Mới đây, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho biết, nhà đầu tư BOT Cai Lậy đã trích xuất camera, lập danh sách biển số của 19 phương tiện có hoạt động chống đối bằng cách đưa tiền mệnh giá nhỏ hay gây khó khăn cho công tác thu phí gửi cho công an điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, trong cuộc họp báo vào chiều 17/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng nếu người dân tiếp tục trả tiền lẻ, cơ quan chức năng cụ thể là UBND tỉnh Tiền Giang phải chỉ đạo xử lý.
Luật không cấm
Liên quan tới hành vi dùng tiền lẻ mua vé của các tài xế, nhiều luật sư cho rằng việc sử dụng tiền lẻ hay tiền có mệnh giá nhỏ trong lưu thông, trao đổi hàng hóa là không vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Trưởng Văn phòng luật sư Thạch Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định việc người dân dùng tiền lẻ để trả phí là việc làm bình thường, đúng quy định của pháp luật.
Tài xế chuẩn bị tiền lẻ để mua vé qua trạm BOT Cai Lậy . |
“Tiền lẻ cũng là tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành căn cứ theo khoản 1, 2 điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Việt Nam. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Việt Nam”, luật sư Nguyễn Thạch Thảo nói và cho biết, nếu ai cho rằng hành vi đó là sai thì nhận định đó trái pháp luật.
Cụ thể là vi phạm điều cấm ở khoản 3 điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước: “Nghiêm cấm việc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành”.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) việc đề xuất cho phép trạm BOT Cai Lậy chỉ nhận tiền thu phí qua trạm có mệnh giá trên 5.000 đồng cũng trái luật. Luật sư Chánh dẫn chứng, khoản 1 Điều 2 Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Tiền Việt Nam theo quy định tại Quyết định này được hiểu gồm: tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành”.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 3 của Quyết định 130/2003, nghiêm cấm hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam. Cũng theo khoản 3 Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì “từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành” là một trong các hành vi bị cấm.” Do vậy đề xuất trạm thu phí Cai Lậy chỉ nhận thanh toán tiền từ mệnh giá 5.000 đồng trở lên là trái luật.
Các tài xế bỏ tiền lẻ vào chai nhựa để mua vé qua trạm BOT Cai Lậy. |
Trường hợp tài xế dùng tiền mệnh giá nhỏ để thanh toán khi qua trạm là hoàn toàn hợp pháp và nhân viên trạm BOT không thể từ chối nhận tiền.
Tài xế có thể khởi kiện
Luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng việc đặt trạm thu phí trên QL 1 như vị trí hiện nay chưa hợp lý. Vì vậy, cơ quan chức năng cần lắng nghe ý kiến của người dân để có sự điều chỉnh phù hợp, như thay đổi vị trí đặt trạm, giám sát, tính toán lượng xe qua trạm để điều chỉnh mức phí cũng như thời gian thu phí.
Phân bổ phí phù hợp giữa xe lưu thông trên QL 1 và trên tuyến đường tránh, để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân cũng như hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bị phản ứng dữ dội vì đặt trên QL 1 . |
Còn luật sư Nguyễn Văn Đức cho rằng, điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: người tiêu dùng khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình; tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng có quyền đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng..” thì người sử dụng dịch vụ BOT Cai Lậy cho rằng vị trí đặt trạm và phí qua trạm là chưa hợp lý thì họ có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu giải quyết, đó là việc làm tuân thủ theo quy định pháp luật.