Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tại sao dân Mỹ khó 'cai nghiện' dầu khí?

Mỹ từng nỗ lực "cai nghiện" dầu khí để bảo vệ người dân khỏi những biến động về giá cả. Tuy nhiên, nước này sau đó đã mất đi động lực khi nguồn cung tăng lên.

My kho giam phu thuoc dau khi anh 1

Hơn một thập kỷ trước, khi người Mỹ phải đối mặt với giá dầu tăng vọt, các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra một tầm nhìn để người dân ngừng phụ thuộc vào loại nhiên liệu này, chẳng hạn việc phát triển năng lượng tái tạo

“Chúng ta có một vấn đề nghiêm trọng. Nước Mỹ ‘nghiện dầu mỏ’, vốn thường được nhập khẩu từ những nơi không ổn định trên thế giới”, cựu Tổng thống George W. Bush cảnh báo trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào năm 2006.

Đó là tuyên bố mạnh mẽ đối với một tổng thống đảng Cộng hòa, vốn có mối quan hệ gần gũi với ngành kinh doanh dầu mỏ, theo New York Times.

Nỗ lực "cai nghiện dầu khí"

Phát biểu của cựu Tổng thống Bush - được đưa ra khi giá dầu tăng và chạm mức 100 USD/thùng lần đầu tiên trong lịch sử đất nước - đánh dấu sự khởi đầu của một nỗ lực lưỡng đảng nhằm “cai nghiện dầu khí”. Bên cạnh đó, nỗ lực này còn giúp bảo vệ dân Mỹ trước những cú sốc về giá của thị trường dầu mỏ thế giới.

Giới chức Mỹ lần đầu tăng tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho ôtô và xe tải. Các kế hoạch tiết kiệm dầu quốc gia cũng giành được sự ủng hộ rộng rãi trong Quốc hội, nhằm giải quyết tình trạng phụ thuộc năng lượng, cũng như mối đe dọa nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

My kho giam phu thuoc dau khi anh 2

Cựu Tổng thống Bush trong một bài phát biểu kêu gọi người dân Mỹ giảm phụ thuộc vào dầu. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, sau đó, nước này đã mất đi động lực. Sự gia tăng sản lượng dầu khí trong nước, cũng như sự tràn ngập dầu thô giá rẻ ở nước ngoài, đã mở ra kỷ nguyên của giá năng lượng thấp hơn.

Ngập tràn nhiên liệu, người Mỹ đã mua những chiếc ôtô lớn hơn và những ngôi nhà tiêu thụ nhiều dầu khí hơn. Các thành phố xây dựng nhiều đường cao tốc hơn, cũng như giảm sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Việc mở rộng khoan thêm dầu trong thập kỷ qua đã đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này lại khiến người dân Mỹ dễ bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả.

Các công ty trong ngành cho biết họ không kiểm soát được giá dầu cao, lấy lý do từ nhiều yếu tố như đại dịch Covid-19, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và “chiến dịch quân sự” của Nga tại Ukraine.

Michael Greenstone, giáo sư kinh tế học tại Viện Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago (Mỹ) nhận định rằng Mỹ vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong năng lực cung cấp và sản xuất dầu toàn cầu. Do vậy, nước này không thể ảnh hưởng nhiều đến giá trên thế giới, ông cho biết.

Dễ bị ảnh hưởng bởi cú sốc về giá

Trong thời kỳ giá dầu thấp hơn, người Mỹ thay đổi hành vi của họ, chẳng hạn mua những chiếc xe lớn và sử dụng nhiều xăng hơn. Sau đó, khi những cú sốc bất ngờ về giá xảy ra, người Mỹ sẽ dễ bị ảnh hưởng, giáo sư Greenstone nói.

Khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra và đảng Cộng hòa sử dụng giá khí đốt cao để công kích các chính sách của Tổng thống Biden, rất ít đảng viên Dân chủ đề cập đến ý tưởng cắt giảm sử dụng loại nhiên liệu này.

Dù từng hứa hẹn sẽ có những hành động mạnh mẽ để chống lại biến đổi khí hậu, ông Biden lại đang thúc giục các công ty dầu mỏ đẩy mạnh sản xuất.

“Yêu cầu người Mỹ tiêu thụ ít (năng lượng) hơn dường như là một mối đe dọa. Nhiều người cho rằng đó là mối đe dọa đối với tự do của họ”, Patrick De Haan, nhà phân tích dầu mỏ tại GasBuddy, một công ty đặt tại Boston (Mỹ), cho biết.

