Những chiếc đồng hồ được vẽ theo phong cách siêu thực của Dali. Ảnh: Geralt. |
Trong cuộc sống có một hiện tượng kỳ lạ rằng: Khi đồng hồ báo thức sắp kêu, bạn chợt tỉnh dậy nhưng nhìn thời gian vẫn còn hai phút nữa, vì vậy bạn muốn chợp mắt thêm hai phút ngắn ngủi này. Bạn tắt báo thức và nằm lên giường một cách thoải mái. Tuy nhiên, khi bạn mở mắt ra lần nữa, nửa tiếng bất giác trôi qua khiến tất cả kế hoạch mà bạn dày công chuẩn bị đều tan thành mây khói. Tóm lại, thời gian nhanh hay chậm phụ thuộc vào ý thức chủ quan của con người và việc đo lường thời gian một cách chủ quan cũng chứa đầy bất trắc.
Sau khi trưởng thành, con người ta luôn cảm thấy bước đi của thời gian ngày càng trở nên nhanh hơn. So với thời thơ ấu, thời gian một năm, thậm chí là ba năm thường trôi qua trong chớp mắt.
Tại sao lại có cảm giác này chứ? Có cách giải thích khoa học nào không? Hiện nay, các nhà khoa học đã giải thích hiện tượng này bằng ba loại lý luận sau:
Lý luận 1: Điều này dựa trên những thay đổi sinh lý của con người
Lý thuyết cho rằng, khi con người ta già đi, đồng hồ não bộ của họ sẽ chậm lại và cảm giác thời gian trôi nhanh hơn.
Lý luận 2: Cảm giác "tương đối về thời gian"
Lý thuyết cho rằng, khi càng lớn tuổi, tỷ lệ khoảng thời gian còn lại trong cuộc đời bạn sẽ càng nhỏ, và do đó cảm giác tương đối về thời gian cũng ngày càng ngắn. Ví dụ, đối với một đứa bé năm tuổi, thời gian một năm sẽ bằng 1/5 cuộc đời mà đứa bé đã sống. Nhưng đối với người trưởng thành 50 tuổi, thời gian một năm chỉ bằng một 1/50 cuộc đời đã sống. Vậy nên, họ mới cảm giác thời gian một năm ngắn hơn một đứa trẻ.
Lý luận 3: Lý thuyết "thời gian được ghi nhớ"
Nhà tâm lý học người Mỹ William James cho rằng mọi người đã quen với việc sử dụng "lần đầu tiên" để đo lường thời gian, chẳng hạn như ngày đầu tiên đi học, nụ hôn đầu tiên... Các nhà tâm lý học Nhật Bản đã mở rộng lý thuyết này, lập luận rằng mọi người sử dụng số lượng sự kiện mà họ nhớ được trong một khoảng thời gian để đo tốc độ thời gian trôi qua.
Điều này giải thích cho vấn đề "thời gian trôi nhanh hơn theo tuổi tác": Khi còn nhỏ, chúng ta cảm thấy mọi thứ đều mới lạ và bộ não thường phát ra "lệnh bộ nhớ", vì vậy sẽ có cảm giác như thời gian trôi rất chậm. Theo quá trình trưởng thành, đặc biệt là khi già đi, chúng ta đã trải qua rất nhiều điều trong cuộc sống, thiếu đi những thứ mới mẻ, cho nên chúng ta sẽ cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn.