Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao người Sài Gòn không còn bán da cọp, dơi huyết, nhổ răng dạo?

Không còn ai lang thang bán da thú rừng như da cọp, da beo. Không ai bán con dơi huyết, cắt tiết tại chỗ lấy máu ngâm rượu. Không còn người nhổ răng dạo, hàng phở gánh cũng không.

Sài Gòn là đất buôn bán nhộn nhịp từ lâu đời với trăm phương nghìn kế giao thương. Cùng sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, xã hội, nhiều cách buôn bán mới ra đời, bên cạnh đó, có nhiều kiểu bán hàng cũng đã tuyệt tích trên mảnh đất Sài Gòn. Nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận đã điểm lại những kiểu bán hàng rong xưa nay đã tuyệt tích trong cuốn Những bức tranh phù thế.

Nhung kieu ban hang rong da tuyet tich anh 1
Sách Những bức tranh phù thế của Phạm Công Luận.

Tác giả sách khi xem những bưu thiếp xưa đã phát hiện nhiều kiểu bán hàng rong trước đây phổ biến ở Sài Gòn, giờ đã không còn. “Không còn ai lang thang bán da thú rừng như da cọp, da beo. Không ai bán con dơi huyết, cắt tiết tại chỗ để lấy máu ngâm rượu. Không còn người đi nhổ răng dạo, chụp ảnh dạo trong các khu xóm. Thầy bói dạo coi chỉ tay đã rất lâu không thấy. Hàng phở gánh cũng không. Se lông mặt cũng không”.

Phạm Công Luận miêu tả lại một số nghề độc đáo nay đã không còn. Ví dụ như nghề “bán bánh ca cổ bản”. Nghề này phổ biến những năm 1930, người bán vừa hát một bài ca cổ vừa bán bánh. Những người hành nghề thường đi theo nhóm, chứ không bán riêng lẻ. Phạm Công Luận dẫn lại một số chi tiết về nghề theo bài viết “Cách sinh hoạt của hạng bình dân” của Lê Trung Nghĩa đăng trên báo Tân Văn ra ngày 28/3/1936.

Theo đó, một nhóm trai trẻ mặc “áo cụt vải trắng, quần vải đen, đầu đội nón lá Huế, tay bưng một cái hộp bằng giấy cứng”. Họ đi trên các đường phố, con hẻm, đến mỗi nhà, dạn dĩ bước vào trong. Một người sẽ hát bài ca cổ, phía sau có người gảy đàn đệm theo bài ca.

Một hoặc hai người đi theo mở hộp lấy ra hai phong bánh đặt trên bàn và mời chủ nhà mua. Phần lớn chủ nhà nghe tiếng đàn ca xôm tụ cũng vui lòng mua giùm một vài phong bánh. Nếu ai mua hai phong, nhóm rong này sẽ ca trọn bài.

Hàng bán phở hay hủ tíu rong trước đây thịnh hành. Trước kia, nghề này của người Hoa, đến giữa thập niên 1930 có nhiều người học theo, lập gánh mì hoặc gánh phở tíu thịt bò tái, hủ tíu thịt gà và cháo vịt đi bán dạo. Nếu muốn có một chiếc xe bán dạo, phải bỏ ra vài ba chục đồng tiền thời đó mới đủ, bỏ tiền mua sắm vật liệu, đóng tiền chỗ mỗi ngày.

Thời đó, người Việt cũng mang thùng thiếc đựng đậu phộng rang đi bán dạo khắp nẻo. Có người bán bánh mì thịt nguội, bán kim chỉ, móc tai, nhíp… 

Nhung kieu ban hang rong da tuyet tich anh 2
Hình ảnh gánh hàng trên phố trong tranh Marcelino Trương. 

Những năm 1930, người bán rong nhiều, tạo nên không khí phấn chấn. Theo tác giả Nguyễn Văn Mym viết trên báo Phụ Nữ tân văn số ra năm 1933, trước đó nghề rong trong tay người Hoa, sau đó, người Việt tham gia nhiều vào nghề này để kiếm thêm thu nhập. Vì thế, trong sự sinh hoạt khó khăn của khủng hoàng kinh tế chung thời ấy, đường phố đâu đâu cũng có vẻ hoạt động hăng hái.

“Anh bán bánh mì ngày nào cũng rao: ‘Bánh mì Annam! Mới ra lò! Bánh mì Annam của Annam làm. Xu nhỏ một ổ’. Anh bán kẹo kéo thì rao: ‘Kẹo kéo dẻo, kéo hoài càng dẻo!’ Anh bán dầu thì ca Hành vân vọng cổ”…

Người Hoa bán hàng rong luôn rao những câu chào món hàng đặc sản của mình, kèm theo các âm thanh gây chú ý. Người bán trái cây ngâm cam thảo (lẻng kẻng) thì kéo đàn cò; người bán bánh tay đập thùng bánh, miệng thổi kèn điệu diễu binh; người bán lạp xưởng cất tiếng rao: “Lạp xưởng, lạp xưởng, lạp xưởng! Xu nhỏ một cái, xu nhỏ hai cái”.

Nghề bán rong trên đất Sài Gòn được một nhà báo của Hà Thành Ngọ báo phản ánh trên số ra năm 1933: Nam kỳ lúc ấy có nhiều tiệm buôn bán của người Hoa với nhân viên người Hoa nhưng những người bán hàng rong, dù Hoa hay Việt đều đồng thanh rao bằng tiếng Việt.

Sài Gòn và những thăng trầm, biến động của thời cuộc

“Những bức tranh phù thế” là cuốn tản văn mới nhất của Phạm Công Luận cho thấy chiều sâu văn hóa của một địa danh được mệnh danh là “thành phố trẻ”.



Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm