Trao đổi với Zing.vn, ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, thừa nhận các tuyến đường xuống cấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông trên địa bàn trong thời gian qua.
Một "điểm đen", hàng chục người chết
Một ngày sau vụ tai nạn khiến 13 người trong đoàn rước dâu tử vong, người dân thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), vẫn chưa hết bàng hoàng.
Họ vẫn ám ảnh cảnh tượng xác người nằm la liệt, máu me bê bết, đầu xe rước dâu biển số Thừa Thiên - Huế tan nát. Người dân huyện Điện Bàn kể rằng ở khu vực đường tránh (Km 950+800 trên tuyến quốc lộ 1) thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.
15 ngày trước vụ tai nạn thảm khốc xảy ra với đoàn rước dâu, khoảng 19h ngày 15/7, chị Trần Thị Hương Giang (30 tuổi, ngụ thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) lái xe máy chở con gái (5 tuổi) lưu thông đến địa điểm trên đã va chạm với xe khách giường nằm BKS 65B-010.22, do tài xế Nguyễn Linh Lăng (50 tuổi; ngụ tỉnh Vĩnh Long) điều khiển. Vụ tai nạn làm hai mẹ con chị Giang tử vong.
Một vụ tai nạn thương tâm khác xảy ra vào chiều 24/4, cũng trên tuyến đường tránh này, khiến 1 người chết, 1 nạn nhân bị thương. Thời điểm trên, xe đầu kéo container BKS 51LD-059.50 lưu thông hướng nam - bắc tông trực diện xe khách mang BKS 43B-010.95 chạy hướng ngược lại. Cú va chạm làm tài xế xe khách tử vong, còn phụ xe bị thương nặng.
Hiện trường vụ tai nạn khiến 13 người chết ở Quảng Nam. Ảnh: Thanh Đức. |
"Cũng trên tuyến đường tránh này, năm 2013 từng xảy ra vụ lật xe khách Mai Linh khiến 3 người chết, 30 người bị thương phải nhập viện", ông Lê Đức (60 tuổi, ngụ thị trấn Vĩnh Điện) kể.
Anh Nguyễn Hữu Thành (quê Long An), người điều khiển xe đầu kéo container trong vụ tai nạn thảm khốc hôm 30/7, vẫn chưa hết bàng hoàng. Anh cho biết khi xảy ra tai nạn, xe của anh chỉ chạy với vận tốc hơn 45 km/h.
"Chiếc xe 16 chỗ cũng chạy với vận tốc trung bình. Lúc thấy chiếc xe lao đến, tôi cố gắng bẻ lái vào bên đường, rồi đạp phanh hết sức, nhưng xe khách vẫn lao đến tông trực diện vào đầu xe tôi”, tài xế Thành kể.
"Đã hơn 10 năm làm tài xế đường dài, tôi đã vượt qua hàng vạn con đường quanh co hiểm trở. Tuy nhiên, vụ tai nạn hôm 30/7 khiến tôi rùng mình nhất. Cánh tài xế chúng tôi rất sợ khi đi qua Quảng Nam, vì địa phương này có nhiều 'điểm đen' có nguy cơ xảy ra tai nạn", anh Thành nói.
Còn nhiều tuyến đường tránh "tử thần"
Ngoài tuyến tránh Vĩnh Điện, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn có 2 tuyến đường khá hẹp. Các tuyến đường tránh chỉ có 2 làn, mỗi bên rộng 6 m, trong khi lưu lượng xe tham gia giao thông rất đông nên hết sức nguy hiểm.
Tài xế Nguyễn Hữu Thành. Ảnh: Hồng Bằng. |
Đường tránh Tam Kỳ dài hơn 5 km, đang trong giai đoạn nâng cấp và mở rộng. Tại đây có nhiều điểm giao nhau với đường sắt không có rào chắn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đường tránh Bà Rén (đoạn nối giữa huyện Duy Xuyên và Quế Sơn) cũng rất hẹp và quanh co hình chữ S. Tại một số điểm của đoạn đường này có độ dốc lớn, gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.
Ông Lê Văn Sinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam, cho biết đường tránh Vĩnh Điện dài khoảng 8 km, được xây dựng cách đây khoảng 20 năm. Mỗi lần đường hư hỏng, các cơ quan chức năng chỉ sửa chữa, thảm nhựa trở lại chứ chưa được nâng cấp, mở rộng.
“Bộ Giao thông Vận tải chỉ cho phép mở rộng những tuyến đầu tư theo hình thức BOT. Những tuyến đường tránh không được chấp thuận nâng cấp vì Bộ cho rằng đây là tuyến tránh, lưu lượng xe đã được san bớt ở tuyến nội thị nên không đồng ý mở rộng”, ông Sinh nói.
Dự kiến, trong tuần này, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, sẽ có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam. "Tại buổi làm việc, Sở Giao thông Vận tải sẽ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất Bộ nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tránh bị xuống cấp", ông Sinh cho biết.
Tuyến đường tránh Vĩnh Điện (màu đỏ), nơi thường xảy ra tai nạn. Đồ họa: Thành Nhân. |