Chuyển nhà đến Los Angeles trong thời điểm xảy ra đại dịch, tôi tìm mua đồ nội thất trên Facebook Marketplace, một "chợ trời" với nhiều mặt hàng bình dân.
Món đầu tiên tôi mua là một bộ bàn có 4 cái ghế, giá 225 USD. Mức này khá đắt nhưng nó trông độc đáo, không giống các sản phẩm phổ biến của IKEA.
Vết sơn khuyết tật
Khi nhận hàng, thực tế đó là bộ bàn của IKEA, được người bán vẽ tay thêm hoa văn. Tôi ngán ngẩm nghĩ về việc mua đồ nội thất cũ 225 USD trong khi giá mới chỉ là 120 USD.
Đúng ra cần nói với người bán rằng tôi đặt nhầm, xin lỗi đã làm mất thời gian và trả lại món hàng, tôi lại cảm ơn, khen anh ấy vẽ đẹp. Với tôi, tốt hơn hết là chịu mất tiền, thay vì khiến cho một người xa lạ phải phiền muộn.
Zoe Schiffer đã mua bộ ghế này vì hình ảnh quảng cáo đẹp lung linh. Ảnh: The Verge. |
Lớp sơn bây giờ đã bong tróc, một chiếc ghế bị hỏng, nhưng tôi vẫn “nể” sự nhanh nhạy của anh chàng ấy. Anh ta có thể không phải là một kẻ lừa đảo thực sự, nhưng chắc chắn hiểu rõ về người mua. Tôi có thể làm tương tự, bán lại nó trên Facebook Marketplace, lý tưởng nhất là cho một người nào đó cũng vì lịch sự mà "ngậm bồ hòn làm ngọt".
Câu chuyện này liên quan gì đến Instagram? Trong vài năm qua, những kẻ lừa đảo đã lôi kéo người mua, sử dụng quảng cáo Instagram để bán quần áo, phụ kiện và đồ gia dụng. Các sản phẩm trên mạng trông đẹp mắt nhưng khi đến nơi thường là hàng nhái, chất lượng thấp.
Khi khách hàng phàn nàn, các công ty - phần nhiều trong số đó có trụ sở tại Trung Quốc - giải thích vòng vo, cơ bản là "bạn sẽ không được hoàn tiền, những lý do đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng tôi".
Thủ đoạn tinh vi
Lần đầu tiên tôi đọc về điều này trên công cụ theo dõi lừa đảo của Better Business Bureau. Nhập “Instagram” vào thanh tìm kiếm, bạn sẽ thấy than phiền từ những người đã mua các sản phẩm quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội ảnh thuộc sở hữu Facebook.
Có người đã chi 400 USD mua đôi giày thể thao loại hiếm nhưng không bao giờ nhận được; người khác đặt mua “ghế cắm trại Recliner Luxury Camp Chair” và nhận được một “chiếc ghế đẩu”. Có trường hợp mua “một con búp bê có trọng lượng như thật, sống động như đứa trẻ” lại nhận về “sản phẩm giá rẻ, không có gì giống với mô tả” và giao hàng rất chậm.
Sản phẩm thực tế và ảnh quảng cáo trên Instagram khác xa nhau. Ảnh: The Verge. |
Cô bạn Jessamyn của tôi đã tự trải nghiệm điều này khi mua một đôi bốt được quảng cáo trên Instagram. Sản phẩm đến tay có kích thước, màu sắc và chất liệu không giống như giới thiệu. Cô ấy gửi email cho công ty và nghĩ rằng sẽ được giải quyết dễ dàng.
"Chúng tôi rất tiếc vì bạn không hài lòng với mặt hàng. Liệu bạn có thể tặng chúng cho người khác không? Chi phí hoàn trả rất đắt. Chúng tôi sẽ đền bù bằng mã giảm giá hoặc hoàn lại 40% số tiền", thông điệp Jessamyn nhận được từ công ty bán hàng.
Đây là kiểu giải thích thường gặp với các giao dịch có dấu hiệu lừa đảo. Họ nó rằng chi phí hoàn trả rất đắt và gợi ý bù đắp bằng mã giảm giá hấp dẫn nào đó. Tôi không rõ có bao nhiêu người đã thỏa hiệp nhưng trong lúc đang bực dọc vì món hàng cũ không ưng ý, có ai dám mạo hiểm đặt mua thêm món mới?
Jessamyn không chấp nhận đề nghị, cô muốn trả lại hàng và được hoàn tiền đầy đủ. Email hồi đáp từ phía người bán tiếp tục lặp đi lặp lại phương án giải quyết, trông giống như thông điệp tự động.
Sau khi gửi 30 email, kèm hình chụp ảnh thực tế món hàng so với đôi giày trong quảng cáo, Jessamyn nhận lại được 40 USD, khoảng một nửa số tiền đã mua. Công ty này cũng "tặng kèm" mã giảm giá 20% cho lần mua kế tiếp.
Chính sách “nửa vời”
Điều đó có vi phạm chính sách của Instagram? Khó có thể khẳng định.
Nền tảng này không cho phép mô tả sai lệch mặt hàng đang bán, nhưng không rõ sản phẩm thực tế khác với ảnh quảng cáo như thế nào mới bị xem là sai.
Instagram chưa có biện pháp xử lý tình trạng quảng cáo hàng giả, hàng nhái. Ảnh: Cbsnews. |
Ngay cả khi người bán vi phạm chính sách, Instagram cũng không làm gì nhiều ngoài việc xóa quảng cáo và có thể đóng tài khoản. Sau đó kẻ lừa đảo lại mở tài khoản mới, tiếp tục công việc như chưa có gì xảy ra.
Khi được hỏi về điều này, người phát ngôn của công ty cho biết: “Chúng tôi muốn mọi người có trải nghiệm quảng cáo tích cực trên Instagram. Hàng giả, hoạt động gian lận làm tổn thương cộng đồng và không có chỗ đứng trên Instagram”.
Về cơ bản, kẻ lừa đảo đánh vào tâm lý mua sắm của mọi người. Chúng ta muốn mọi thứ mình cần phải luôn có sẵn, giá rẻ và được giao trong vòng vài ngày.
Quảng cáo hiển thị cùng với ảnh của bạn bè và những người nổi tiếng, mang đến cảm giác chân thực mà các nền tảng khác không có được. Chúng ta thấy thứ mình muốn và nhấp vào xem. Đến lúc nhận ra rằng cần phải tìm hiểu thêm thì đã quá muộn.
Những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Họ che giấu danh tính của mình thông qua mạng xã hội và sử dụng các phương thức thanh toán khó theo dõi.
Khi các nền tảng như Instagram phát triển, định hình lại hành vi tiêu dùng, những kẻ lừa đảo sẽ thích nghi và tìm ra những cách mới để có được lòng tin của mọi người. Đó là một trò chơi mèo vờn chuột không rõ bao giờ mới kết thúc.