Theo Newatlas, nhóm nghiên cứu tại Đại học California, Irvine đã thành công trong việc phát triển tế bào cơ thể người có khả năng chuyển thành trong suốt như loài mực. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature Communications vào ngày 2/6.
Chủ động ngụy trang được xem là một chiến lược sinh tồn được sử dụng bởi nhiều loài động vật chân đầu như bạch tuộc, mực ống và mực nang.
Sở hữu các tế bào có khả năng thay đổi cách ánh sáng tán xạ vào chúng, nhóm động vật này có thể thay đổi màu sắc hoặc chuyển sang dạng trong suốt để ngụy trang trước các mối đe dọa.
Các nhà nghiên cứu đã tập trung phân tích một loài mực ống có tên khoa học là Doryteuthis opalescens. Chúng có thể thay đổi cơ thể từ màu trắng sang trong suốt.
Dọc cơ thể loài mực đặc biệt này có những tế bào mang tên leucophores, giúp cảm ứng màu sắc và tự đổi sang màu gần giống với môi trường xung quanh. Những tế bào sắc tố này mang những hạt leucosome được tạo thành từ protein Reflins.
Nhóm nghiên cứu sử dụng tế bào thận của cơ thể người, cho tiếp xúc với loại protein Reflins và quan sát. Kết quả cho thấy protein được chuyển hoá, tập hợp thành các hạt bên trong các tế bào, làm thay đổi cách tế bào phân tán ánh sáng.
Các chấm đen là cấu trúc protein Reflectin tập hợp trong tế bào, giúp ánh sáng đi xuyên qua tế bào lâu hơn (màu đỏ) các khu vực còn lại (màu xanh). Ảnh: Newatlas. |
"Chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi tế bào con người không những chuyển hoá reflins mà còn biến chúng thành những hạt phân bố xung quanh tế bào", Alon Gorodetsky, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Trong một bài kiểm tra khác, nhóm nghiên cứu phát hiện có thể kiểm soát khả năng biến tế bào thành trong suốt. Cụ thể là khi tiếp xúc với môi trường có hàm lượng natri clorua cao, tế bào sẽ tán xạ ánh sáng nhiều hơn, trở nên trong suốt lâu hơn và ngược lại.
"Dự án này cho thấy tính khả thi trong việc bổ sung khả năng phản quang ánh sáng cho tế bào cơ thể người", ông Gorodetsky nói thêm.