Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Tại sao tiểu thuyết phiêu lưu không thể nói về bảo vệ môi trường?'

Cần phải làm mới các tiểu thuyết viễn tưởng bằng cách đưa vào trong đó những giá trị nhân văn gần gũi và thiết thực hơn với đời sống, trong đó có việc bảo vệ thiên nhiên.

Học viện Viễn thám (Explorer Academy) được đánh giá là một “bom tấn” trong lĩnh vực xuất bản của National Geographic. Hai tập đầu của tác phẩm này mới được ra mắt tại Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội sách mừng Ngày sách Việt Nam, dịch giả Đỗ Minh Quân có buổi giao lưu với độc giả về tác phẩm.

Đừng xem công nghệ là kẻ thù của thiên nhiên

Đây không phải là lần đầu tiên bạn thử sức với vai trò dịch giả, “Học viện Viễn thám” có điều gì đặc biệt hơn so với những tác phẩm trước đây bạn từng chuyển ngữ không?

Trước đây, tôi từng dịch một số tác phẩm như: Hoàng tử trở lại, Bob- chú mèo đường phố hay Tiền không mọc trên cây. Chúng đều là các tác phẩm văn học có dung lượng không quá dài, rơi vào khoảng gần 300-400 trang, ngôn ngữ cũng giản dị và gần gũi với đời sống hơn.

Điều khác biệt lớn nhất của Học viện Viễn thám so với các tác phẩm khác mà tôi từng chuyển ngữ có lẽ chính là quy mô. Cùng một lúc, tôi phải dịch 2 tập liên tục và các tập tiếp theo vào giai đoạn sau này. Vì tác phẩm là một series gồm 7 tập, theo đó đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn về thời gian.

Nhưng khi bắt tay vào dịch tác phẩm này, tôi thấy có một điều may mắn. Bối cảnh trong tác phẩm là một hệ sinh thái tạo tác, mỗi tập sẽ liên quan đến một phần trong tổng thể chung. Thế nên, chúng đòi hỏi sự đồng nhất, tương tác giữa các phần. Nếu người dịch nắm bắt được câu chuyện và dịch tốt ngay từ những tập đầu thì về sau mọi chuyện sẽ đơn giản hơn.

Hoc vien vien tham anh 1
Dịch giả Đỗ Minh Quân. Anh từng đạt giải Nhất cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V với tác phẩm Người ngủ thuê.

Việc dịch một tác phẩm văn học có chứa nhiều chi tiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học tự nhiên như Học viện Viễn thám có làm khó Minh Quân?

Chuyển ngữ mỗi tác phẩm văn học đều là một thử thách đối với từng dịch giả, theo cách này hay cách khác. Các chi tiết khoa học, công nghệ trong 2 tập truyện này cũng đòi hỏi tôi phải có sự tra cứu và lựa chọn từ ngữ tương đối kỹ càng, nhưng dù sao đó cũng là việc tối thiểu mà một dịch giả phải làm.

Ngoài việc tái hiện một chuyến phiêu lưu hấp dẫn, theo anh tác phẩm “bom tấn” này còn điều gì hấp dẫn?

Học viện Viễn thám là một chuyến phiêu lưu với nhiều bất ngờ. Riêng điều này thôi cũng đủ hấp dẫn bạn đọc nhí rồi. Bên cạnh đó, yếu tố khoa học, công nghệ chắc chắn sẽ kích thích lòng ham biết, khát khao tri thức trong các độc giả nhỏ tuổi. Tác phẩm này còn mang theo rất nhiều thông điệp tích cực, không chỉ là các giá trị nhân văn thường tình. Đặc biệt là những lời nhắn nhủ về việc bảo tồn và yêu quý môi trường tự nhiên.

Trong bối cảnh thế giới ngày này, đôi khi chúng ta có cảm giác công nghệ nói riêng và nền văn minh nói chung đang trở thành một đối cực, một kẻ địch đối với thiên nhiên hoang dã, đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật… Tuy nhiên, Học viện Viễn thám lại đưa ra cho chúng ta một bức tranh khác, tươi sáng hơn. Trong đó, công nghệ đóng vai trò hỗ trợ quá trình bảo tồn, song hành với thiên nhiên, một điều khiến tôi ít nhiều liên tưởng tới thế giới trong Doraemon.

Đó là một giá trị đầy nhân văn mà ít tác phẩm giả tưởng khác đề cập tới. Nói đến giả tưởng không chỉ là những chuyến phiêu lưu, truy tìm kho báu hay cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác. Cần đưa vào những giá trị nhân văn khác như tình yêu thiên nhiên, môi trường để làm phong phú thêm thể loại này.

Tôi muốn chơi đùa cùng chữ nghĩa

Minh Quân cũng đã viết một tác phẩm dài hơi mang nhiều yếu tố giả tưởng, phiêu lưu, kỳ ảo. Có phải vì vậy mà anh hào hứng hơn với tác phẩm này?

Dù là dịch giả Đỗ Minh Quân hay nhà văn Đỗ Nhật Phi thì tôi vẫn là một người yêu thích văn học giả tưởng. Bởi thế, tôi luôn hào hứng với thể loại này ở cả hai mảng dịch thuật và sáng tác. Thế giới của sự tưởng tượng vừa hấp dẫn, vừa thách thức tinh thần sáng tạo của chúng ta. Được làm điều mình thích khiến con người ta hưng phấn hơn và dễ dàng tái tạo năng lượng.

Hoc vien vien tham anh 2
Hai tập đầu của series Học viện Viễn thám

Bản thân anh cũng là một tác giả, điều này có trở thành lợi thế cho anh trong việc dịch thuật không?

Nhiều người đã nghĩ như vậy và cũng hỏi tôi câu này. Nó có thể đúng với một số tác giả làm công việc dịch thuật. Nhìn chung dịch thuật, hay sáng tác văn chương đều là công việc của ngôn từ. Yêu cầu người ta phải biết cách sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, chính xác và uyển chuyển.

Dù bạn đang viết một cuốn sách hay dịch nó ra tiếng Việt để nhiều người cùng đọc thì bạn đều là người “chơi với ngôn từ” cả thôi. Đều có sự sáng tạo nhất định trong đó. Đừng nghĩ dịch thuật là một công việc mang tính rập khuôn. Đối với tôi thì 2 vai trò này sẽ bổ sung lẫn nhau, không có việc gì là đi trước tạo lợi thế cho việc gì cả.

Hình ảnh một nhà văn “đa năng” có phải là điều mà anh hướng tới hay không?

Một nhà văn “đơn năng” có lẽ mới là thứ hiếm trong xã hội của chúng ta ngày nay. Chúng ta đã thấy rất nhiều những nhà văn – nhà giáo, nhà văn – nhà báo, nhà văn – doanh nhân, nhà văn – nhà khoa học, hay chính nhà văn – dịch giả cũng không hề thiếu, và cũng không phải là điều gì hiếm hoi hay đặc biệt. Tôi nghĩ đó là một điều tất yếu mà chúng ta không cần phải hướng tới trong một thế giới mở và có tính hội nhập như hiện nay.

Hoc vien vien tham anh 3
Phần minh họa và trình bày đẹp mắt của tác phẩm này.

Dù làm nghề gì, chúng ta nên tận dụng tốt tất cả những lợi thế của mình và vốn kiến thức đã tích lũy được từ trước đó để phục vụ cho công việc. Điều này như một lẽ tất nhiên, không có gì phải định hướng trước cả.

Còn nếu ý bạn hỏi là một nhà văn “đa năng” trong riêng xu hướng, phong cách sáng tác, thì với vai trò là tác giả Đỗ Nhật Phi, tôi cũng có một chút ý muốn thể hiện điều đó. Nói cho cùng, tự làm mới mình chẳng phải là một đòi hỏi, một nhu cầu thường trực với người làm nghệ thuật sao? Nếu cứ đi theo những con đường quen thuộc, thì chính người sáng tác sẽ cảm thấy nhàm chán với bản thân mình trước tiên.

Khuyến khích trẻ đọc sách để giảm bạo lực học đường và vô cảm

Nhà văn của thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh, tác giả sách Nguyễn Thị Ngọc Minh cùng các nhà báo và nhà giáo đóng góp ý kiến giúp trẻ em có thói quen đọc sách tại tọa đàm sáng 19/4.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm