Vào ngày 24/5, quân đội Mali đã bắt giữ Tổng thống Bah Ndaw, Thủ tướng Moctar Ouane và Bộ trưởng Quốc phòng Souleymane Doucoure của chính phủ lâm thời. Người lãnh đạo đảo chính lại là đại tá Assimi Goita, cũng là người tiến hành cuộc đảo chính 9 tháng trước.
Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Mali công bố chính phủ mới gồm 25 thành viên. Theo nội các mới này, quân đội vẫn nắm giữ các vị trí bộ trưởng tại những cơ quan chiến lược như quốc phòng, an ninh, quản lý lãnh thổ và hòa giải quốc gia, nhưng lại bỏ ra ngoài hai người thân cận với ông Goita, theo Al Jazeera.
Đại tá Assimi Goita phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 60 năm độc lập của Mali tại Bamako. Ảnh: AFP. |
Các quan chức trên đều bị đưa đến một căn cứ quân sự ở Kati, gần thủ đô Bamako. Theo lời các quan chức Mali, nguyên nhân của cuộc đảo chính lần này là do sự bất mãn của các binh sĩ đối với việc cải tổ chính phủ.
Đây là cuộc đảo chính thứ ba trong vòng 10 năm tại quốc gia Tây Phi này. Quốc gia này cũng đã chìm trong một cuộc nội chiến khi người Tuareg ở phía Bắc nổi dậy đòi ly khai khỏi lãnh thổ Mali.
Đại tá Assimi Goita tuyên bố ông sẽ nắm quyền sau khi hai nhà lãnh đạo lâm thời bị bắt giữ.
Quân đội không hài lòng với cải tổ
Vài giờ trước vụ bắt giữ hôm 24/5, chính phủ chuyển tiếp đã tìm cách giảm bớt sự bất mãn của công chúng bằng cách tuyên bố cải tổ.
Hai người thân cận với ông Goita nhưng bị "bỏ ra ngoài" là Đại tá Sadio Camara, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, và Đại tá Modibo Kone, cựu Bộ trưởng An ninh và Bảo vệ Dân sự. Đây là hai nhân vật "đầu não" trong vụ binh biến lật đổ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita ngày 18/8/2020, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đại tá Assimi Goita. Ông Goita là phó tổng thống lâm thời và được mệnh danh là "người đàn ông quyền lực của Mali".
Hai sĩ quan trên đã bị loại khỏi nội các, thay vào đó là chuẩn tướng Souleymane Doucoure và thiếu tướng Mamadou Lamine Ballo.
Assimi Goita và Tổng thống Bah Ndaw trong cuộc họp với ECOWAS. Ảnh: Reuters. |
Đại tá Goita cáo buộc ông Ndaw và Ouane tìm cách "phá hoại quá trình chuyển giao quyền lực" sau cuộc đảo chính tháng 8/2020. Hai lãnh đạo chính phủ lâm thời đều không tham vấn ông trước khi quyết định cải tổ nội các vào hôm 24/5.
"Tổng thống và thủ tướng đã vi phạm điều khoản quan trọng nhất trong Điều lệ chuyển giao quyền lực khi bổ nhiệm các vị trí bộ trưởng cho chính quyền mới mà không tham vấn phó tổng thống. Do vậy, chúng tôi phải có biện pháp để bảo vệ quá trình chuyển giao quyền lực", ông Goita nói.
Ông cũng tuyên bố tiến trình chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra theo kế hoạch ban đầu và cuộc bầu cử mới sẽ diễn ra vào năm 2022.
Theo Andrew Lebovich, một thành viên chính sách tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, tất cả mọi vấn đề đều bắt đầu bởi quyết định cải tổ chính phủ.
"(Bộ trưởng về quốc phòng và an ninh nội bộ) là hai vị trí vô cùng nhạy cảm trong chính quyền Mali", Lebovich nói.
Christian Klatt, đại diện quốc gia của Quỹ Friedrich-Ebert ở thủ đô Bamako, đồng ý với ông Lebovich rằng cuộc cải tổ đã khiến các thành viên của chính quyền trước đó phản đối.
"Mặc dù danh sách mới có cùng số lượng quân nhân đảm nhiệm 4 bộ trưởng, tuy nhiên hai trong số các bộ trưởng được đề xuất không có bất kỳ liên quan gì với chính quyền cũ", Christian Klatt nói.
“Rất có thể quân đội cảm thấy bị đe dọa bởi các chính trị gia", Susanna Wing, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Haverford, cũng nhận định.
Cải tổ "lấy lòng" dân nhưng bất thành
Cuộc cải tổ nhạy cảm cũng nhằm mục đích kéo dài thời gian và hạn chế áp lực của công chúng. Chính quyền Mali phải đối mặt với việc tuân thủ các cải cách trong thời hạn 18 tháng như đã hứa.
Tổng thống Bah Ndaw và Thủ tướng Moctar Ouane muốn đưa các tướng lĩnh trung lập hơn và các thành viên đối lập vào chính quyền mới. Họ muốn xoa dịu những người phản đối và hy vọng tạo được thế cân bằng với các sĩ quan quân đội bên trong nội các.
Người dân ăn mừng sau cuộc đảo chính năm 2020. Ảnh: Al Jazeera. |
Ông Klatt nhận xét: "Trong tháng qua, chúng tôi đã thấy sự thiếu hài lòng của người dân đối với chính phủ chuyển tiếp".
Tình hình ở Mali đã biến động ngay cả trước khi quân đội giam giữ lãnh đạo dân sự của đất nước.
Vào ngày 24/5, Liên minh công nhân quốc gia Mali (UNTM), liên minh lớn nhất đất nước, đã kêu gọi người dân tiếp tục các cuộc đình công. Điều này xảy ra sau khi cuộc đàm phán giữa công đoàn và chính phủ không đạt được bất cứ kết quả khả quan nào, theo TRT World.
Các cuộc đình công đã làm tê liệt các dịch vụ công cộng của thủ đô Bamako.
Ngoài ra, phong trào M5 đối lập trong tháng 5 đã kêu gọi giải tán chính phủ lâm thời và yêu cầu một cơ quan hành pháp "hợp pháp hơn". Phòng trào này từng dẫn đầu các cuộc biểu tình chống lại cựu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita vào năm 2020.
Trở lại vạch xuất phát
Một cuộc nổi dậy đã giúp lật đổ Tổng thống Amadou Toumani Toure vào năm 2012. Kể từ đó, Mali thường xuyên nằm trong tình trạng hỗn loạn. Sự ra đi của Toure đã thúc đẩy một cuộc nổi dậy của người Tuareg.
Các lực lượng Pháp đã đánh bại các nhóm vũ trang vào năm 2013. Tuy nhiên, người Tuareg đã tập hợp lại và thực tấn công thường xuyên vào quân đội và thường dân.
Tháng 8/2020, các sĩ quan quân đội do đại tá Goita lãnh đạo tiếp tục lật đổ Tổng thống đương thời Ibrahim Boubacar Keita. Ông Keita đã nắm quyền lãnh đạo Mali từ năm 2013.
Cuộc biểu tình của người dân Mali yêu cầu Tổng thống Keita từ chức năm 2020. Ảnh: Reuters. |
Những người lính đã nắm quyền kiểm soát thủ đô Bamako sau nhiều tuần biểu tình chống lại chính phủ lan rộng khắp cả nước. Người dân vô cùng bất mãn với ông Keita bởi chính phủ đã không xử lý vấn đề tham nhũng và giải quyết các cuộc xung đột của người Tuareg.
Khi bị đe dọa bởi các cơ quan khu vực và quốc tế, chính quyền quân sự đã trao quyền lực cho một chính phủ chuyển tiếp. Bah Ndaw, một cựu sĩ quan quân đội, được bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời. Lãnh đạo đảo chính Goita được bổ nhiệm làm phó tổng thống.
Chính phủ chuyển tiếp được giao nhiệm vụ tổ chức bầu cử vào năm 2022 để khôi phục chính phủ dân chủ trong nước.
Với cuộc đảo chính vừa diễn ra, Mali dường như đang trở lại vạch xuất phát. Đất nước đã vật lộn trong vô số cuộc khủng hoảng lại rơi vào một cuộc khủng hoảng khác.
Câu hỏi đặt ra là liệu quân đội có kế hoạch buông bỏ sức mạnh khi kết thúc quá trình chuyển tiếp hay không.
Với việc cải tổ chính phủ, quân đội "cảm thấy như họ đang bị gạt sang một bên", ông Klatt cho biết.