Bình luận
Việc câu lạc bộ (CLB) Hà Nội đề nghị cho Đỗ Hùng Dũng được hoãn triệu tập để chữa dứt điểm chấn thương cũng gần như là một việc chưa có tiền lệ.
Kể từ khi Đỗ Hùng Dũng chấn thương nghiêm trọng, rõ ràng tuyến giữa của đội tuyển Việt Nam bị suy giảm sức mạnh quá nhiều. Khó ai có thể phủ nhận được vai trò của Dũng đối với tập thể đội tuyển quốc gia và cũng khó ai có thể phủ nhận ông Park Hang-seo thực sự cần Dũng như thế nào sau khi chứng kiến đội tuyển Việt Nam đã chơi ra sao ở những trận vòng loại World Cup 2022 vừa rồi.
Cái sự cần nhau ấy dẫn đến câu chuyện triệu tập đội tuyển quốc gia lần này trở nên ồn ào. Nhiều người yêu mến Đỗ Hùng Dũng cảm thấy lo lắng thực sự, bởi chấn thương mà Dũng dính phải hồi tháng 3 là quá nặng và khó có thể hấp tấp trong quá trình hồi phục đòi hỏi nhiều cân nhắc tỉ mỉ. Họ sợ ông Park sẽ để Dũng ra sân và do đó khiến chân Dũng chưa lành lặn hẳn sẽ trở nên khó hồi phục hơn, thậm chí nói rủi có thể dẫn tới chấn thương trầm trọng.
"Nếu vội vàng, Hùng Dũng sẽ phải trả giá rất đắt"
Khoảng trống của Hùng Dũng để lại ở ĐTQG là quá lớn. Ảnh: Minh Chiến. |
Cùng lúc đó, chuyên gia y tế của CLB Hà Nội, ông Kim Kwang Jae, cũng cho biết: "Đây đang là thời điểm quan trọng nhất trong quá trình hồi phục của Dũng và nếu vội vàng, Hùng Dũng sẽ phải trả giá rất đắt".
Kèm theo khuyến cáo này là công văn chính thức của CLB Hà Nội gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam xin cho Đỗ Hùng Dũng được miễn tập trung đội tuyển quốc gia lần này và lập tức cũng được Liên đoàn chấp thuận. Đó là một sự kiện gần như chưa từng có ở đội tuyển Việt Nam và có thể nói, mọi việc đã diễn tiến rất đẹp, theo chiều hướng tích cực.
Thực tế, Dũng đã khỏe mạnh, đã có thể chơi một số trận đấu tập và giao hữu rồi. Đó là tin vui rất lớn với người hâm mộ đội tuyển Việt Nam. Nhưng ngay cả phía bộ phận y tế của PVF cũng đưa ra khuyến cáo khá tương tự với khuyến cáo của y tế CLB Hà Nội là Dũng có thể tập luyện nhưng trên nguyên tắc tăng dần khối lượng. Họ cũng có lời khuyên đại ý nếu Dũng lên đội tuyển quốc gia lần này, chỉ nên tập và tập theo lộ trình để hồi phục.
Được biết, ông Park cũng có trao đổi riêng với Dũng trước khi triệu tập và Dũng cũng sẵn sàng nhưng đồng thời làm rõ với ông Park rằng anh chưa thể đóng góp được gì. Nhưng Dũng không bao giờ là người nói ra câu từ chối lời gọi từ đội tuyển quốc gia. Những ai biết Dũng đều hiểu tính trách nhiệm của anh là như thế nào và lời từ chối khi đội tuyển quốc gia cần mình luôn là không được phép bởi chính tự lương tâm cầu thủ.
Tuy nhiên, câu hỏi “Tại sao lại là Hùng Dũng?” vẫn cần được đặt ra lúc này. Nó không chỉ quan trọng với riêng Dũng mà còn với rất nhiều tuyển thủ khác có thể rơi vào trường hợp tương tự sau này. Chính vì tầm quan trọng ấy, nó phải được lý giải rõ ràng và rạch ròi.
