Vì sao thật khó để hiểu về trầm cảm?
Vì nó vô hình.
Nó không đơn giản là “cảm thấy hơi buồn”.
Nếu nói thế là nhầm từ rồi. Từ “trầm cảm” khiến tôi nghĩ đến một chiếc lốp xe bị xì hết hơi, một thứ gì đó xẹp lép và nằm ì ra đó. Nếu trầm cảm mà không có thêm lo âu thì có khi trông sẽ giống như thế, nhưng trầm cảm kèm theo sợ hãi thì không phải thứ gì nhăn nhúm hết hơi hay bất động.
Sách Những điều giữ ta còn sống. |
(Nhà thơ Melissa Broder từng đăng trên Twitter như sau: “Kẻ ngớ ngẩn nào lại gọi nó là ‘trầm cảm’ mà không phải là ‘hàng trăm con dơi đang sống trong lồng ngực tôi và chúng khá là đông đúc đấy, P.S: Tôi thấy cả một bóng đen kìa’?”) Vào những lúc tệ nhất, bạn thấy mình ước ao trong vô vọng được chịu đựng một nỗi đau khác - bất kỳ cơn đau thể xác nào; bởi không như xác thịt, tâm trí không tồn tại giới hạn, và sự hành hạ về tinh thần - khi xảy đến - cũng trở nên vô hạn.
Bạn có thể có lúc hạnh phúc khi là một người trầm cảm, cũng như một kẻ nghiện rượu vẫn có lúc tỉnh táo. Cơn trầm cảm không phải lúc nào cũng có nguyên nhân nhãn tiền. Nó có thể nhắm đến bất kỳ ai - triệu phú, người có mái tóc đẹp, người có hôn nhân hạnh phúc, người vừa được thăng chức, người vừa biết nhảy tap dance vừa làm được mấy trò ảo thuật với bài tây và còn chơi được cả guitar, người có lỗ chân lông hơi dễ nhìn thấy một tẹo, người thường phô diễn hạnh phúc trên mạng xã hội - những người mà, nếu nhìn từ bên ngoài, chẳng có lý do gì để mà khốn khổ.
Đây vẫn là điều bí ẩn, ngay cả với những người đang phải chịu đựng cơn đau này.
Nếu bạn từng tin rằng một người trầm cảm muốn được hạnh phúc thì bạn đã nhầm to rồi. Họ thậm chí chẳng buồn quan tâm đến một điều xa xỉ như hạnh phúc. Họ chỉ muốn được thấy nỗi đau biến mất. Để trốn chạy một tâm trí đang bị thiêu đốt, nơi những ý nghĩ bùng cháy và bốc khói hệt như những món đồ cũ bị thiêu rụi. Để được bình thường. Hoặc, nếu như bình thường là bất khả thi, thì họ cũng mong được trống rỗng. Và cách duy nhất cho tôi sự trống rỗng ấy là phải ngừng sống. Một trừ một bằng không.
Tác giả Matt Haig - người kể lại quá trình chiến đấu và vượt qua trầm cảm trong cuốn sách. |
Nhưng thực ra điều ấy không hề đơn giản. Điều kỳ quặc về trầm cảm ấy là, dù ý nghĩ tự tử trong bạn xuất hiện nhiều thêm, nỗi sợ cái chết vẫn còn vẹn nguyên. Khác biệt duy nhất là nỗi đau phải sống sẽ nhanh chóng được giảm thiểu. Thế nên khi nghe được chuyện ai đó tự kết liễu đời họ, quan trọng là bạn hãy hiểu cho, họ không bớt sợ chết hơn khi làm thế đâu. Đó không phải một “lựa chọn” về mặt đạo đức. Xem xét chuyện này dựa trên khía cạnh đạo đức thôi đã là hiểu nhầm rồi.
Điều người ta nói với người trầm cảm mà không nói trong những tình cảnh tương tự
“Thôi đi, tôi biết cậu bị lao phổi, nhưng thế là còn may đấy. Ít nhất thì cũng không chết được đâu”.
“Tại sao cô cứ nghĩ là cô bị ung thư dạ dày chứ?”
“Ừ, tớ biết mà, ung thư trực tràng thì khổ lắm, nhưng đằng ấy còn muốn thử sống chung với người bị bệnh đấy cơ à. Xìi. Ác mộng”.
“Ồ, anh vừa nhắc đến Alzheimer à? Ôi, tưởng gì, tôi bị suốt".
“À, viêm màng não à. Thôi nào, sướng khổ tại tâm mà".
“Được rồi, được rồi, chân anh thì lúc nào chẳng cháy, nhưng cứ nói hoài về chuyện đó suốt ngày thì cũng chẳng ích gì, phải không?”
“Được rồi. Ừ. Ừ. Tôi biết là lúc anh nhảy thì dù không bung ra được. Nhưng cứ ngẩng cao đầu sống đi nào”.