Theo Conversation, nền tảng TikTok hiện cho phép đăng tải video dài tới 10 phút, nhưng các cuộc khảo sát của họ cũng cho thấy gần một nửa người dùng bị căng thẳng bởi các đoạn video dài hơn 1 phút. Một đoạn video trên Instagram cũng có thể dài tới 90 giây, nhưng các chuyên gia cho rằng thời gian lý tưởng để tối đa hóa mức độ tương tác là dưới 15 giây. Twitter đã tăng gấp đôi độ dài của các tweet trong năm 2017 lên 280 ký tự, nhưng độ dài thông thường chỉ khoảng 33 ký tự.
Thông thường, người dùng rất dễ bị cuốn vào nội dung ngắn và giật gân. Tuy nhiên, điều này cũng có thể có tác dụng không tốt tới sức khỏe tinh thần của người xem. Việc có quá nhiều thứ thu hút sự chú ý sẽ khiến người dùng trở nên căng thẳng hơn.
Và các chuyên gia cho rằng để có sức khỏe tinh thần tốt hơn, hãy đọc một cuốn sách. Các nghiên cứu đã rút ra một loạt lợi ích tâm lý từ việc đọc sách. Đọc tiểu thuyết có thể tăng khả năng đồng cảm khi nhìn thế giới thông qua một nhân vật đáng tin cậy. Đọc sách cũng được chứng minh là có tác dụng giảm căng thẳng hiệu quả như yoga. Sách cũng được kê là một toa thuốc cho bệnh trầm cảm trong liệu pháp thư tịch.
Đọc sách giúp trẻ vị thành niên phát triển trí tò mò. Ảnh: Shutterstock. |
Đọc sách cũng sẽ kích thích trí tò mò - một phẩm chất được nhiều nhà tuyển dụng như Google đánh giá cao. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy việc đọc có mối liên hệ mật thiết với trí tò mò và sự quan tâm đến khoa học, đặc biệt đọc sách cũng có tác dụng lớn với phát triển năng lực toán học.
Đọc sách tốt hơn lướt mạng xã hội
Các chuyên gia đã tiến hành một cuộc khảo sát giới trẻ ở Australia, theo dõi sự trưởng thành của thanh niên Australia từ 15 đến 25 tuổi. Các nhà nghiên cứu đưa ra rất nhiều câu hỏi về việc đọc sách như thời gian đọc để giải trí, đọc báo hoặc tạp chí và việc sử dụng thư viện.
Để đo lường sự tò mò của ứng viên, nhiều câu hỏi về sở thích của thanh niên được đưa ra như: Họ có thích học những thứ mới, suy nghĩ về lý do thế giới ở trong tình trạng như vậy, tìm hiểu thêm về những điều bản thân không hiểu, tìm hiểu về một ý tưởng mới hay đi tìm câu trả lời về cách hoạt động của một cái gì đó. Từ việc phân tích những kết quả này, các chuyên gia thấy rằng đọc sách giúp phát triển trí tò mò.
Có thể thấy tỉ lệ giới trẻ hiện nay sử dụng mạng xã hội rất nhiều. Vậy có quá muộn để xây dựng thói quen đọc sách khi ngày càng lớn tuổi hơn. Theo nghiên cứu trên, bất kể ở độ tuổi nào, đọc sách lâu đều có lợi hơn so với việc lướt mạng xã hội.
Cảm giác thích thú khi lướt mạng xã hội khiến tinh thần nhanh mỏi mệt hơn là giúp nâng cao sức khỏe tinh thần. Vùng não cảm xúc (limbic) sẽ bị mắc kẹt trong vòng xoáy tìm kiếm niềm vui trên mạng xã hội.
Nhiều nghiên cứu cũng đã cho thấy mối tương quan lớn giữa các phương tiện đa nhiệm và những vấn đề về suy giảm khả năng chú ý do quá tải nhận thức. Hiệu ứng này thể hiện rõ nhất ở những người trẻ tuổi, những người lớn lên với việc tiếp xúc quá nhiều với mạng xã hội.
Nhà tâm lý học xã hội Mỹ Jonathan Haidt là một trong số các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng việc sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội là nguyên nhân chính làm suy giảm sức khỏe tinh thần của các bé gái vị thành niên. Kết quả của các bé trai cũng không tốt nhưng tỷ lệ trầm cảm và lo lắng của các em nam không cao bằng nữ và mức tăng kể từ năm 2011 cũng thấp hơn.
Tâm lý học đã chứng minh được tính gây nghiện của mạng xã hội. Ảnh: The Conversation. |
Instagram được thành lập vào năm 2010. Sau đó, iPhone 4 cũng được phát hành - điện thoại thông minh đầu tiên có camera phía trước. Vào năm 2012, Facebook đã mua Instagram và đó là năm cơ sở người dùng của ông lớn mạng xã hội này bùng nổ. Đến năm 2015, việc các bé gái 12 tuổi dành hàng giờ mỗi ngày để chụp ảnh tự sướng, chỉnh sửa ảnh tự chụp và đăng chúng cho bạn bè, kẻ thù và người lạ bình luận đã trở nên bình thường. Các bé gái cũng dành hàng giờ mỗi ngày để lướt xem ảnh của người khác. Số lượng người dùng là các em gái và những nữ minh tinh giàu có với thân hình và cuộc sống nóng bỏng dường như gia tăng hơn rất nhiều.
Vào năm 2020, Haidt đã công bố nghiên cứu cho thấy các bé gái dễ mắc hội chứng “sợ bỏ lỡ” hơn (bé trai) và dễ chịu ảnh hưởng hơn từ sự gây hấn - điều thường được mạng xã hội khuếch đại. Có thể thấy các phương tiện truyền thông xã hội được phát triển kèm theo tính gây nghiện cho người dùng.
Ví dụ: với TikTok, các video bắt đầu tự động chạy dựa trên những gì thuật toán đã biết. TikTok không chỉ xác thực sở thích của người dùng mà còn đưa ra những gợi ý tìm kiếm và xu hướng đi theo thành kiến, nhận định sai lệch của người dùng. Tuy nhiên, TikTok cũng biết cách đa dạng hóa nội dung để người dùng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đây cũng chính là mánh khóe khiến người chơi nghiện cờ bạc.
Mẹo để quay lại với sách
Nếu gặp khó khăn trong việc lựa chọn giữa điện thoại và sách, có một mẹo đơn giản đã được khoa học hành vi chứng minh.
Độc giả nên thử các lời khuyên: Luôn mang theo sách hoặc để sách quanh nhà ở những nơi thuận tiện; Sắp xếp thời gian đọc sách trong ngày, chỉ khoảng 20 phút là đủ; Nếu không thích một cuốn sách thì hãy thử một cuốn sách khác, không nên ép buộc bản thân.
Việc làm quen với cách làm này sẽ giúp củng cố thói quen và để độc giả có thể thường xuyên chìm vào thế giới sách. Và việc thay đổi hành vi cũng giúp thay đổi môi trường phát triển cá nhân. Lúc này, câu hỏi về đọc sách từ nhà tuyển dụng không còn làm khó được độc giả nữa.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News. Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.Trân trọng.