Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao Mỹ không bồi thường chiến tranh Việt Nam?

Đàm phán về bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ thường xuyên lâm vào thế bế tắc vì nhiều vấn đề, bao gồm bồi thường chiến tranh, người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA).

Phan Doãn Nam, thư ký của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch thời kỳ Việt Nam và Mỹ đang đàm phán Hiệp định Paris, kể lại những câu chuyện liên quan quá trình bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, trong đó có vấn đề bồi thường chiến tranh và MIA.

Ông Nam kể, năm 1973, phía Việt Nam muốn nhận tiền bồi thường chiến tranh để xây dựng nhà máy thép 3 triệu tấn; phía Mỹ đồng ý thương lượng về vấn đề này, nhưng không gọi là bồi thường chiến tranh, mà là khoản đóng góp vào quá trình tái thiết Việt Nam. Phía Việt Nam lúc đầu đưa ra con số 5 tỷ USD, sau thương lượng thì rút xuống 3,25 tỷ USD.

vmn
Ông Lê Đức Thọ (trái) và ông Henry Kissinger tại Paris cuối tháng 1/1973. Ảnh: AP

Tháng 2/1973, Tổng thống Mỹ Richard Nixon gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng với nội dung Mỹ sẽ trả khoản tiền 3,25 tỷ USD. Ông Nam nói rằng, lúc đó, các nhà lãnh đạo Việt Nam đang tập trung ký cho xong Hiệp định Paris, nên không phân tích kỹ một câu gần cuối thư có nội dung hai bên sẽ thực hiện thỏa thuận ghi trong thư đúng theo hiến pháp của mỗi nước.

Theo ông Nam, chính câu này trở thành cớ để Mỹ sau đó không thực hiện cam kết trả 3,25 tỷ USD; vấn đề bồi thường nếu đưa ra Quốc hội Mỹ chắc chắn không được thông qua vì Quốc hội Mỹ hồi đó chống đối Việt Nam. Báo chí Mỹ về sau đưa tin, tác giả của câu đó chính là ông Henry Kissinger (cố vấn của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, sau trở thành Ngoại trưởng), ông Nam nói.

Trước đó, đoàn đại diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Mỹ vẫn tư vấn cho Việt Nam cách chia nhỏ nhà máy thép công suất lớn thành nhiều nhà máy công suất nhỏ để tránh bị Quốc hội Mỹ gạt bỏ nếu cho rằng Việt Nam sản xuất nhiều thép để tiếp tục chiến tranh. Đoàn của USAID còn đưa ra yêu cầu tiền bồi thường phải được dùng để mua hàng của Mỹ và vận chuyển bằng tàu Mỹ, chứ không được trả bằng tiền mặt. Sau mấy tháng làm việc và tư vấn cho Việt Nam, đoàn này về nước và không hồi âm gì, ông Nam kể.

Ông Nam nói rằng, sau đó, Việt Nam mới nhận ra Mỹ chỉ muốn thăm dò xem nước ta có thực sự muốn xây dựng lại đất nước hay tiếp tục chiến tranh. Nhân có dòng chữ cuối thư mà phía Mỹ không đề cập chuyện viện trợ 3,25 tỷ USD nữa. Năm 1975, Mỹ cho rằng Việt Nam không thi hành Hiệp định Paris nên cũng không thực hiện cam kết của họ, trong đó có khoản bồi thường chiến tranh, ông Nam nói. Những cuộc đàm phán sau đó về bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ bế tắc vì nhiều vấn đề, trong đó có bồi thường chiến tranh, MIA… Thời gian đó, Mỹ luôn cho rằng, Việt Nam giữ lại hài cốt lính Mỹ và giấu tù binh Mỹ. Từ năm 1977 đến 1978, Việt Nam có ba cuộc thương lượng với Mỹ về bình thường hóa quan hệ, nhưng đều bế tắc vì hai vấn đề này, ông Nam kể. Sau đó, các cuộc đàm phán còn bị ảnh hưởng khi Trung Quốc chủ động thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ông nói. Tổng thống Mỹ Jimmy Carter hồi đó không chống Việt Nam, nhưng cho rằng thời cơ đến thì bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trước, sau đó với Việt Nam.

Về vấn đề MIA, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết vấn đề tìm kiếm, trao trả nhiều hài cốt cho Mỹ. Phía Việt Nam phải trải qua nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí thương vong trong quá trình đi tìm hài cốt lính Mỹ. Ông Nam kể rằng, một người bạn ông làm việc ở Bộ Ngoại giao đã tử nạn khi có mặt trên chiếc máy bay bị nổ trên đường đi tìm hài cốt Mỹ. Năm 1989, vợ chồng Tổng thống Mỹ Bill Clinton sang Việt Nam được mời ra tận thực địa để chứng kiến việc tìm kiếm hài cốt lính Mỹ khó khăn như thế nào. Ông Nam kể, phía ta nói với phía Mỹ rằng, Việt Nam còn có hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu chiến sĩ hy sinh trong chiến tranh chưa nhận dạng được, chưa biết mồ mả ở đâu; phía Mỹ dần dần hiểu ra rằng Việt Nam cũng đau lắm. Đến năm 1989, Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia, xóa bỏ trở ngại cuối cùng trong tiến trình đàm phán. Đại sứ Mỹ lúc đó tuyên bố sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Henry Kissinger: Chúng tôi kính phục các ông

Ông Nam nói rằng, trong quá trình đàm phán bình thường hóa quan hệ, thái độ của phía Việt Nam rất nghiêm túc, biết “đánh đúng chỗ họ cần”, và được phía Mỹ đánh giá cao. Là người tham gia quá trình đàm phán Hiệp định Paris, ông Nam kể lại câu chuyện sau 5 năm đàm phán ở Paris, buổi cuối cùng vào tháng 1/1973, đoàn Việt Nam mời cơm thân mật đoàn Mỹ. Ông Lê Đức Thọ trong bữa đó đã hỏi ông Henry Kissinger nghĩ sao về đoàn Việt Nam. “Không phải là người thân Việt Nam, nhưng Kissinger đã nói rằng, chuyện các ông chiến đấu oanh liệt là không ai chối cãi. Nhưng nếu các ông chỉ gan dạ, anh dũng thì chúng tôi cũng dễ đối phó. Nhưng đằng này các ông còn rất khôn ngoan, mưu lược, nên 5 năm nay chúng tôi phải đấu với các ông không phải dễ. Chúng tôi rất kính phục các ông”, ông Nam kể.

Sau khi ký Hiệp định Paris, Mỹ vẫn không đồng ý Việt Nam vào Liên Hợp Quốc, nhưng Tổng thống Nixon nói rằng, Mỹ sẽ không bao giờ xem Việt Nam là kẻ thù, và trong thời gian chưa bình thường hóa quan hệ, sẽ không công nhận bất kỳ chính phủ lưu vong nào chống lại chính phủ Việt Nam, ông Nam cho biết.

Ông Nam cho rằng, Việt Nam và Mỹ từng có nhiều cơ hội để có thể “chơi” với nhau từ rất sớm. Ông kể, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã tổ chức năm cuộc hội thảo tại Việt Nam và một hội thảo ở Ý để tìm ra trong quan hệ Việt - Mỹ có cơ hội nào bị bỏ lỡ. Sau khi Việt Nam độc lập, Bác Hồ gửi thư cho Tổng thống Mỹ Harry Truman. Chiến tranh Lạnh khi đó chưa đến, và Tổng thống Truman vẫn nói ủng hộ quyền tự quyết của các dân tộc. Bác Hồ tin tưởng như vậy nên mới gửi thư cho Tổng thống Truman, nhưng ông này không trả lời, ông Nam kể. Bản thân ông McNamara ít nhất 7 lần đề nghị chính phủ Mỹ đàm phán, nhưng cũng bị bỏ qua…

http://www.tienphong.vn/the-gioi/tai-sao-my-khong-boi-thuong-chien-tranh-viet-nam-883031.tpo

Theo Trúc Quỳnh/ Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm