Báo cáo tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khóa X sáng 18/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và UBND TP.HCM đã thông tin về tiến độ chi hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong dịch Covid-19 cũng như lực lượng tuyến đầu theo các nghị quyết của HĐND TP.
Hỗ trợ đợt 3 chậm do ứng dụng bị chậm
Về công tác triển khai chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Nghị quyết 09 và Nghị quyết 97 của HĐND TP, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cho biết còn một số đối tượng chưa được tiếp cận các gói hỗ trợ.
Một số đối tượng chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ:
- Người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ, hoặc có tham gia nhưng doanh nghiệp nợ BHXH nên người lao động không nằm trong nhóm đối tượng được hưởng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
- Người đang nghỉ thai sản hoặc mắc Covid-19 buộc phải nghỉ việc để điều trị từ 14 ngày trở lên, và người lao động của doanh nghiệp nghỉ việc ở nhà nhưng không được hưởng lương nên không thể tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), do đó, không đáp ứng tiêu chí "đang tham gia BHTN ngày 30/9/2021" như điều kiện của Nghị quyết 116 của Chính phủ.
- Một số trường hợp thuộc diện lao động tự do đang gặp khó khăn nhưng không được tổ dân phố, tổ nhân dân đưa vào danh sách hỗ trợ; hoặc lập danh sách sót tên/thời điểm lập danh sách người dân chưa có mặt tại địa phương. Do đó, một số trường hợp không thể nhận gói hỗ trợ theo Nghị quyết 09 và Nghị quyết 97 của HĐND TP.
Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, việc triển khai gói hỗ trợ đợt 3 gặp nhiều khó khăn do ứng dụng của phần mềm Công viên Quang Trung thường xuyên bị chậm, gián đoạn; việc triển khai lập danh sách chưa đồng bộ, mẫu thường xuyên thay đổi gây khó khăn cho cơ sở. Mặt khác, việc lập danh sách để cập nhật vào phần mềm còn nhiều sai sót, xử lý chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ chi hỗ trợ.
Ngoài ra, còn tình trạng lợi dụng việc thực hiện chính sách phòng, chống dịch để trục lợi, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Trước thực tế đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các cấp rà soát kỹ các trường hợp chưa nhận được tiền hỗ trợ để giải quyết thỏa đáng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Về y tế cơ sở, bà Châu nhận định đợt dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ rõ hạn chế, tồn tại của trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế phường, xã, thị trấn, như thiếu nhân sự, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, còn lúng túng trong tiếp nhận, hướng dẫn, điều trị, phân luồng và chuyển viện người mắc Covid-19.
Do đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đề nghị Sở Y tế khẩn trương có kế hoạch, giải pháp nhằm nâng cao năng lực y tế cơ sở. TP nên đề xuất Bộ Y tế có cơ chế cho phép bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp (chưa có chứng chỉ hành nghề) được tham gia điều trị F0 tại cộng đồng và thực hành tại y tế cơ sở để xét cấp chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đề nghị ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em 5 đến dưới 18 tuổi (toàn thành phố hiện có khoảng 1,8 triệu trẻ em) để đảm bảo an toàn khi đi học trở lại.
TP.HCM chưa có nguồn chi hỗ trợ cho một số đơn vị
Theo báo cáo của UBND TP.HCM về thực hiện Nghị quyết 12 của HĐND TP.HCM chi hỗ trợ động viên cho lực lượng tuyến đầu, TP.HCM đã chi 311,2 tỷ đồng cho 66.000 trường hợp.
Ở tuyến thành phố, 28.000 người đã nhận hỗ trợ với số tiền 215 tỷ đồng, đa số đã chi hết, chỉ còn bổ sung một số đối tượng bị sót và các đoàn mới đến. UBND cấp quận, huyện và TP Thủ Đức đã chi cho 35.000 người với số tiền 81 tỷ đồng (đạt 84%); 7.000 người còn lại dự kiến hoàn thành trong tháng 10.
Bộ Tư lệnh TP.HCM đã chi hỗ trợ cho 835 người với 3,7 tỷ đồng. Công an TP.HCM chi cho 1.722 cán bộ với số tiền 10,6 tỷ đồng.
Nhóm 4 bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, một bệnh viện thuộc Bộ Công an, một bệnh viện thuộc Bộ Y tế và 11 bệnh viện tư nhân hiện chưa có nguồn chi trả.
Với các đoàn chi viện cho TP, đa số đã được chi hỗ trợ. Riêng đoàn do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách và đoàn của bệnh viện Trung ương Huế do UBND quận 10 quản lý đang làm thủ tục và dự kiến hoàn thành chi trong tháng 10.
TP.HCM đã chi 311,2 tỷ đồng cho 66.000 trường hợp thuộc lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch. Ảnh: Chí Hùng. |
Khó khăn, vướng mắc lớn nhất làm ảnh hưởng đến tiến độ chi trả là do khối lượng công việc của các cơ quan, đơn vị phòng, chống dịch rất lớn, luôn cấp bách nên không thể nhanh chóng lập đầy đủ hồ sơ, chứng từ để chi trả như quyết định hoặc văn bản tiếp nhận, phân công nhân sự tham gia chống dịch, bảng chấm công...
Bên cạnh đó, giữa các nhóm đối tượng có sự chênh lệch về mức chi trả nên khi lập danh sách phải rà soát kỹ, mất nhiều thời gian.
Sở Y tế đang đôn đốc thực hiện, làm việc trực tiếp với đơn vị chưa chi trả và phối hợp với Kho bạc Nhà nước TP.HCM để hoàn thành việc hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.