Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Nguyên Hồng luôn 'xin được khóc' trong cuộc họp?

Tác giả "Bỉ vỏ" mau nước mắt. Người ta đã quen với việc trong cuộc họp, nói chuyện, ông xin được khóc vài phút, và coi đó là việc nhà văn sống tận cùng với cảm xúc của mình.

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại Nguyên Hồng có được cho mình một vị trí rất riêng. Cái vị trí ấy được xây dựng từ trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong đó có tác phẩm đầu tay Bỉ vỏ hoàn thành khi ông chưa tròn 20 tuổi, được trao giải nhì của Tự lực văn đoàn năm 1937.

Cho đến khi mất tại Ấp Cầu Đen, Tân Yên, Bắc Giang, nhìn lại, ông đã để cho hậu thế một số lượng tác phẩm đồ sộ và độc đáo, có thể kể đến bộ tiểu thuyết Cửa biển, gồm bốn tập: Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời với hơn một nghìn trang in, cùng một số tập thơ như Trời xanh, Sông núi quê hương; và các tập hồi ức như Bước đường viết văn, Một tuổi thơ văn, Những nhân vật ấy đã sống với tôi.

Đời sống, đời văn hòa làm một

Từ những gì đã kể trên có thể thấy đời sống và đời viết của nhà văn Nguyên Hồng đã hòa làm một. Người ta nhắc đến Nguyên Hồng là nhắc về tác phẩm, đồng thời nhắc về đời sống của ông với nhiều giai thoại kì thú.

Như Nguyên Hồng rất mau nước mắt, trong mỗi cuộc họp hay nói chuyện, khi nhắc đến vấn đề gì đó xúc động ông thường “xin” được khóc vài phút. Mọi người coi sự khóc của ông là điều tất nhiên của một con người chân thật, dám ghét dám yêu, sống tận cùng với cảm xúc của mình.

Sach tiet lo doi song,  tinh cach Nguyen Hong anh 1
Sách Nhật ký Nguyên Hồng.

Nhà văn Lê Lựu, tác giả của Thời xa vắng trong một bài viết về người thầy Nguyên Hồng có kể trong một lần dự trại viết đã thấy thầy mình khóc cho một nhân vật theo logic vừa phải chết trong tác phẩm. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, trong cuốn Một thời để mất viết về chân dung Nguyên Hồng đã nói về sự gắn bó của ông với Hải Phòng, ông nhớ từng tên phố thời Pháp, nhớ từng trận bóng mà cầu thủ nào đã ghi bàn, nhớ cả những tên người mà giờ chẳng ai còn nhớ.

Nhưng chính xác ngày, tháng, năm sống của mình nhà văn Nguyên Hồng đã làm gì thì vẫn còn là một điều bí ẩn. Cho đến khi cuốn Nhật ký Nguyên Hồng được các con ông là hai dịch giả Nguyễn Thị Thanh Thư, Nguyễn Thị Nhã Nam biên soạn đến với tay độc giả thì người ta mới ồ lên, những tưởng nhà văn nổi tiếng phải có một đời sống “khác” người thường, như sung túc hơn, phong phú hơn về mặt tâm hồn, thì ở đây ai ngờ lại rất bình dị, đời thường.

Và nhật ký cũng chính là một phần đời sống, suy ngẫm của ông, như Nguyễn Thị Thanh Thư tiết lộ. “Nhật ký như là một phần cuộc sống của cha tôi. Ông viết hầu như hàng ngày. Hay đúng hơn là hầu như mỗi sự kiện trong đời đều được ông ghi lại. Về gia đình, về các con, về người vợ thông minh nhưng gầy yếu, về người mẹ hiền từ, về bạn bè văn chương, về công việc viết lách cũng như công tác đoàn thể, về những sự kiện lớn trong nước và quốc tế, về những nhân vật mà ông bỏ nhiều công sức tìm hiểu cũng như những con người mà ông gặp hàng ngày, về những ước mơ hay dự định”.

Ở đây, trong cuộc sống đời thường ông cũng phải bươn chải lo lắng đủ thứ cho gia đình, cho con cái. Như nhật ký ghi ngày 18/8/1953: Nhận được thư của nhà tôi đề ngày 21-7-1953, nhà tôi lần này hen nặng, mỗi ngày một kiệt lực. Cả hai con tôi cùng ốm. Một thằng hen, một thằng ho. Tôi lo ngại cho nhà tôi, nhất là thằng Giang quá. Chỉ còn tự lực. Cả nhà tôi và các con tôi phải vượt lên bệnh tật này… Và tôi càng phải làm việc hơn nữa.

Hay ngày 20/4/1957: Nhà tôi đẻ đến nơi. Tôi thu dọn lại nhà. Cái giường mới kê vào chỗ gần cửa sổ, quây ri-đô; cánh phản kê ở lối ra vào. Dọn ổ. Vợ tôi nhắc đến chú gà sống chạy bới tung tăng khắp sân, mái nhà khi thấy gà mái cục te, rút cục vẫn không ra chỗ và gà mái vẫn không đẻ. Các con tôi đòi đi cine; tôi còn có 3 trăm, mua 200 giò và 100 lạc, chia cho các con mỗi đứa một miếng và mười hột.

Hoặc ngày 22/7/1968:… Chiều đến, tôi cứ bâng khuâng. Nhớ các con quá! Nhất là khi đi lấy cơm về. Tôi trộn đĩa nộm bí, ăn cơm một mình trên gác, “Cơn bão đã đến” vẫn chưa có sách về. Tiền sách ít quá. Tôi không thể mua sắm gì cho các con. Định trả nợ 100 đ cho tín dụng rồi lại tiêu đi. Mua cho Sơn cái quần 5 đ, chữa xe đạp 5 đ, mua đôi pin đèn 5 đ, mua chè và tiêu rất nghèo cho các con cũng mất mấy chục đồng.

Ông cũng phải vừa lo viết sách cho các nhà xuất bản, viết cho báo này báo kia, rồi gặp gỡ bạn bè, trao đổi về tác phẩm vừa sáng tác. Ta không lạ khi nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng được nhắc đến trong nhật ký như Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Văn Cạo, Hoàng Cầm, Ngọc Giao, Tố Hữu, Thâm Tâm, Phạm Duy, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Sỹ Ngọc, Đỗ Nhuận, Tô Hoài, Bùi Hiển, Kim Lân, Chế Lan Viên, Hoài Thanh, Lê Đạt… Mỗi con người ấy trong cái quỹ đạo sống, sinh hoạt, làm việc của mình đều gặp nhau ở đây, trong nhật ký Nguyên Hồng.

Như ngày 1/10/1944: Ăn cưới Thâm Tâm. Say và say. Sau đó vài ngày là đi xem đá bóng cùng nhà văn Ngọc Giao, 5/10/1944: Đi xem đá bóng với Ngọc Giao. Trung Kỳ 1, Bắc Kỳ 2. Cái sàn gỗ đổ. Một người chết. Thằng bé nhặt vỏ quýt. Sự tàn tệ của một vài cầu thủ An nam.

Hay với Văn Cao, sáng ngày 15/3/1956: Sáng ngày 15/3 đến nhà Văn Cao. Đọc thơ cho Lê Đạt và Văn Cao nghe. Kéo nhau đi uống cà phê. Tối tôi đón nhà tôi về. Hai vợ chồng đi đọc thơ, nhà tôi bảo: “Ngày xưa đọc thơ, lấy nhau. Giờ lại đọc thơ, còn sung sướng gì hơn”.

Cả Nguyễn Tuân nữa, ngày 1/11/1962: Ở Thác Bà một buổi sáng. Chiều đi Yên Bái. Công trường vắng quá. Tôi và Nguyễn Tuân đi bộ qua Thác Bà. Một chiếc bè xuôi. Không còn phố xá hàng quán gì. Rừng gỗ tếch có vẻ nhuộm màu quan san. Trời Bắc Mê năm xưa đây!

Và còn vô vàn những cuộc gặp, những con người, trao đổi, kỷ niệm trải dài trong cuốn sách khổ to hơn 600 trang, từ năm 1941 - 1981.

Đời sống nghèo, khó của nhà văn tài năng hàng đầu

Qua cuốn nhật ký ta hình dung được quãng thời gian mấy chục năm khó khăn của đất nước. Đặc biệt là đời sống văn nghệ sống động, nhiều biến đổi. Đồng thời thấy được cuộc sống của một nhà văn tài năng hàng đầu, người đã sống đúng và trách nhiệm của chính mình.

Dù đôi lúc các quyết định của Nguyên Hồng khiến những người sống cùng ông không ít khổ sở. Ta trở lại với năm 1959 khi ông quyết định chuyển cả gia đình từ Hà Nội về Nhã Nam, sau vụ kiểm điểm Báo Văn mà ông làm tổng biên tập.

Sach tiet lo doi song,  tinh cach Nguyen Hong anh 2
Cuốn sách không chỉ kể chuyện đời nhà văn, mà còn cho thấy đời sống xã hội trong một giai đoạn lịch sử. 

Về Nhã Nam là bỏ đi tất cả cuộc sống có thể coi là tạm ổn định ở Hà Nội. Về đây phải bắt đầu lại cuộc sống của gia đình, vợ, và con. Chẳng biết họ nghĩ gì về quyết định này của ông, có lúc nào oán trách ông không.

Khép lại cuốn nhật ký là ngày 10/10/1981: Chữa xong bài tôi đọc cho tạp chí Cửa Biển. Về nhà, ăn cơm xong, chiều nay Nhã mua được hai lạng thịt giá cao. Nhìn qua vào buồng thấy Nhã đang hình như tính và đếm tiền ở mép giường. Tâm trí tôi chợt quặn lại vì nghĩ đến mẹ tôi trước đây cũng lụi hụi ở dưới bếp đếm từng đồng hào giấy tiền bán khế cho các trẻ con. Nhã đi “móc” (len) thuê, mỗi tháng được chừng 40 đ.

Thế là ta biết, điều cuối cùng ông ghi lại trong đời mình là về công việc cho một tạp chí văn chương ở Hải Phòng và mẹ. Với Hải Phòng, mảnh đất linh hồn, ông trở về để ra đi và viết được nhiều hơn. Với mẹ, ông cũng trở về, và lần trở về trong tâm tưởng này là lần trở về mãi mãi…

Nhà văn Nguyên Hồng ôm hôn người bên cạnh khi đội bóng mình thắng

Khi Nguyên Hồng xem bóng đá, tình huống gay cấn ông đứng lên hò hét, gặp pha hay thì mở cút rượu tự khà thỏa mãn, sẵn sàng ôm hôn người xa lạ bên cạnh khi đội mình thắng.


Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm