Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tại sao có nhiều loại gạo người dân ăn không ngon?

Đến vụ thu, các cơ sở kinh doanh lúa giống cử người đến những cánh đồng lúa có độ đồng đều cao mua về xử lý lại thành lúa...giống, rồi bán cho nông dân.

"Kiểu làm ăn chụp giựt này ảnh hưởng không nhỏ đến nông dân cũng như những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, đã khẳng định như vậy khi trao đổi về hoạt động kinh doanh lúa giống hiện nay.

“Bỏ rơi” giống lúa chất lượng

Theo ông Hiền, tình trạng quản lý giống lúa không tốt khiến nhiều giống lúa chất lượng cao bị “chết”, chất lượng gạo VN vì thế không cải thiện, doanh nghiệp và nông dân bị vạ lây.

Ông Trầm Lền Sử (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) cho biết, từng trồng giống lúa thơm OM 4900 và jasmine, nhưng đã bỏ vì chỉ vài mùa là giống bị thoái hóa, lúa kém chất lượng, giá bán không cao. Cũng như ông Sử, nhiều nông dân ở ĐBSCL hiện đang đối mặt với tình trạng giống lúa kém chất lượng do khâu quản lý giống chưa tốt. 

Mỗi năm Viện Lúa ĐBSCL cho ra đời nhiều giống lúa mới nhưng ít được sử dụng, còn lúa chất lượng cao thì thoái hóa nhanh do Nhà nước quản lý giống chưa tốt. Trong ảnh: Viện Lúa ĐBSCL tổ chức cho nông dân xem các giống lúa được sản xuất tại đơn vị này.

Mỗi năm Viện Lúa ĐBSCL cho ra đời nhiều giống lúa mới nhưng ít được sử dụng, còn lúa chất lượng cao thì thoái hóa nhanh do Nhà nước quản lý giống chưa tốt. Trong ảnh: Viện Lúa ĐBSCL tổ chức cho nông dân xem các giống lúa được sản xuất tại đơn vị này.

Theo ông Hồ Quang Cua, Nguyên phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, nguyên nhân của hiện tượng này là do mỗi khi có một loại giống lúa tốt ra thị trường và được nhiều nông dân chọn, do lúa bán được với giá cao, nhiều cơ sở kinh doanh giống bắt đầu “trộn” các loại giống dỏm vào để bán, khiến giống lúa tốt bị thoái hóa nhanh.

Loại lúa giống ST5 là một ví dụ. Ông Cua cũng dự báo, giống lúa ST20, ST21 sẽ đi vào vết xe đổ của ST5, nếu tình trạng trên không được xử lý dứt điểm.

Theo ông Phạm Văn Dư - cục phó Cục Trồng trọt, Viện Lúa ĐBSCL liên tục cho ra đời các giống lúa mới nhưng đều bị thoái hóa, là do công tác quản lý giống chứ không phải do sâu bệnh. Đặc biệt, Nhà nước đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu các loại giống lúa chất lượng cao, nhưng những giống này “cứ xài 3-4 năm là... tiêu”.

Chẳng hạn, giống lúa thơm như OM 4900 và giống OM 5451 cũng đang bị thoái hóa. “Giống Nàng hoa biến mất sau 2-3 năm. Giống OM 4900 có lẽ cũng sẽ biến mất. Rất nhiều công ty mang bao ra ruộng mua lúa rồi về làm giống để bán lại cho nông dân”, ông Dư bức xúc.

Ông Trần Ngọc Thạch, phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết viện hiện có 220 ha để tổ chức sản xuất giống lúa với số lượng khoảng 1.600 tấn giống/năm. Tuy nhiên, các loại giống gốc, giống siêu nguyên chủng mà viện nghiên cứu ra lại tiêu thụ không hết, trở thành... lúa để ăn.

“Các doanh nghiệp sản xuất giống không muốn đặt mua vì không muốn trả tiền bản quyền, họ không mặn mà thực thi bản quyền”, ông Thạch nói. 

Theo ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các doanh nghiệp thường chỉ tập trung kinh doanh lúa gạo nhưng lại không xây dựng thương hiệu gạo bằng giống của mình. “Trong khi đó, muốn xuất khẩu gạo tốt phải đi từ khâu giống, doanh nghiệp tự đặt hàng và sản xuất chứ không chỉ đi mua giống”, ông Thông khẳng định.

Tại hội nghị sơ kết vụ sản xuất lúa đông xuân ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh yêu cầu Viện Lúa ĐBSCL phải thay đổi cách làm để tạo ra một thị trường lúa giống lành mạnh.

Theo đó, thay vì tự “ôm” lấy việc nghiên cứu và chuyển giao giống như thời gian qua, viện phải tìm doanh nghiệp mạnh, có tâm huyết, năng lực, làm ăn đứng đắn để hợp tác, không thể để kéo dài tình trạng hằng năm viện duy trì 40 giống siêu nguyên chủng nhưng không ai mua.

VFA “đặt hàng” ngành nông nghiệp

Ông Huỳnh Thế Năng, phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN, kiêm tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam, đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng chính quyền các địa phương tạo điều kiện để nông dân sử dụng giống lúa xác nhận 70-80%, thay vì chỉ có 35% như thời gian qua, đồng thời làm tốt hệ thống hỗ trợ dịch vụ và hậu cần cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, khuyến khích nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm, dùng giống lúa xác nhận và giảm thất thoát sau thu hoạch... Theo ông Năng, có làm tốt các khâu này mới xây dựng ngành lúa gạo có chất lượng và thương hiệu.


Trung Quốc ồ ạt mua gạo Việt Nam

“Ngoài đường chính ngạch, xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc đang sôi động trở lại”, ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam nói.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150314/tai-sao-co-nhieu-loai-gao-nguoi-dan-an-khong-ngon/720299.html

Theo Chí Quốc/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm