Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tái sử dụng rác thải thực phẩm

Rác thải thực phẩm được chuyển thành gas dùng để nấu ăn trong nhà, dùng cho bếp nướng thịt ngoài trời, hoặc bình nóng lạnh.

Mắt xích cuối cùng để khép kín vòng lặp của hệ thống thực phẩm là biến tất cả các loại rác thải thực phẩm không thể tái sử dụng theo mục đích khác hoặc tái phân phối làm thực phẩm - ví dụ, vỏ trứng, vỏ và hạt trái cây, da gà, mỡ bò và mỡ lợn - trở thành chất dinh dưỡng cho đất hoặc năng lượng sạch dùng cho các hoạt động nuôi trồng và nấu nướng thức ăn.

Một lần nữa, Ấn Độ lại là quốc gia mang đến cho chúng ta một giải pháp. Yair Teller, một trong những nhà sáng lập của HomeBiogas, đã kể cho tôi nghe về câu chuyện anh nghĩ ra ý tưởng xây dựng công ty này trong lần tôi tới thăm cơ sở hoạt động của họ ở Israel.

Trong một chuyến thăm tới Ấn Độ, có lần Yair đi bộ tới một ngọn núi ở một vùng sâu và trên đường đi anh đã tình cờ gặp được một trang trại nhỏ rất khá giả. Vợ chồng chủ nhà rất hào phóng mời anh ở lại dùng bữa và khi bước vào căn bếp của họ anh không khỏi sửng sốt khi thấy người phụ nữ đó đang nấu bếp bằng “một ngọn lửa màu xanh tuyệt đẹp”.

Anh cũng quan sát thấy rằng ngôi nhà này hoàn toàn nằm ngoài mạng lưới điện; trong vùng hoàn toàn không có điện hay đường ống dẫn gas. Yair biết rằng ở Ấn Độ, hầu hết người không được tiếp cận dịch vụ cung cấp điện hoặc gas đều nấu ăn bằng bếp củi hoặc bếp than giống như những người nghèo ở nhiều quốc gia đang phát triển khác và việc nấu ăn bằng bếp lửa như vậy vừa là một trong những tác nhân phát thải khí nhà kính nghiêm trọng nhất trên toàn cầu lại vừa là thủ phạm gây ra cái chết cho hàng triệu người mỗi năm vì các loại bệnh liên quan đến khói.

Anh kể lại, “Khi đó tôi hỏi: khí gas này từ đâu mà đến?” và bà chủ nhà dẫn anh tới chuồng bò rồi chỉ cho anh xem một bể phân hủy kỵ khí đơn giản làm bằng xi-măng mà họ xây trên mặt sàn, đây là một hệ thống cơ bản đã được sử dụng từ hàng nghìn năm nay. Họ đưa toàn bộ rác thải thực phẩm trong nhà cũng như phân bò vào trong chiếc bể này; tiếp đến các loài vi khuẩn siêu nhỏ trong bể sẽ biến chúng thành khí sinh học (biogas), chủ yếu bao gồm khí methane và phần cặn là một loại phân bón lỏng rất giàu chất dinh dưỡng.

Quá trình đốt cháy khí sinh học sẽ biến methane thành carbon dioxide, một loại khí nhà kính yếu hơn 28 lần so với khí methane. Đối với phân bón, cặp vợ chồng ở trang trại đó dùng nó để tưới cho các loại rau và cho luống đất trồng hoa rum trắng tuyệt đẹp mà họ mang ra bán ở chợ trong vùng.

Khi ấy, Yair vừa mới hết thời gian nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong Lực lượng Quốc phòng của Israel, nhưng mong muốn hoàn thành chương trình sau đại học chuyên ngành sinh học cũng đã nguội lạnh, nên anh tới Ấn Độ để tìm kiếm một hướng đi mới cho cuộc sống của mình. “Tôi cần phải tìm kiếm một mục đích nào đó để hướng tới”, anh tâm sự.

Và cái đơn giản của quá trình phân hủy kỵ khí đã hấp dẫn anh tới mức “Ngay lập tức tôi biết rằng tôi cần phải làm gì với cuộc đời mình”. Sau vài năm nghiên cứu thiết kế và thử nghiệm, anh cùng hai người bạn khác là Oshik Efrati (hiện nay đang là CEO) và Erez Lanzer ra mắt HomeBiogas, một loại bể phân hủy có thể gập được với kích thước tương đương một chiếc lều dành cho trẻ em, phù hợp để lắp đặt ở sân sau nhà, và được giao trực tiếp tới tận tay khách hàng.

Tôi đã rất kinh ngạc khi xem anh hướng dẫn cách vận hành của thiết bị này; nó có thể là một giải pháp mang lại sự thay đổi lớn cho các vấn đề về sức khỏe, vệ sinh, và năng lượng tái tạo.

