Sau khi ông Shinzo Abe bị bắn gục khi đang vận động ở thành phố Nara sáng 8/7, các hãng truyền thông Nhật Bản đã cập nhật từng phút về tình tiết mới của vụ việc gây chấn động trong suốt ngày hôm đó.
Tuy nhiên, vẫn có điều khác biệt khi theo dõi tin tức từ nước này. Trong khi các hãng truyền thông phương Tây gọi cái chết của ông Abe là “vụ ám sát”, tất cả cơ quan báo chí tại Nhật Bản ngày 10/7 đều sử dụng tiêu đề: “Cựu Thủ tướng Abe qua đời sau khi bị bắn”. Các đài truyền hình như NHK cũng làm điều tương tự, tránh việc sử dụng từ “vụ ám sát”.
Mô tả việc sát hại ông Abe đơn thuần là một “cái chết” cũng không phải là sai, nhưng nó không làm rõ bản chất vụ việc - rằng đây là vụ tấn công có chủ đích hay vô tình, theo Japan Times.
Trong những năm qua, từ “ám sát” chỉ được truyền thông Nhật Bản sử dụng cho các sự kiện ở nước ngoài, chẳng hạn vụ ám sát công dân Triều Tiên Kim Chol - người được cho thật sự là Kim Jong Nam, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - vào năm 2017, hay vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise năm 2021.
“Các vụ ám sát thường xảy ra bất ngờ ở Nhật Bản thời hậu chiến, và chúng tôi không có sự thống nhất về việc khi nào thì dùng từ ‘ám sát’ sẽ phù hợp”, một biên tập viên tại Nhật Bản cho biết.
Thay đổi cách dùng từ
Trong những năm 1930, Nhật Bản đã ghi nhận nhiều vụ ám sát và nỗ lực ám sát nhắm vào các thủ tướng. Truyền thông Nhật khi đó ban đầu dùng từ “tai họa”, sau đó đã thay thế bằng từ “ám sát” khi các chi tiết vụ việc dần lộ diện.
Từ ngữ “ám sát” từ đó được phổ biến và sử dụng rộng rãi từ sau Thế chiến II, như khi nói về cái chết của các nhân vật thế giới như cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King hay Malcolm X.
Một người đàn ông theo dõi tin tức về việc ông Shinzo Abe bị bắn tại Nara sáng 8/7. Ảnh: AFP. |
Cũng trong thời điểm đó, vụ ám sát Inejiro Asanuma của đảng Xã hội Nhật bản năm 1960 là lần gần nhất nước này xảy ra vụ giết hại nhân vật chính trị quan trọng, cho đến ngày 8/7. Các tờ báo Nhật khi đó gọi đây là vụ “ám sát” ở mục tin quốc tế, nhưng lại mô tả là “chết do bị đâm dao” ở các trang tin trong nước.
“Khi một quan chức nước ngoài bị ám sát, người Nhật sẽ sử dụng từ ngữ địa phương với ý nghĩa ‘sát thủ’ để mô tả. Nhưng khi một nhân vật quan trọng trong nước bị ám sát, tôi không biết phải diễn tả như thế nào”, biên tập viên người Nhật nói. “Không có một chỉ dẫn cụ thể về việc khi nào nên hay không nên dùng từ ‘ám sát’”.
Cơ quan báo chí của người này cũng quyết định mô tả vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe là “qua đời sau khi bị bắn”, sau khi xem qua từ ngữ mà các hãng truyền thông khác sử dụng.
Truyền thông thận trọng
Ngoài vấn đề sử dụng từ ngữ, còn một điểm đặc biệt khác trong phản ứng của giới truyền thông Nhật Bản về cái chết của ông Abe.
Trước đây, những sự kiện lớn như trận động đất và sóng thần năm 2011, hay những vụ thử tên lửa của Triều Tiên (trước khi các vụ thử xuất hiện thường xuyên) đã thu hút phạm vi phủ sóng của truyền hình suốt ngày đêm, khi các nhà đài thậm chí hoãn lại các chương trình đã lên kế hoạch phát sóng trước đó.
Ấn bản đặc biệt của tờ Yomiuri Shimbun về cái chết của cựu Thủ tướng Shinzo Abe ngày 8/7. Ảnh: Reuters. |
Tuy vậy, dù đây là lần đầu tiên một cựu thủ tướng bị ám sát kể từ sau chiến tranh, truyền thông lần này lại có sự khác biệt. Mặc dù vẫn cập nhật các diễn biến mới cho đến tối 8/7, các hãng truyền thông vẫn tiếp tục lịch phát sóng bình thường vào ngày hôm sau, thậm chí phát sóng những chương trình hài đêm khuya như thường lệ.
Lời giải thích phù hợp có lẽ là việc các cử tri sẽ đi bầu cử Thượng viện vào ngày 10/7, do đó các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã thận trọng, hạn chế đưa các chương trình đặc biệt có thể bị coi là ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu.
Do vậy, dù cái chết của cựu Thủ tướng Shinzo Abe là một trong những sự kiện chấn động nhất tại Nhật Bản, công chúng có thể đang trải qua cuối tuần tĩnh lặng trên mặt truyền thông.