Taliban đã tràn qua từ thị trấn này tới thành phố khác, và giờ tiến vào Kabul. Bên ngoài thủ đô, những khu vực quan trọng mà quân đội chính phủ Afghanistan có thể kiểm soát ngày càng thu hẹp.
Hàng trăm nghìn thường dân đang tháo chạy, tới các cửa khẩu biên giới nhằm thoát khỏi chế độ tàn bạo của Taliban - cơn ác mộng mà họ từng trải qua và giờ sắp quay trở lại, theo Washington Post.
Những người còn ở lại hiểu rằng họ sẽ phải chung sống với một chế độ hà khắc đến mức cực đoan, dựa trên cách Taliban diễn giải các giáo lý Hồi giáo.
Tại những vùng nằm dưới quyền kiểm soát của Taliban, trường học cho nữ sinh bị đóng cửa, điện thoại thông minh bị cấm, nam giới buộc phải gia nhập lực lượng hoặc bị trừng phạt.
Sinh ra giữa bạo lực và bất ổn
Taliban nổi lên ở Afghanistan trong thập niên 1990, nòng cốt là lực lượng du kích từng chiến đấu chống lại lực lượng chiếm đóng Afghanistan.
Đa phần các chiến binh cốt cán ban đầu của Taliban là người Pashtun, nhóm bộ lạc lớn nhất ở Afghanistan.
Người sáng lập Taliban là Mohammad Omar, từng là chỉ huy của lực lượng du kích.
Sau khi ra đời năm 1994, Taliban mở chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát Kandahar, một trong những đô thị lớn nhất ở miền Nam Afghanistan khi đó, vốn đang chìm trong tội phạm và bạo lực.
Tầm nhìn về công lý mà Taliban rao giảng giúp lực lượng này nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng, thâu tóm quyền lực.
Thành viên nhóm Sangorians chống Taliban chiến đấu tại tỉnh Helmand hồi tháng 3. Ảnh: AFP. |
"Trong bối cảnh đất nước chìm trong bất ổn và bạo lực, khi đó người dân thực sự chỉ muốn luật pháp và trật tự", Kamran Bokhari, chuyên gia từ tổ chức tư vấn chính sách Newlines Institute, cho biết.
Năm 1996, Taliban chiếm được thủ đô Kabul, tuyên bố Afghanistan trở thành một vương quốc Hồi giáo.
Chế độ Taliban được miêu tả là "tàn bạo và đàn áp". Phụ nữ hầu như không có bất cứ quyền lợi nào, không được đến trường, bị ép mặc trang phục che kín toàn bộ thân thể.
Âm nhạc và mọi hình thức truyền thông khác bị cấm.
Tư tưởng của Taliban có nhiều điểm tương đồng với tổ chức khủng bố Al-Qaeda của Osama Bin Laden, điểm khác là Taliban chỉ tập trung vào sự cai trị ở trong nước.
Al-Qaeda sát cánh với Taliban tấn công các nhóm vũ trang liên kết với quân đội chính phủ. Đổi lại, lãnh đạo Taliban cung cấp địa điểm trú ẩn và rèn quân cho Al-Qaeda.
Từ Afghanistan, đầu não của Al-Qaeda đã lên kế hoạch vụ tấn công khủng bố 11/9/2001. Và chỉ vài tháng sau đó, liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu tấn công lật đổ chế độ Taliban nhằm truy quét Al-Qaeda.
Nhưng khi Taliban bị hất cẳng khỏi Kabul, Al-Qaeda cũng biến mất vào vùng đồi núi ở biên giới với Pakistan.
Mãi tới 5/2011, biệt kích Mỹ mới có thể tìm ra nơi lẩn trốn và tiêu diệt Osama Bin Laden ngay tại hiện trường.
Tới tháng 7/2015, chính phủ Afghanistan xác nhận Mohammad Omar, người sáng lập Taliban, đã chết ở Karachi, Pakistan.
Taliban trỗi dậy
Sau khi thua trận trước liên quân quốc tế năm 2001, Taliban tháo chạy về các vùng nông thôn. Một số thủ lĩnh Taliban bỏ trốn sang Pakistan. Dưới sự bảo trợ của cơ quan an ninh Pakistan, Taliban xây dựng lại lực lượng.
Ở Afghanistan, sự hiện diện của quân đội Mỹ và đồng minh trao cho Taliban một cái cớ để giương cờ tập hợp lực lượng chống thực dân.
Trong khi Taliban chiêu mộ chiến binh và chờ đợi thời cơ, chính quyền Afghanistan tự hủy hoại uy tín của chính họ bởi nạn tham nhũng tràn lan.
"Trong 2 thập kỷ, Taliban dần dần len lỏi từ làng này qua làng khác. Đó là trò vận động từ cơ sở rất tinh vi", Robert Crews, chuyên gia về chính trị Afghanistan tại Đại học Stanford, nói.
Taliban cũng thực thi một chiến lược tuyển mộ bằng bạo lực và lợi dụng sự sợ hãi. Bất cứ ai làm việc cho cảnh sát hoặc quân đội chính phủ đều có nguy cơ bị ám sát.
Giới trí thức, phóng viên, nhân vật truyền thông, hay bất cứ ai đại diện cho phòng trào hoạt động xã hội ở Afghanistan, đều trở thành mục tiêu thủ tiêu của Taliban.
Binh sĩ lực lượng an ninh Afghanistan tại tỉnh Herat hồi đầu tháng 7. Ảnh: AFP. |
Và cứ như vậy, quân đội Afghanistan bị bào mòn từ bên trong bởi nạn tham nhũng. Những nhân sự kém năng lực nhanh chóng tan rã trước sức tấn công vũ bão của Taliban.
"Người ta phải tự hỏi, 'Tôi có muốn chết cho một chính quyền thậm chí không gửi cho chúng tôi đạn dược hay không? Chúng tôi đã không được trả lương suốt nhiều tháng, không còn gì để ăn. Và giờ người Mỹ đã bỏ đi'. Tình hình lúc này đã vô vọng", ông Crews nói.
Dòng tài chính giúp Taliban duy trì hoạt động đến từ nhiều nguồn. Một phần không nhỏ đến từ buôn bán thuốc phiện và ma túy, buôn lậu. Taliban cũng đánh thuế và tống tiền các trang trại và doanh nghiệp. Một số nhóm Taliban tổ chức bắt cóc và đòi tiền chuộc.
Taliban nhận những khoản tiền khổng lồ từ các nhà tài trợ nước ngoài, đó là các thế lực ủng hộ tư tưởng Hồi giáo cực đoan của lực lượng này, và sẽ được lợi một khi Taliban trở lại nắm quyền.
"Taliban không cần quá nhiều tiền để duy trì hoạt động. Họ không sống trong những ngôi nhà xa hoa, không mặc quần áo hàng hiệu. Chi phí lớn nhất là tiền lương, vũ khí và huấn luyện tân binh", chuyên gia Bokhari của Newlines Institute cho biết.
Vũ khí, đạn dược không phải thứ khó kiếm, đặc biệt tại một khu vực bất ổn như Trung Á. Một số vũ khí của Taliban do nước ngoài tài trợ, một số là mua lại. Nhiều khí tài quân sự do Taliban đánh cắp.
"Khi quân đội chính phủ tháo chạy, một trong những điều đầu tiên Taliban làm khi giành được lãnh thổ mới là giết hại nhân viên dân sự, mở cửa nhà tù để lấy thêm quân số từ nhóm tội phạm, và chiếm lấy vũ khí bị bỏ lại", ông Crews cho biết.
Taliban muốn gì?
Mục tiêu của Taliban rất đơn giản, đó là giành lại những gì lực lượng này đã mất khi Mỹ đưa quân vào Afghanistan năm 2001.
"Họ muốn vương quốc Hồi giáo quay trở lại. Họ muốn luật Hồi giáo của họ quay trở lại", ông Crews nhận định.
"Họ không cần quốc hội. Họ không muốn bầu cử. Họ có lãnh tụ tối cao và hội đồng quan chức, đó là những gì Taliban cho là tốt nhất cho Hồi giáo", chuyên gia của Đại học Stanford cho biết.
Taliban dường như có nhiều hơn một lãnh tụ, mỗi phe phái trong Taliban lại có một người đại diện trong nhóm lãnh đạo tối cao.
Không ai có thể biết chắc cuộc sống dưới chế độ Taliban có giống với 20 năm trước hay không.
Dù vậy, việc Taliban muốn cầm tù phụ nữ trong bốn bức tường nhà, chấm dứt giáo dục cho phụ nữ, trao quyền thống trị tuyệt đối cho đàn ông, và đưa luật Hồi giáo hà khắc trở thành trung tâm xã hội, là điều không cần bàn cãi.
Một nhóm tay súng Taliban tại thành phố Herat hôm 14/8. Ảnh: Reuters. |
Nhưng trong 20 năm qua, một xã hội cộng đồng đã nảy nở ở Afghanistan, điều không tồn tại trước đây.
Phụ nữ giờ đảm nhận nhiều vai trò xã hội, không chỉ ở Kabul, mà ngay tại những thành phố nhỏ hơn. Điện thoại di động và truyền thông xã hội đã trở nên phổ biến.
Các chuyên gia đang phải đặt câu hỏi liệu Taliban có thể tiếp tục cai quản Afghanistan theo cách của 20 năm trước, khi mà người dân của đất nước này đã thay đổi.
"Có rất nhiều người kết nối với thế giới thông qua các nền tảng truyền thông xã hội, họ sẽ tự đặt câu hỏi vì sao không thể tiếp tục có cuộc sống như vậy. Taliban sẽ làm gì với một xã hội không tin vào quyền lực độc đoán? Liệu bạo lực của Taliban có thể khiến những người như vậy im lặng?", ông Crews nhận xét.