giải phóng". Trung vệ này thường xuyên dâng cao và tham gia vào việc triển khai bóng cùng đồng đội. Phút 57, anh có đường phất bóng thông minh để Đức Chinh băng xuống. Sau pha bóng này, U23 Việt Nam được hưởng quả phạt góc. |
Theo thống kê của Opta, Đình Trọng thực hiện 3 cú tắc bóng, đạt tỷ lệ thành công 67%, một tình huống thu hồi bóng và 2 pha giải vây. Ngoài ra, anh có 3 đường chuyền dài chính xác. Đó là những con số khá tốt với một cầu thủ chỉ thi đấu 54 phút.
“Tôi muốn dành lời khen cho Đình Trọng sau trận đấu với Jordan. Cậu ấy vào sân từ cuối hiệp một, sau đó là nhân tố chính giúp Việt Nam chơi khởi sắc. Đầu tiên, Đình Trọng giúp chúng ta ổn định lại hàng thủ. Cậu ấy có nhiều tình huống phán đoán tuyệt vời trước khi cầu thủ Jordan nhận bóng. Nhiều cầu thủ Việt Nam phải học tập ở Đình Trọng”, cựu danh thủ Văn Sỹ Hùng chia sẻ với Zing.vn.
“Đình Trọng chưa có phong độ tốt nhất, song vẫn chơi ấn tượng từ khả năng phán đoán. Có ít nhất 2 tình huống Đình Trọng lao lên sớm vài nhịp, trước khi cầu thủ Jordan chạm bóng. Với thế trận phòng ngự phản công của Việt Nam, sự chủ động trong cách chơi bóng của Đình Trọng là điều khác biệt. Trong hiệp 2, hàng thủ Việt Nam tổ chức tốt, là nền tảng cho lối chơi khởi sắc của đội nhà”, anh ca ngợi.
Hai năm sau kỳ tích Thường Châu, Đình Trọng cho thấy mình vẫn là nhân tố không thể thiếu trong hành trình của U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á 2020 dù mới trở lại sau chấn thương.