Tác phẩm là một thiên suy tưởng đầy nỗi u buồn nhưng nhân hậu, đẹp đẽ về bản chất cuộc sống của con người, bắt đầu từ những triết lý về sự tự sát.
Dựa vào hình tượng Sisyphus, một vị thần bị kết án suốt đời đẩy một tảng đá lên đỉnh núi, rồi lại thấy nó lăn xuống, rồi lại phải đi xuống chân núi, đẩy tảng đá lên từ đầu, cứ như thế ngày nọ sang ngày kia. Thời gian trôi đi trong những hành động lặp đi lặp lại, kéo dài tưởng như bất tận ấy. Camus thấy rằng, sự hiện hữu của chúng ta trong đời sống này cũng vô nghĩa và phi lý như vậy. Ông đặt ra vấn đề về sự tự sát. Sự tự sát có phải là cách giải quyết. Sự tự sát có đưa đến hạnh phúc. Ông cho rằng tự sát có ý nghĩa nhưng nó là một ý nghĩa cực đoan, và tự sát là một hành động khước từ gần như nhút nhát, trốn chạy.
Từ cơ sở đó, Camus đã đặt ra cho người đọc một chiêm nghiệm mới, mỗi con người chúng ta, có thể nhận thức rằng, cuộc sống thật vô nghĩa, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phải sống.
Tập tiểu luận Thần thoại Sisyphus của Albert Camus. |
Những người lựa chọn ấy, chính là những anh hùng phi lý, giống như vị anh hùng Sisyphus.
Sisyphus biết rõ bản chất hành động của mình, nhưng chàng tôn trọng nhiệm vụ, tận tâm với nhiệm vụ, bất chấp sự hiện hữu của tính vô lý. Chàng đối diện với tính phi lý ấy, và tiếp tục sống, bất chấp những cám dỗ đem đến sự trốn chạy.
Và Camus nói “Dù phải chịu bao nhiêu thử thách, tuổi tác dãi dầu và sự cao quý của tâm hồn ta làm cho ta kết luận rằng mọi sự đều tốt đẹp”. Đó chính là cái cốt lõi của những lý lẽ mà Camus đã đặt ra trong cuốn tiểu luận Thần thoại Sisyphus. Ta càng thấu rõ cuộc đời, càng nhìn nhận được sự vô nghĩa của cuộc đời, ta càng phải sống, với gánh nặng của mình, chấp nhận nó như một lẽ tự nhiên, và sống và “hạnh phúc”, như cách Sisyphus đã trải qua.
Trong bản nhận xét của giáo sư hướng dẫn ghi trên luận văn thạc sĩ của Camus có ghi “Là nhà văn hơn là triết gia”. Bản thân Camus cũng thừa nhận: “Tôi không phải triết gia, thật thế, tôi chỉ có thể nói đến những điều mà tôi đã từng trải, kinh nghiệm thực sự”. Bởi thế, dù Camus viết Thần thoại Sisyphus dưới dạng một tiểu luận, nhưng Camus đã triển khai những lý lẽ của mình bằng những dẫn dụ rất sống động, với lý lẽ giản dị, được kết nối bởi những mẩu chuyện gần gũi, và hơn hết, nó mạch lạc, rõ ràng, và đi đến cùng sâu cái hạt nhân của cuộc sống. Là nỗi buồn, là gánh nặng, nhưng cũng là hạnh phúc, là đẹp đẽ, và Camus ca tụng cuộc sống bằng lòng bao dung vô cùng.
Albert Camus - Giọng văn độc đáo của thế kỷ XX. Ảnh: booksfan |
Camus là con người khắc kỷ, u buồn, nhưng ông không dạy đời, không cự tuyệt cuộc đời, không độc đoán, phán xét mà luôn trẻ trung, đa cảm, đa tình, bao dung và đầy nhân ái. Camus biết làm bừng sáng lên những nét đẹp và hơi ấm giữa đời sống đầy đọa mỏi mệt. Trong Thần thoại Sisyphus, Camus đã tìm ra được những nét lý giải đầy tinh tế, cùng cái mỉm cười bao dung với những nhân vật “con người phi lý” như Don Juan, Hamlet, hay Kirilov... Đặc biệt, ông cũng đã dùng những trang văn rất đẹp đẽ và đầy rung cảm để viết về những sáng tạo của Franz Kafka. Với sự nhạy cảm đặc biệt của mình, Camus đã nhìn ra “sự hy vọng” trong những tác phẩm phi lý đậm đặc bi kịch của Kafka.
Những lý lẽ của cuốn tiểu luận triết học tưởng chừng như trình bày những vấn đề khó hiểu, nhưng thực chất, cái hạt nhân cuối cùng vẫn là niềm hy vọng trong cuộc đời. Niềm hy vọng được mang đến bởi sự yêu thương và lòng bao dung sâu thẳm. Ấy là điều mà Camus theo đuổi, trong tất cả những tác phẩm của ông, mọi điều phi lý ông đặt ra chỉ cốt chạm được vào cái tình yêu đẹp đẽ của loài người, chính là cái để con người neo vào, để sống, trong cuộc sống vốn đầy ắp vô nghĩa này. Đúng như lời một nhân vật trong Dịch hạch đã nói: “Nếu có một điều mà bao giờ người ta cũng mong muốn, và có khi được thỏa mãn, thì đó là tình thương yêu nhân loại.” Vậy nên cuộc sống vẫn tiếp diễn, con người vẫn sống, hạnh phúc trong đọa đày.
Albert Camus đã được trao giải Nobel năm 1957, và lời khen thưởng: “lời văn của Camus làm tăng giá trị con người của chúng ta.”, giống như một tiếng vọng lấp lánh, còn mãi đến ngày hôm nay, dành riêng tặng ông.
Ngày 4/1/1960, Camus mất trong một tai nạn giao thông, ở tuổi 47. Dù cuộc đời ngắn ngủi, nhưng Camus đã để lại một sự nghiệp lừng lẫy, được xem là một trong những gương mặt xuất sắc nổi bật của thế kỷ XX. Bên cạnh Thần thoại Sisyphus, còn có những tác phẩm như: Bề trái và bề mặt, Giao cảm, Người dưng, Dịch hạch, Người nổi loạn, Sa đọa...