Đối với một hộ gia đình trung bình ở các quốc gia phát triển, chỉ cần một đường dây nối đơn giản tới bếp gas, bể phân hủy này có thể sản xuất và cung cấp một lượng gas từ rác thải thực phẩm đủ dùng cho vài giờ nấu nướng mỗi ngày. Ở các quốc gia đang phát triển, những chiếc bể phân hủy này đang góp phần cứu mạng nhiều người bằng cách giảm bớt ô nhiễm và các loại bệnh tật phát sinh từ việc quản lý không đúng cách rác thải thực phẩm và rác thải sinh học.

Tính tới năm 2020, công ty HomeBiogas đã lắp đặt được hàng nghìn hệ thống trên khắp 50 quốc gia và đang bước đầu xây dựng được tiềm lực ở các quốc gia phát triển với hàng nghìn thiết bị được bán ra ở Mỹ và châu Âu.

Rác thải thực phẩm được chuyển thành gas dùng để nấu ăn trong nhà, dùng cho bếp nướng thịt ngoài trời, hoặc bình nóng lạnh. Quá trình phân hủy này còn tạo ra một sản phẩm phụ có thể dùng làm một loại phân bón hữu cơ giàu chất dinh dưỡng cho cây cối trong vườn nhà.

Quỹ đầu tư Closed Loop Partners đã cung cấp vốn để giúp HomeBiogas mở rộng hoạt động, và tiềm năng to lớn của công ty này còn một lần nữa được chứng minh thông qua việc gã khổng lồ Engie trong ngành năng lượng của Pháp cũng quyết định rót vốn đầu tư. Nhưng chưa hết, họ còn nhận được một phiếu đồng thuận lớn khác từ Liên minh châu Âu.

Năm 2020, tổ chức này trao tặng cho HomeBiogas giải thưởng Horizon danh giá, qua đó hỗ trợ một phần tài chính để họ phát triển và phân phối một hệ thống lớn hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm, bao gồm các khách sạn, trường học, công ty thực phẩm, và các trang trại - điều này sẽ giúp làm giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính. Với sự tiếp nhận rộng rãi như vậy, triển vọng cắt giảm khí thải nhà kính và giảm chi phí vận hành cho các nhà cung cấp dịch vụ thực phẩm và các trang trại của sản phẩm này là to lớn.

Yair cho tôi biết rằng anh đặc biệt thích bán sản phẩm cho các trường học, bởi vì điều này mang lại cho anh cơ hội được dạy các em nhỏ về phân hủy kỵ khí và về vấn đề rác thải thực phẩm. Anh đã dành rất nhiều thời gian đi tới các trường học để hỗ trợ họ triển khai hệ thống này và sau đó là hướng dẫn cho các em nhỏ biết những món đồ ăn mà bình thường các em vẫn vô tư vứt bỏ đi thực ra có giá trị đến thế nào.

Bản thân anh cũng là cha của hai đứa trẻ, và anh luôn lưu ý dạy cho chúng những bài học này - gia đình anh sinh sống trong một túp lều, hoàn toàn không kết nối với mạng lưới điện, và toàn bộ nhiên liệu dùng để nấu nướng của họ đều được lấy từ một bể HomeBiogas.

Phương pháp phân hủy kỵ khí hiện cũng đang được các thành phố áp dụng trên quy mô lớn để sản xuất nhiên liệu từ số rác thải thực phẩm mà thành phố bỏ đi.

Từ năm 2016 tới nay, Thành phố New York vận hành một nhà máy phân hủy kỵ khí lớn ở Brooklyn, mỗi năm có thể chuyển 130 tấn rác thải thực phẩm thành gas. Ngoài ra, họ cũng đang xây dựng một nhà máy mới ở Brookhaven, Long Island để mỗi năm xử lý thêm khoảng 10.000-15.000 tấn rác thải thực phẩm nữa.

Ở Philadelphia, người ta cũng đang trong quá trình cải tạo một nhà máy lọc dầu cũ đã bỏ hoang thành một nhà máy tiêu hủy kỵ khí trị giá 120 triệu USD để xử lý 1.100 tấn rác thải thực phẩm và phân gia súc mỗi ngày từ các trang trại trong vùng, lượng gas sản xuất được sẽ được dùng làm nhiên liệu vận hành hệ thống xe buýt và xe tải của thành phố.

Los Angeles và Thành phố Salt Lake cũng đang vận hành những nhà máy phân hủy kỵ khí lớn.

Các thành phố nhỏ hơn cũng đang sử dụng nhà máy phân hủy kỵ khí. Ở miền bắc Los Angeles, thành phố ven biển San Luis Obispo với dân số 47.500 người chuyển toàn bộ số rác thải thực phẩm của mình tới một nhà máy do tư nhân quản lý và thu về một lượng gas đủ dùng cho 600 hộ gia đình.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

SÁCH HAY