Khi số ca nhiễm còn ở mức thấp, TP.HCM hình thành chính sách dựa vào 5 trụ cột là giãn cách, điều trị, cách ly, xét nghiệm và tiêm vaccine. Tuy nhiên, khi số ca tăng nhanh thì những trụ cột này không còn phát huy hiệu quả vì việc truy vết, xét nghiệm không theo kịp tốc độ lây nhiễm, còn số ca F0 và F1 thì quá lớn để cách ly tập trung.
Thực tế này đòi hỏi thành phố phải chuyển sang giai đoạn mới, điều chỉnh lại chiến lược dựa trên 4 trụ cột: Giãn cách xã hội, điều trị, vaccine và an sinh xã hội.
Trao đổi với Zing về sự thay đổi này, TS Trương Minh Huy Vũ nhận định thành phố đã có chính sách, có kế hoạch và tích cực triển khai nhiều biện pháp nhưng trong một số khía cạnh vẫn chưa hiệu quả.
TS Trương Minh Huy Vũ hiện là Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM; Tổ phó Tổ tư vấn chính sách cho TP.HCM. Ông từng làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (SCIS) thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.
Giãn cách xã hội và đặc thù đô thị
TS Vũ cho rằng thời gian qua thành phố đã cố gắng làm nghiêm việc giãn cách xã hội, song chưa cân nhắc đúng về đặc thù đô thị của thành phố. Cụ thể, các khu vực đô thị có mức độ truyền nhiễm khác nhau. Đối với các xóm trọ, xóm lao động nghèo thì mật độ có thể lên tới 10-20 người/khu trọ nên khi một người nhiễm chủng Delta thì toàn bộ khu đó có nguy cơ nhiễm rất cao.
“Không gian đô thị để mỗi người có một phòng riêng, đảm bảo giãn cách trong sống và sinh hoạt ở một số chỗ là một điều gì đó xa xỉ”, ông Vũ phân tích.
TP.HCM cần cân nhắc đặc thù đô thị trong chính sách giãn cách xã hội. Ảnh: Chí Hùng. |
Do đó, thành phố đã tính đến phương án giãn dân. TS Vũ dẫn chứng quận 7 đã tính toán thuê khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn để chuyển người dân tại các khu vực đông đúc đến đó. Quận lên kế hoạch ký hợp đồng giá ưu đãi với chủ khách sạn, khu nghỉ dưỡng, kinh phí do quận hoặc nhà tài trợ chi trả. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cách làm này chỉ phù hợp với một quần thể dân cư nhất định, còn với những khu vực cả trăm nghìn dân thì rất khó khả thi.
Trong những ngày gần đây, sự tham gia của quân đội, công an được kỳ vọng giúp siết chặt giãn cách tại TP.HCM. TS Vũ đồng tình rằng sự giám sát này có hiệu quả cao ở các khu phong tỏa. Tuy nhiên, ở các khu lao động, xóm trọ nghèo, vẫn cần một phương án điều chỉnh mật độ hợp lý.
Quân đội có vai trò quan trọng trong cứu trợ, cứu tế cho dân
Về chiến lược xét nghiệm toàn thành phố, TS Huy Vũ nhận định vấn đề này TP.HCM cần làm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, kết hợp với những đặc thù của thành phố trong thời gian qua.
Ông cho rằng mục tiêu xét nghiệm lần này không phải để bóc F0 ra khỏi cộng đồng, mà là nhận biết và phân loại F0, từ đó có biện pháp điều trị sớm.
Xe xét nghiệm, cùng với xe tiêm chủng là những điểm mới trong lần “ra quân” này. Mô hình 2 trong 1 (xét nghiệm cộng tiêm chủng) hay 3 trong 1 (thêm việc cấp phát lương thực, cứu tế) đã được một số chuyên gia đề xuất nên được triển khai tùy theo từng quận, huyện.
Theo quan điểm của ông Vũ, TP.HCM đã hình thành mô hình điều trị 3 tầng với 2 trọng tâm chính. Đó là hỗ trợ việc mỗi người quản trị rủi ro của mình một cách tốt nhất từ nhà và nếu có nguy cơ cao thì được chuyển nhanh nhất đến bệnh viện để điều trị. Trong đó, quan trọng là phát thuốc, chăm sóc F0 tại nhà để hạn chế trường hợp phải điều trị; và cấp cứu kịp thời nếu F0 trở nặng để hạn chế tử vong.
Đẩy mạnh chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, phải đến viện điều trị. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Chuyên gia cho rằng trong thời gian đầu, chương trình điều trị F0 tại nhà (home-based care) chưa thể thực hiện nhanh chóng bởi cấu trúc y tế của TP.HCM chưa phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe phân bổ theo cơ sở. Một số khu vực có mạng lưới chăm sóc y tế, bác sĩ ổn, tuy nhiên, một số địa bàn lại chưa có và phải dựa vào các bệnh viện tuyến trên.
Vì vậy, thành phố đã có những “chuyển bộ” quan trọng.
Vaccine là niềm hy vọng cho tương lai
TS Trương Minh Huy Vũ
Từ việc hình thành các “bệnh viện dã chiến” cấp quận, trạm cấp cứu cơ sở đến tập trung xây dựng mạng lưới 400 trạm y tế lưu động để các F0 tại nhà được hỗ trợ điều trị nhanh chóng. Mạng lưới này là trung gian quan trọng giữa F0 tại nhà và bệnh viện tuyến cơ sở, là tuyến hỗ trợ cấp cứu gần nhất mà nếu can thiệp kịp thời sẽ tận dụng được “thời gian vàng”, giúp hạn chế nguy cơ tử vong.
Song song với xét nghiệm, điều trị, chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của vaccine, yếu tố mà ông gọi là “niềm hy vọng cho tương lai”. TS Vũ chỉ ra các địa phương hiện có tốc độ tiêm chủng chậm đều thuộc vùng cam, đỏ của TP.HCM, ví dụ quận 8, Gò Vấp, Bình Thạnh… Đặc điểm chung của các quận, huyện này là dân số đông, tỷ lệ F0 cao. Ông gợi ý nên tận dụng lực lượng quân đội để đẩy nhanh tốc độ tiêm bởi độ phủ vaccine càng cao thì tỷ lệ tử vong càng thấp.
Cuối cùng, TS Trương Minh Huy Vũ cho rằng khi giãn cách nghiêm ngặt hơn thì an sinh xã hội càng phải tăng cường để người dân yên tâm ở trong nhà. Sự tham gia của quân đội có ý nghĩa quan trọng trong việc cứu trợ, cứu tế cho người dân gặp khó khăn. Cùng với đó, việc đảm bảo an sinh xã hội cần sự hợp tác giữa 3 bên - Nhà nước, thị trường và xã hội. Trong đó, Nhà nước hình thành các kênh khác nhau để tận dụng nguồn lực phù hợp của doanh nghiệp và xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.
Không thể đổ lỗi cho người dân
Lý giải về sự thiếu hiệu quả trong các biện pháp chống dịch của thành phố thời gian qua, TS Vũ cho rằng có 2 nguyên nhân.
Thứ nhất là quy mô và mật độ dân số thành phố. Theo số liệu của công an, dân số TP.HCM có thể lên tới 12-13 triệu người, lớn hơn rất nhiều so với các tâm dịch trước đây như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng. Trong đó có nhiều cụm dân cư, chung cư, xóm trọ tập trung nhiều người nhập cư với mật độ đông đúc - điều kiện thuận lợi để virus phát tán.
Không thể đổ lỗi cho người dân khi họ không tuân thủ 5K. Vấn đề là cấu trúc không gian đô thị không cho phép họ làm vậy
TS Trương Minh Huy Vũ
“Trong các khu vực như vậy thì không thể đổ lỗi cho người dân khi họ không tuân thủ 5K. Vấn đề là cấu trúc không gian đô thị không cho phép họ làm vậy”, ông Vũ chia sẻ quan điểm.
Thứ hai là sự thiếu hụt nhân lực so với quy mô dân số. TP.HCM là đô thị gần 13 triệu dân nhưng bộ máy chỉ tương đương các tỉnh khác. Tỷ lệ cán bộ phường, xã, quận, huyện tính trên mật độ dân cư quá thấp nên khi xảy ra khủng hoảng, lực lượng hiện hữu không thể đáp ứng.
“Trong điều kiện bình thường, chính quyền có thể dùng biên bản hành chính để quy định hành vi của hàng triệu người. Nhưng virus thì không nghe mệnh lệnh hành chính”, ông Vũ chỉ ra vấn đề.
TP.HCM đang tổ chức đợt tiêm chủng vaccine diện rộng trên toàn thành phố. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trước thực tế đó, chuyên gia nhấn mạnh cần tiếp tục duy trì quan điểm tăng cường thêm lực lượng cho TP.HCM và cả nước cùng TP.HCM dập dịch. Hiện tại, TP.HCM là nỗi lo của cả nước, được Trung ương và các lực lượng “dồn vào cứu”. Tuy nhiên, nhìn xa hơn thì TP.HCM sẽ là địa phương thoát ra nhanh nhất nhờ tỷ lệ phủ vaccine. Vì vậy, để đảm bảo kịch bản này thì sự chi viện của Trung ương về vaccine là tối cần thiết.
TP.HCM sẽ là địa phương thoát ra nhanh nhất nhờ tỷ lệ phủ vaccine
TS Trương Minh Huy Vũ
Ông cho rằng nhiệm vụ tiêm mũi 1 không đáng lo ngại vì nguồn cung của thành phố hiện có. Mô hình tiêm chủng được thiết kế “phi tập trung” cũng giúp thành phố tăng tốc độ phủ vaccine theo nhiều mục tiêu đề ra. Trong thời cao điểm, mỗi ngày thành phố có thể tiêm tới 300.000 mũi.
Trong khi đó, mũi 2 sẽ phức tạp hơn bởi mỗi loại vaccine đòi hỏi thời gian tiêm giữa 2 mũi khác nhau và mũi vaccine thứ 2 phải tương thích với mũi 1 theo các quy định tiêm trộn hiện nay của Bộ Y tế.
“Vaccine là hy vọng duy nhất để TP.HCM thoát ra khỏi đại dịch. Khi đạt độ phủ 2 mũi vaccine ít nhất là trên 70% trong tháng 9, thành phố mới có thể tính toán để trở lại trạng thái bình thường mới”, ông Vũ kết luận.
Bình luận