Tiền lệ hay từ câu chuyện của Hùng Dũng
Nhiều người vẫn nói, tự cầu thủ phải ý thức được tình trạng của mình. Đúng là chỉ có cầu thủ mới hiểu cơ thể mình khỏe hay không, đáp ứng được hay không. Song, cái hiểu ấy là cái hiểu cảm tính của bất kỳ con người bình thường nào chứ không phải cái nắm bắt sâu sắc bằng tri thức khoa học, kiến thức chuyên môn.
Và ý kiến khoa học, chuyên môn của giới chuyên gia có trách nhiệm, có tay nghề mới là thứ tham khảo quyết định nhất. Ở đây, họ chính là các chuyên gia y tế, các bác sĩ chuyên ngành nhận nhiệm vụ khám tuyển và chăm sóc hồi phục cho cầu thủ.
Và giả sử, tất cả chuyên gia đều nói “Dũng có thể đáp ứng được”, thì câu hỏi kể trên vẫn đáng được đưa ra. Từ tháng 3 tới nay, nghĩa là đã hơn 7 tháng, Dũng chưa hề chơi một trận bóng nào thực sự có tính cạnh tranh cả. Với cầu thủ “xa bóng” lâu như thế, việc lấy lại cảm giác, lấy lại phong độ rất cần thời gian.
Cầu thủ không phải một cái máy, chỉ cần thay và sửa động cơ là có thể chạy ngon lành như xưa sau 6-7 tháng phủ bụi trong nhà kho. Cầu thủ là con người. Con người chơi thể thao không chỉ cần lực mà còn cần trí và cảm. 7 tháng hồi phục chấn thương thể lý là một chuyện, hồi phục trí và cảm lại là quá trình đòi hỏi lâu dài hơn nhiều.
Hùng Dũng chưa thể trở lại đội tuyển quốc gia. Ảnh: Quang Thịnh. |
Thế thì việc gọi Dũng lên đội tuyển quốc gia mang lại lợi ích chuyên môn nào cho tuyển Việt Nam? Chỉ để tập lấy cảm giác như nhiều người bàn thì việc đó là vô ích. Thậm chí, nó còn tạo hiệu ứng tiêu cực khi gây ồn ào không cần thiết trên truyền thông. Và nó dễ gây hiểu lầm hơn nữa cho HLV Park Hang-seo khi những người tập trung sớm trước đó như Văn Hậu, Đình Trọng đều đã từng tái phát chấn thương.
Cầu thủ yêu đội tuyển là điều dĩ nhiên, nhưng không thể nào lấy cái tinh thần “xung phong” để chơi bóng được. Vì thể thao cũng đòi hỏi khoa học rất nhiều, hơn nữa nó ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh sự nghiệp của mỗi con người tham gia. Cái “xung phong” tự nguyện kiểu ào ào phi khoa học là thứ cần triệt tiêu ngay từ đầu.
Và khi CLB Hà Nội có đề nghị, đó cũng là một tiền lệ hay. Cầu thủ là tài sản quý giá của CLB, họ cần biết chăm bẵm và gìn giữ. CLB không được phép từ chối bất kỳ nghĩa vụ quốc gia nào, nhưng họ có quyền đưa ý kiến phản hồi nếu thấy chưa phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và không mang lại kết quả cụ thể nào.
Trên tất cả, nền bóng đá cần sự kế tục. Tại sao không nhìn thấy cơ hội để phát triển lực lượng kế tục (việc đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn) khi một trụ cột chưa thể quay trở lại sân cỏ như điểm tích cực mà cứ phải ám ảnh với chuyện nhất định phải có cái tên lớn này, cái tên ngôi sao kia như một sự an tâm nào đó?
Việc mở ra dư địa phát triển cho lực lượng kế cận là nhiệm vụ của những ai, có lẽ chúng ta quá rõ. Còn riêng với Hùng Dũng, mong anh sớm trở lại nhưng không thể là lúc này, khi anh thực sự chưa thể chơi bóng ở đỉnh cao và nỗi lo lắng vẫn còn treo lơ lửng.