Trong cuộc sống thường ngày, có phải bạn từng gặp những tình huống thế này không? Sau khi mắc phải một sai lầm nào đó, bạn thề rằng sẽ không bao giờ mắc lại sai lầm ngu ngốc này nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau, bạn lại mắc lỗi tương tự. Điều này giống như định luật Murphy đã nói rằng: Khi bạn quyết định sẽ không làm một việc gì đó, bạn sẽ lại làm việc đó trong vô thức.
Đây chính là một cạm bẫy trong định luật Murphy khiến cho rất nhiều người phải đau đầu. Vậy thì, làm thế nào để thoát khỏi cạm bẫy này? Chắc chắn là có cách, đó chính là học cách tự suy ngẫm bản thân.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Andrea Piacquadio/Pexels. |
Cổ nhân từng nói với chúng ta rằng: “Nhất nhật tam tỉnh ngộ thân” (Dịch nghĩa: Mỗi ngày tự nhắc nhở mình ba điều), đây là bài học bắt buộc của một bậc quân tử để tu tâm dưỡng tính.
Nó nhắc nhở chúng ta phải thường xuyên suy ngẫm, luôn biết tự kiểm điểm bản thân. Chỉ tiếc là, trong thời đại mà nhu cầu về vật chất ngày càng trở nên quan trọng như hiện nay, những người làm được điều này thực sự không nhiều. Chúng ta thường quá chú ý đến người khác và thế giới bên ngoài mà phớt lờ việc nhận thức về chính mình.
Phát hiện những thiếu sót bên ngoài là điều không hề khó, cái khó là tìm ra thiếu sót của chính bản thân mình. Chỉ có tự suy ngẫm mới giúp con người có thể nhận thức sâu sắc về những sai lầm và thiếu sót của bản thân, giúp bản thân biết quay đầu khi lầm đường lạc lối, không đi vào vết xe đổ và tìm thấy hướng đi đúng đắn cho cuộc đời.
Vài năm trước, việc kinh doanh vòng đeo tay bằng hạt gỗ ở Trung Quốc vô cùng tốt, một vài người thấy vậy đã liều lĩnh nhập lậu nguyên liệu gỗ từ một số quốc gia có nền chính trị không ổn định. Tiền đã đặt cọc, các mối quan hệ cần “bôi trơn” cũng đều đã xử lý xong xuôi, ấy thế mà cuối cùng vẫn bị cảnh sát địa phương bắt, nguyên liệu cũng mất, hoàn toàn rơi vào cảnh tiền mất tật mang.
Những người này sau khi được thả về nước thì ngày ngày oán trách, rằng những người làm ăn ở quốc gia kia không giữ chữ tín, cảnh sát thì như cường đạo... Họ oán trách những người này suốt thời gian dài, nhưng tuyệt nhiên không kiểm điểm, suy xét lại bản thân.
Để kiếm tiền, họ đã đến một quốc gia vốn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm để tiến hành những cuộc móc nối vi phạm pháp luật, cuối cùng dẫn đến hậu quả tiền mất tật mang, vừa phải đền tiền, vừa lâm cảnh tù tội, điều này không thể trách được người khác. Trên mạng có một câu nói rất hay: Không tìm đến chỗ chết thì sẽ không chết, rất phù hợp trong câu chuyện này.
Đối với những thiếu sót dù nhỏ của người khác cũng hiểu rõ tận chân tơ kẽ tóc; trong khi sai lầm và thiếu sót rất dễ nhận thấy của bản thân lại vờ như không thấy. Những người không biết tự suy ngẫm, kiểm điểm sẽ vĩnh viễn sống một cuộc đời tạm bợ, cả ngày chỉ biết oán trách người khác mà không dám kiểm điểm chính mình; những người không biết tự suy ngẫm sẽ thường mắc đi mắc lại một sai lầm ở cùng một vấn đề, ngã lên ngã xuống ở cùng một cái hố.
Ở Mỹ có một vị mục sư đã chủ trì hôn lễ cho rất nhiều cặp đôi. Nhìn bề ngoài, ông có vẻ rất thân thiện dễ gần, nhưng lại vô cùng nghiêm khắc với chính con trai của mình, thường xuyên giáo huấn con trai một cách gay gắt chỉ vì những chuyện rất nhỏ. Hai bố con thường xuyên tranh cãi đến đỏ mặt tía tai.
Một lần, sau khi tranh cãi gay gắt, người con trai đã lựa chọn bỏ nhà ra đi. Vị mục sư lúc đó mới sốt sắng tìm đến một nhà giáo dục ở địa phương, kể về nỗi khổ tâm của mình. Nhà giáo dục còn chưa kịp nói câu nào, vị mục sư đã tức giận kể lể chi tiết từng lỗi lầm của người con trai: lúc nào cũng chống đối cha mẹ, về nhà rất muộn vào buổi tối, lén uống rượu, đánh bị thương bạn cùng lớp trong một trận bóng chày...
Vẫn chưa kể lể xong, vị mục sư đã òa khóc, ông đang rất lo lắng cho sự an nguy của cậu con trai, hơn nữa không hiểu tại sao đứa con trai của mình lúc nào cũng khiến người khác phải lo lắng như thế.
Nghe vị mục sư oán thán, nhà giáo dục ẩn ý sâu xa hỏi rằng: “Mỗi ngày, ngài đều chỉ trích những lỗi lầm của con trai, điều này khiến cậu bé nghĩ rằng bản thân là một đứa trẻ không thể nào tốt lên được, rằng bản thân sẽ không bao giờ được bố yêu mến và tự hào.
Con trai ngài thành ra như vậy, ngài có bao giờ tự hỏi xem bản thân mình có trách nhiệm như thế nào trong việc này không? Ngài ngày ngày gửi những lời chúc phúc đến cho người khác, tại sao lại không thể khoan dung và ngợi khen con trai của chính mình nhiều thêm một chút?”
Những lời của nhà giáo dục khiến vị mục sư bỗng chốc tỉnh ngộ. Với cương vị là một người cha, ông quả thực chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Ông luôn chỉ biết oán trách con mà chưa từng nghĩ rằng, có nhiều việc thực ra lại xuất phát từ chính bản thân mình.