My kho giam phu thuoc dau khi anh 3

Dù là Mỹ là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, người dân nước này vẫn phải chịu ảnh hưởng từ những cú sốc về giá. Ảnh: Bloomberg.

Chương trình nghị sự về khí hậu của Tổng thống Biden đã cố gắng giải quyết một số vấn đề từ phía cầu. Dự luật cơ sở hạ tầng mà ông ký vào năm ngoái, trong đó có khoản đầu tư lớn nhất vào giao thông công cộng từ trước đến nay, là minh chứng cho điều đó.

Một số nhà kinh tế nhận định trên quy mô kinh tế vĩ mô, tăng cường sản xuất năng lượng trong nước giúp bảo vệ nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ khỏi những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng, chẳng hạn bằng cách tạo ra nhiều việc làm và lợi nhuận trong lĩnh vực dầu khí.

Tuy nhiên, đó là điều đó lại khiến người dân không mấy dễ chịu. Họ phụ thuộc vào loại nhiên liệu này nhiều hơn, trong khi giá của nó lại biến động theo xu hướng thế giới.

Thay vào đó, Mỹ đã dựa vào cải tiến công nghệ và hiệu suất để kiểm soát việc sử dụng năng lượng.

Chẳng hạn, từ năm 1970 đến 2018, mức tiết kiệm nhiên liệu của các phương tiện chở khách ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi đối với cả ôtô và xe tải hạng nhẹ. Xu hướng đó dự kiến được thúc đẩy, khi chính quyền ông Biden nỗ lực khôi phục các tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu nghiêm ngặt hơn.

Tuy nhiên, một số yếu tố đã làm giảm tác dụng của những cải tiến đó, Eric Masanet, nhà nghiên cứu tại Đại học California (Santa Barbara), cho biết. Người Mỹ đang mua nhiều ôtô hơn: Từ năm 1970 đến 2018, dân số Mỹ tăng 54%, nhưng tổng lượng đăng ký xe hơi và xe tải tăng 141%.

Không những vậy, việc di chuyển bằng xe cộ tiếp tục tăng, khiến Mỹ sử dụng nhiều năng lượng hơn cho mỗi hành khách và cho quãng đường di chuyển so với các quốc gia lớn khác, ông Masanet nói. Trong khi đó, lượng người sử dụng phương tiện công cộng cũng giảm từ giữa những năm 2010, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch.

Bên cạnh đó, trong khi tất cả loại phương tiện đã trở nên tiết kiệm nhiên liệu hơn, dân Mỹ lại dần chuyển sang các loại phương tiện lớn hơn và hạng nặng hơn, vốn tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn.

“Đó là một bước tiến, một bước lùi”, tiến sĩ Masanet nói.

Những ngôi nhà của người Mỹ cũng mang đến một bức tranh tương tự. Người dân Mỹ sử dụng năng lượng trong ngôi nhà của mình hiệu quả hơn nhiều so với vài thập kỷ trước, do những cải tiến trong hệ thống sưởi. Tuy nhiên, những cải tiến đó đã bị bù lại bởi sự gia tăng quy mô nhà.

Theo số liệu điều tra dân số, quy mô của một nhà riêng hiện nay lớn hơn khoảng 50% so với những ngôi nhà được xây dựng vào đầu những năm 1970.

Bên cạnh đó, đời sống dân Mỹ cũng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho biết 10% người giàu nhất thế giới chịu trách nhiệm cho khoảng 50% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Báo cáo cho biết việc tiêu dùng phô trương của những người giàu có là nguyên nhân dẫn đến một lượng lớn khí thải ở tất cả quốc gia, liên quan đến chi tiêu như du lịch, nhà lớn, phương tiện cá nhân lớn hơn,...

Nga dọa cắt khí đốt, các công ty Mỹ vẫn chần chừ khi giải cứu châu Âu

Dù giá dầu đang tăng mạnh và châu Âu muốn giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga, các công ty dầu khí của Mỹ vẫn chần chừ trong việc đẩy mạnh khai thác để tăng khả năng cung cấp.

Quốc gia hưởng lợi từ việc Mỹ cấm nhập dầu từ Nga

Lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga hồi tháng 3 buộc các công ty Mỹ phải tìm đến những nguồn cung khác, tạo cơ hội cho Ecuador vực dậy lĩnh vực dầu khí vốn đang bị đình trệ.

Vân Đinh

Theo New York Times

Bạn có thể quan tâm