Tại sao Triều Tiên 'tuyên bố chiến tranh'?
Nhiều lý do được nhắc tới, trong đó có việc Triều Tiên muốn thử phản ứng của tân Tổng thống Hàn Quốc và giành lợi thế trên bàn đàm phán.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. |
Căng thẳng vẫn tiếp tục leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Ngay sau khi Mỹ - Hàn Quốc có cuộc tập trận chung vào đầu tháng 3, Triều Tiên liên tiếp có những động thái khiến tình hình căng thẳng càng gia tăng như hủy hiệp định đình chiến giữa 2 bên và cắt đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc.
Tuy đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng tuyên bố hủy hiệp ước đình chiến và cắt đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc nhưng lần này, căng thẳng lên cao chưa từng thấy trong nhiều năm nay. Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công Hàn Quốc, Mỹ và cả Nhật bằng vũ khí hạt nhân. Hôm qua, 30/3, Bình Nhưỡng tuyên bố bất cứ vấn đề nào với Hàn Quốc cũng sẽ được giải quyết theo cách hành xử thời chiến. Tuyên bố này ban đầu được phía Hàn Quốc hiểu nhầm là "tuyên bố chiến tranh".
“Từ phút này, Triều Tiên sẽ hành động theo quy tắc thời chiến”, Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA đưa tin. Trong khi đó, báo chí Hàn dịch bản tin là: "Từ giờ phút này, quan hệ Triều - Hàn được đặt trong tình trạng chiến tranh". |
Trước tuyên bố trên Mỹ cho biết sẽ xem xét nghiêm túc tuyên bố của Triều Tiên. Tuy vậy cả Mỹ và Hàn đều cho rằng, Triều Tiên vốn có truyền thống với những tuyên bố hiếu chiến kiểu như vậy. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn đặt ra câu hỏi là vì sao Triều Tiên lần này lại tỏ ra giận dữ đến như vậy so với các thời điểm căng thẳng từng xảy ra trong quá khứ?
Dưới đây là một số lý do:
Diễn tập quân sự
Cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ làm thổi bùng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vốn đã “căng như dây đàn”. Triều Tiên trong nhiều năm qua đã phản đối hoạt động này. Chủ tịch Kim Nhật Thành sinh thời từng nói với một phái đoàn Mỹ rằng diễn tập quân sự là “diễn tập cho một xâm lược”. Vì vậy, lần này cuộc diễn tập chung của Mỹ - Hàn khiến Triều Tiên vô cùng tức giận và đặt đất nước trong tình trạng cảnh báo cao độ.
Vòng luẩn quẩn của sự khiêu khích và lệnh trừng phạt
Trước khi có cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, bán đảo Triều Tiên đã rất căng thẳng. Triều Tiên bất chấp dư luận thử thành công tên lửa tầm xa hồi tháng 12 năm ngoái và thử hạt nhân thành công vào tháng 2 năm nay. Cả hai động thái trên dẫn đến việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng.
Trong năm 2006 và 2009, Triều Tiên đều thử tên lửa, sau đó bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt. Sau đó, nước này lại tiếp tục thử hạt nhân sau thử tên lửa. Bán đảo Triều Tiên lại tiếp tục vòng xoáy "lên lên xuống xuống". Bình Nhưỡng cứ phóng tên lửa, thử hạt nhân thì lại bị trừng phạt. Bán đảo lại nóng lên bởi các cuộc tập trận, các hành động khiêu khích...
Thử phản ứng của tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye
Triều Tiên có lịch sử thử phản ứng của người đứng đầu Hàn Quốc trong thời gian mới nhậm chức. Sự khiêu khích về quân sự của Triều Tiên có thể làm phép thử với Park Geun-hye, người mới nhậm chức vào ngày 25/2. Nếu bà Park phản ứng một cách yếu ớt, Bình Nhưỡng lập tức có cách để làm tổn hại đến vị trí chính trị của bà.
Bình Nhưỡng muốn mặc cả trên bàn đàm phán
Một trong những nguyên nhân khác nữa đó là Triều Tiên muốn giành lợi thế trong bàn đàm phán với Mỹ.
Jean Lee của hãng tin AP hồi tháng 2 có viết, sau đợt thử hạt nhân, Triều Tiên cho rằng chỉ có vũ khí lớn mạnh hơn và nhiều lời khiêu khích đe dọa sẽ khiến Washington ngồi vào bàn đàm phán để thảo luận về việc Triều Tiên muốn gì. Nếu Bình Nhưỡng có thể khiến Mỹ - Hàn thấy rằng, họ sẵn sàng trong tình trạng chiến tranh, cơ hội ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ - Hàn sẽ lớn hơn nhiều.
đỗ quyên
Theo Infonet