Sau khi chiến hạm Moskva của Nga bị chìm, một số đồn đoán dấy lên về việc Nga có thể tính gửi thêm tàu chiến từ Địa Trung Hải tới biển Đen để bổ sung lực lượng.
Dù vậy, để thực hiện điều này, Nga sẽ phải nhận được sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia án ngữ lối ra vào duy nhất của biển Đen. Trong khi đó, bản thân Ankara cũng không thể tự ý hành động mà cần tuân thủ các điều khoản của Công ước Montreux về chế độ của các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ năm 1936.
Được ký kết bởi Australia, Bulgaria, Pháp, Hy Lạp, Nhật Bản, Romania, Nam Tư, Anh, Liên Xô và Thổ Nhĩ Kỳ năm 1936, Công ước Montreux cho Ankara quyền kiểm soát hai eo biển Bosphorus và Dardanelles - “con đường độc đạo” nối giữa biển Đen và Địa Trung Hải.
Công ước Montreux quy định gì?
Bốn điều khoản chủ yếu của Công ước Montreux mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể áp dụng bao gồm:
1. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa eo biển với tàu chiến của các nước tham gia chiến tranh, hoặc khi Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến, hoặc khi nước này bị đe dọa bởi hành vi xâm lược từ quốc gia khác.
2. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng cửa eo biển với thương thuyền của các nước tham chiến chống lại nước này.
3. Mọi quốc gia ven bờ biển Đen - Romania, Bulgaria, Gruzia, Nga hay Ukraine - phải thông báo trước 8 ngày cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu muốn đưa tàu chiến qua eo biển. Các quốc gia khác phải thông báo trước 15 ngày.
Chỉ các nước giáp biển Đen có quyền đưa tàu ngầm qua eo biển, nhưng phải báo trước. Các tàu ngầm này phải được đóng hoặc mua bên ngoài biển Đen.
4. Tối đa 9 tàu chiến được phép qua các eo biển trong một thời điểm. Công ước cũng đặt ra giới hạn tải trọng 15.000 tấn với các nhóm tàu qua eo biển. Theo quy định của Thổ Nhĩ Kỳ, tàu sân bay không được phép đi qua.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nói và làm gì?
Một vài ngày sau khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, Ankara chính thức kích hoạt Công ước Montreux và tuyên bố “không để nước nào cử tàu chiến qua các eo biển”.
“Chúng tôi đã cảnh báo tất cả quốc gia không để tàu chiến đi qua eo biển này dù có bờ biển trên biển Đen hay không”, ông Cavusoglu nói, theo hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau gần hai tháng xung đột, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố vẫn không thay đổi lập trường về vấn đề này.
Một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ với Nikkei Asia rằng nước này sẽ không cho tàu hải quân đi qua các eo biển nếu chiến sự vẫn tiếp diễn.
“Câu trả lời rõ ràng là ‘Không’”, vị quan chức này nói khi được hỏi về việc liệu điều kiện có thay đổi hay không, nếu chiến sự tiếp tục kéo dài.
“Luật là luật, và công ước là công ước”, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói hôm 16/4. “Mọi người đã thấy chính sách mang tính nguyên tắc của chúng ta, cũng như vai trò mà chúng ta đóng góp”.
Đây không phải lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ kích hoạt Công ước Montreux. Trong Thế chiến II, Ankara từng đóng cửa eo biển với tàu chiến của mọi bên tham chiến, khiến phe phát xít không thể gửi tàu tấn công Liên Xô, trong khi Liên Xô cũng không thể đưa hải quân ra Địa Trung Hải.
Biển Đen quan trọng thế nào với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga?
Kể từ khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hôm 24/2 đến nay, Moscow chủ yếu sử dụng lực lượng trên bộ và trên không, trong khi vai trò của Hải quân Nga khá mờ nhạt.
Một đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ được đưa ra đầu tháng 4 nhận định nhiệm vụ của Hải quân Nga trong những ngày qua là đảm bảo hậu cần, thay vì tham gia các cuộc tấn công, theo USNI News.
Trước đó, đã có các báo cáo ghi nhận các tàu của Nga bắn tên lửa hành trình để phá hủy các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Hải quân Nga cũng đã phong tỏa biển Đen, khiến Ukraine bị cô lập khỏi hệ thống thương mại hàng hải toàn cầu.
Đặc biệt, nếu Moscow vẫn muốn tiến hành một cuộc tấn công vào thành phố cảng chiến lược Odessa ở Tây Nam Ukraine, hải quân sẽ đóng vai trò không thể thay thế, khi đây là phương tiện giúp Nga có thể đổ bộ từ đường biển.
Biển Đen quan trọng thế nào về chiến lược với Nga và NATO?
Dù vai trò chiến lược của biển Đen suy giảm trong mắt phương Tây sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khu vực này vẫn có vị trí chiến lược với Moscow khi đây là vùng biển sát sườn khu vực miền Nam trù phú của nước Nga.
Đối với Moscow, biển Đen là “khu vực ảnh hưởng tự nhiên” của họ. Dù vậy, Moscow thiếu đi năng lực về chính trị, kinh tế hay quân sự để đảm bảo vị thế thống trị hoàn toàn trong khu vực.
Trong khi đó, NATO dần gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. Hai quốc gia biển Đen là Romania và Bulgaria gia nhập NATO năm 2004, trong khi Ukraine và Gruzia có quan hệ đối tác với khối quân sự này.
Từ đó, vị trí của biển Đen trong mắt NATO cũng phục hồi. Theo quan điểm của khối quân sự này, biển Đen “quan trọng với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương”, được ghi trong tuyên bố hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Bucharest của Romania năm 2008.
Hai eo biển Thổ Nhĩ Kỳ án ngữ lối ra vào Biển Đen từ Địa Trung Hải. Đồ họa: Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ. |