Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao VPBank tự tin lợi nhuận vượt kế hoạch?

Ngoài thúc đẩy hoạt động mang lại doanh thu, sức tăng trưởng của VPBank đến từ việc giảm chi phí vốn, nâng cao hiệu quả quản lý.

Số liệu tài chính bán niên tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu của nhóm ngân hàng trong danh sách những ngành có kết quả tích cực, bất chấp khó khăn từ đại dịch. Tuy nhiên, khác với cùng kỳ năm trước, mức độ phân hóa rõ ràng hơn, tăng trưởng giữa các nhà băng có khoảng cách lớn.

Theo FiinGroup, lợi thế của ngân hàng tư nhân nằm ở khả năng tăng trưởng tín dụng, nhờ tập trung vào phân khúc bán lẻ và tín dụng tiêu dùng. Báo cáo từ FiinGroup cũng cho thấy, nhóm nhà băng này dẫn đầu cuộc đua hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.

Tuy nhiên, những con số tích cực không đồng nghĩa với cam kết chắc chắn cho năm nay. Trong nửa cuối năm, nhiều doanh nghiệp có thể loay hoay trước thách thức duy trì đà tăng trưởng khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhà phân tích đánh giá, khó khăn đầu ra vốn tín dụng, nguy cơ nợ xấu tăng cao, áp lực về NIM tiếp tục là đề bài khó.

Lời giải cho vấn đề tăng trưởng không chỉ có tăng nguồn thu. Ở khía cạnh ngược lại, việc giảm chi phí vốn, tăng hiệu suất hoạt động của nhân viên cũng mang lại hiệu quả tích cực. Điều này được chứng minh qua số liệu về hoạt động của VPBank 6 tháng đầu năm.

ket qua kinh doanh VPBank anh 1

VPBank ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan mặc tác động của đại dịch.

Theo báo cáo tài chính bán niên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt gần 6.600 tỷ đồng, tăng gần 52% so với cùng kỳ, hoàn thành gần 64% kế hoạch năm. Ngoài tăng trưởng doanh thu hoạt động, động lực của ngân hàng xuất phát từ nội tại.

Khi tổng doanh thu (TOI) ngân hàng tăng 12% trong nửa đầu năm, chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất lại giảm hơn 3%. Riêng ngân hàng mẹ, tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu trong quý II giảm đáng kể còn 30,7%, so với mức 40,4% quý II/2019.

Những con số này là kết quả sau quá trình tái cơ cấu hoạt động và nhân sự. Việc tối ưu hóa công nghệ qua chiến lược bài bản giúp VPBank không cần gia tăng quy mô nhân sự theo tốc độ tăng trưởng. Riêng nửa đầu năm nay, số nhân sự ngân hàng riêng lẻ giảm 3%, đồng nghĩa hoạt động hiệu quả, thay vì mở rộng nhờ quy mô nhân sự như trước.

So với cuối năm 2019, chi phí vốn (COF) của ngân hàng mẹ cuối quý II giảm 30 điểm phần trăm, từ 6,1% còn 5,8%. Kết quả này nhờ đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào qua các kênh chi phí thấp, bao gồm vốn quốc tế và trong nước. Ngoài ra, việc đầu tư sâu vào nền tảng mới giúp VPBank tạo ra hệ sinh thái giao dịch đủ mạnh để giữ chân khách hàng. Những giải pháp này phần nào cải thiện CASA - mục tiêu quan trọng trong năm nay và thời gian tới.

Tăng trưởng hoạt động cao cũng giúp ngân hàng có dư địa xử lý nợ xấu, tăng khả năng chống chịu rủi ro. Chi phí dự phòng thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do năm 2019 VPBank tập trung xử lý nợ đã bán cho VAMC. Nếu bỏ qua chi phí dự phòng mua lại dư nợ trái phiếu tại VAMC năm ngoái, số dự phòng trích và sử dụng nửa đầu năm của ngân hàng riêng lẻ cao hơn 30,4% so với cùng kỳ 2019. Nhờ đó, quy mô nợ xấu giảm dù tổng doanh thu và lợi nhuận tăng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất đến cuối quý II còn 2,71%, so với mức gần 3% cuối năm 2019; riêng ngân hàng mẹ còn 2,07%.

Những kết quả này củng cố triển vọng 6 tháng cuối năm, khi đại dịch đang có chiều hướng phức tạp. Trong buổi gặp giới phân tích mới đây, đại diện VPBank khẳng định có chiến lược cụ thể, hướng đến giữ ổn định hoạt động, duy trì tăng trưởng ở mức độ hợp lý, tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng chất lượng. Bên cạnh phát triển mạnh mảng giao dịch để tăng thu từ phí, VPBank cho biết tiếp tục kiểm soát, tối ưu hóa hoạt động, triển khai sáng kiến công nghệ, nền tảng mới.

"Mục tiêu lợi nhuận của chúng tôi vẫn tiếp tục bám sát kế hoạch đã đưa ra. Ban lãnh đạo kỳ vọng duy trì tăng trưởng như 2 quý đầu năm. Lợi nhuận năm nay có thể cao hơn 10-15% kế hoạch cam kết với cổ đông", đại diện VPBank chia sẻ.

Giang Di Linh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm