Chiều 24/3, trả lời Zing, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, lý giải tại sao TP.HCM chỉ quy định cho F1 đi làm, đi học trực tiếp mà chưa cho phép F0 đi làm như Long An, Cà Mau đã thực hiện.
Theo bà Mai, việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của các tỉnh, thành thực hiện điều chỉnh việc quản lý về dịch bệnh trên địa bàn thì Sở Y tế tham mưu, và quyết định vẫn là Ban Chỉ đạo tại địa phương.
Tại TP.HCM, sau khi đánh giá ca nặng, tử vong, nhập viện, Sở Y tế đã tham mưu trình UBND TP.HCM văn bản cho F1 được đi làm, đi học trực tiếp với điều kiện có thể kiểm soát để chống lây lan dịch ra cộng đồng. Còn với F0, theo chỉ đạo của Bộ Y tế thì vẫn phải cách ly y tế tại nhà để điều trị.
Lý giải việc vì sao chưa cho F0 đi làm trực tiếp như một số tỉnh, thành khác, bà Mai cho biết qua theo sát từng ca bệnh vào bệnh viện cũng như ca chuyển biến nặng thì TP.HCM dù tử vong đang giảm nhưng ca nặng thực sự chưa giảm bền vững.
"Số ca nặng có giảm nhưng không liên tục. Và chắc chắn số ca nhiễm tăng thì số ca nặng và tử vong sẽ tăng. Đây là điều TP.HCM đã có rất nhiều kinh nghiệm. Đề xuất của Sở Y tế và điều hành của Ban chỉ đạo xuất phát từ điều kiện thực tiễn của TP.HCM", bà Mai cho hay.
Nhiều văn phòng gặp khó khăn khi nhân sự trở thành F0, F1 phải cách ly, khiến công việc tồn đọng. Ảnh: N.T. |
Trước câu hỏi TP.HCM đã coi Covid-19 là bệnh thông thường hay chưa, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai dẫn lại đánh giá của Bộ Y tế và Cục Y tế dự phòng rằng dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang bệnh lưu hành.
Cụ thể, Bộ Y tế đã thảo luận với các chuyên gia trong nước, CDC Mỹ, và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ Y tế đánh giá tỷ lệ mắc Covid-19 tại Việt Nam chưa ổn định, có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương. Đặc biệt, tỷ lệ mắc vẫn cao và nhiều tỉnh, thành có số ca nhiễm tăng mạnh. Tỷ lệ tử vong trong ngày vẫn cao so với các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện biến thể mới và các biến thể phụ. Ví dụ, biến thể Omicron có các biến thể phụ BA.1, BA.2, BA.3 có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm nên rất khó xác định tỷ lệ mắc.
Do đó, trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi Covid-19 là bệnh lưu hành và tiếp tục phối hợp với WHO và các quốc gia khác để theo dõi thêm.
Sáng 24/3, UBND TP.HCM ban hành văn bản khẩn điều chỉnh quy định với F1. Cụ thể, trường hợp F1 đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc từng mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được tiếp tục đi làm, đi học trực tiếp với điều kiện chấp hành nghiêm các quy định chống dịch cụ thể.
Trước đó, ngày 10/3, Long An là tỉnh đầu tiên ban hành quy định tạm thời về các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc để thực hiện nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Ngày 18/3, Cà Mau là tỉnh tiếp theo cho phép người lao động là F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ hoặc F1 ở Cà Mau được đi làm nhưng trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19.
Hiện, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc cho phép F0, F1 đi làm trực tiếp.