Với góc tiếp cận hầu hết lĩnh vực kinh tế TP.HCM bị tác động nặng nề bởi Covid-19 nhưng riêng xuất nhập khẩu có tín hiệu tích cực nhờ sự phục hồi chung của kinh tế thế giới, các chuyên gia khuyến nghị TP.HCM cần đi đầu trong mở cửa quốc tế tại Hội thảo về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025, sáng 16/10.
Cùng với các kiến nghị, chuyên gia kinh tế dự báo nhiều tín hiệu tích cực của kinh tế Việt Nam nếu tận dụng tốt thời cơ trong giai đoạn tới.
Phục hồi chậm, TP.HCM có thể đối mặt suy thoái
Dẫn chứng những con số cụ thể cho thấy sự sụt giảm kinh tế TP.HCM sau làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, cho hay tháng 7, TP.HCM mất đi khoảng 1 tỷ USD trong xuất khẩu. Và chỉ một tháng sau, TP phải gánh chịu thiệt hại hơn 3,63 tỷ USD.
“Hoạt động xuất nhập khẩu giảm đi từng ngày, xảy ra ở tất cả lĩnh vực, nhưng rất may mắn khi trong nguy cơ đó có một số ngành hàng le lói phục hồi vào tháng 7 như cao su, dệt may…”, chuyên gia đánh giá.
Trong tháng 9, tốc độ suy giảm chậm lại, không có ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8/2021. Mặc dù vậy, ông Khánh cho biết mức độ phục hồi kinh tế của TP trong tháng 9 vẫn chưa đạt 50% so với cùng kỳ năm 2020.
“Nếu mức độ hồi phục chậm của TP.HCM kéo dài thêm, thành phố có thể đối mặt suy thoái”, ông Khánh cảnh báo và đề nghị thành phố triển khai khẩn cấp các chính sách hỗ trợ, kích cầu.
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM. Ảnh: HMC. |
Đưa ra con số hơn 1 triệu lao động tạm thời mất việc hoặc mất việc sau 5 tháng giãn cách xã hội, ông Khánh nhìn nhận cơ hội việc làm sẽ tiếp tục khó khăn. Ông cũng dự báo các dòng lao động sẽ chậm trở lại TP.HCM, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là người có tay nghề và kỹ năng chuyên môn.
Chuyên gia đề nghị TP có chính sách để chia sẻ chi phí lương, tăng tái tạo việc làm. Mục tiêu là giúp doanh nghiệp hạn chế sa thải lao động, tuyển dụng trở lại số lao động đã nghỉ trước đây, thu hút lao động có tay nghề quay trở lại TP.HCM.
Ông đề xuất TP.HCM sử dụng ngân sách để hỗ trợ 25% lương tối thiểu vùng, áp dụng từ tháng 9/2021 đến 3/2022. Ước tính quy mô gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng, tương đương 0,29% GRDP TP.HCM.
Cần mở cửa kinh tế ngay sau khi tiêm phủ vaccine
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết từ giữa 2020 đến giữa năm 2021, nhiều nước tiêm phủ trên 60% vaccine đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tác động của sự phục hồi này với nền kinh tế Việt Nam là sức cầu xuất khẩu tăng mạnh ở tất cả thị trường.
Với xu thế phục hồi tăng trưởng toàn cầu, ông nhận định điều này tác động tích cực đến Việt Nam, xuất khẩu có thể tăng trở lại từ tháng 11 trên cơ sở mở cửa bền vững và thích ứng an toàn.
Tuy nhiên, một trong những thách thức là ách tắc cảng biển trầm trọng do lệch pha về nguồn container, hoạt động trung chuyển, thiếu lao động vận tải, logistics dẫn đến chi phí vận tải tăng mạnh.
Trước tình hình đó, ông Thành đề nghị sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh, TP cần ưu tiên chính sách tháo gỡ ách tắc vận tải đường bộ và cảng biển.
"TP.HCM phải đi đầu trong mở cửa quốc tế. Nếu TP.HCM có thể mở cửa trước thì tác động phục hồi với du lịch, khách sạn, nhà hàng sẽ rất lớn", ông nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam. Ảnh: Fulbright Việt Nam. |
Về triển vọng tăng trưởng, chuyên gia nhận định với việc TP.HCM đã mở cửa dần, kinh tế quý IV sẽ có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh sẽ không thể thực hiện ngay trong tháng 10. Thay vào đó, phục hồi kinh tế chỉ bắt đầu từ tháng 11.
"Nếu tăng trưởng quý IV là 3,5% thì tăng trưởng cả năm sẽ là 2,2%", ông dự báo.
Theo ông Thành, nếu tiêm đủ vaccine trên cả nước trước Tết Nguyên đán, tất cả hoạt động kinh tế trong nước cần được mở lại ngay sau Tết, song song với lộ trình mở cửa quốc tế. "Với chính sách mở cửa này cộng với gói hỗ trợ phía tài khóa, kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng ở mức 7,5%", vị chuyên gia nêu quan điểm.
Đề xuất dành gói vay 1 tỷ USD cho TP Thủ Đức
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh TP Thủ Đức là địa bàn đột phá về kinh tế tri thức của TP.HCM, do đó, thành phố cần tập trung phát triển khu vực này. Ông kiến nghị TP.HCM nên dành một gói vay ít nhất 1 tỷ USD thông qua trái phiếu dành riêng cho TP Thủ Đức trong năm nay để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế tri thức.
"Đợi ngân sách thì không bao giờ có. Nhưng nếu có 1 tỷ USD này sẽ kéo thêm 5-7 đơn vị khác vào đầu tư", ông Nhân gợi mở.