Nhiều người thích nhạc buồn không phải vì chúng khiến họ buồn, mà vì chúng giúp họ cảm thấy được kết nối. Ảnh: New York Times. |
Gần đây, Đại học New South Wales ở Australia đã thực hiện một nghiên cứu với 50 người thích nghe nhạc buồn. Họ chủ yếu là sinh viên đại học âm nhạc. Những bản nhạc được chọn nghe bao gồm nhiều thể loại khác nhau, từ Beethoven đến Taylor Swift.
“Nghe có vẻ đầy nghịch lý khi con người cảm thấy thích thú với thứ khiến họ có cảm xúc tiêu cực. Nhưng nghiên cứu này cho thấy nỗi buồn có thể ảnh hưởng tích cực đến việc thưởng thức âm nhạc”, Giáo sư Emery Schubert, thuộc Phòng thí nghiệm Âm nhạc Thực nghiệm của Đại học New South Wales, cho biết.
Nhạc buồn là gì?
Ông định nghĩa nhạc “buồn” là những loại nhạc “có nhịp chậm, cường độ nhẹ nhàng và nốt nghịch tại (dissonance) cũng được nhấn mạnh hơn”. Trong đó, nghịch tai là những nốt “không đồng nhất, hài hóa” với nhau nhằm tạo ra sự thay đổi gay gắt, đột ngột hoặc chói tai trong bài hát.
Nhịp độ chậm là khoảng 60-70 nhịp/phút, tương đương với nhịp tim khi con người trong trạng thái thư giãn. Nhạc buồn không có sự thay đổi lớn về âm lượng. Chúng đều đều và nhẹ nhàng.
Nhưng bài hát cũng có thể mang lại cảm giác buồn khi gợi lên những liên tưởng hoặc kỷ niệm cho người nghe.
“Chúng có thể khiến họ nhớ đến một sự kiện buồn hoặc hoài niệm những gì đã xảy ra trong quá khứ. Đó có thể xảy ra vào khoảng thời gian khi bài hát được phát hoặc có mối liên hệ nào đó với câu chuyện của nghệ sĩ”, Schubert giải thích.
Nhiều tác phẩm của Taylor Swift, trong đó có “Soon You’ll Get Better”, là những bài hát buồn được nghe nhiều nhất. Ảnh: TNS. |
Sau khi chọn những bản nhạc “buồn”, người tham gia nghiên cứu sẽ được yêu cầu tưởng tượng như thể âm nhạc đó không làm họ cảm thấy buồn. 82% trong số đó cho biết điều đó làm giảm sự thích thú của họ với bài hát.
Vậy sức hấp dẫn của nhạc buồn là gì? Có phải vì nó có tác dụng “thanh tẩy”? Ví dụ như bạn đang cần khóc một trận và âm nhạc phù hợp sẽ khiến bạn rơi nước mắt. Sau đó, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, phải vậy không?
Cách hiểu như vậy có phần đúng, giáo sư Schubert nói. Ông cho rằng “thanh tẩy tâm hồn” cũng là một lý do khiến mọi người thích nghe nhạc buồn.
Ngoài ra, lý do còn có thể là vì một bản nhạc buồn sẽ mang đến một kết nối nào đó với người nghe.
“Đó có thể là bản thân âm nhạc nhưng cũng có thể là những con người hoặc cảnh tượng liên quan đến âm nhạc. Nhạc buồn tạo ra cảm giác đồng nhất, một kiểu đồng cảm ở người nghe. Và bản thân sự đồng cảm cũng mang đến sự dễ chịu”, ông nói.
Tại sao chúng ta nghe nhạc buồn?
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn nằm ở việc con người chúng ta có khả năng trải nghiệm nhiều loại cảm xúc khác nhau.
“Nhờ nghe nhạc, những cảm xúc đó có thể được ‘thực hành’ một cách hợp lý và an toàn mà không phải trải qua những hậu quả trong đời thực”, giáo sư Schubert phân tích.
Tất nhiên, không chỉ âm nhạc mới gợi lên phản ứng cảm xúc ở con người. Cảm xúc có thể đến từ việc đọc một cuốn sách buồn hoặc xem một bộ phim đẫm nước mắt. Nhưng âm nhạc lại thú vị hơn cả, vì chúng có thể làm thay đổi cảm xúc mà không cần đến hình ảnh hay thậm chí là từ ngữ.
Ông nói: “Không cần kể chuyện hay hát những từ dễ hiểu, âm nhạc vẫn có thể khơi gợi cảm xúc”.
“Có lẽ có những lúc tất cả chúng ta cần có chung một nỗi đau”, trích lời bản hit “Sad Songs (Say So Much)" của Elton John phát hành năm 1984. Cụm từ “những bài hát buồn nói lên rất nhiều điều” được dùng trong cả tựa đề, lẫn đoạn điệp khúc. Nó vẫn đúng ngay cả với những bài hát không lời.
Không ít playlist do người dùng Spotify tạo đều liên quan đến nhạc buồn, như “Crying Mix”, “Âm nhạc làm bạn khóc”, “Nhạc buồn làm bạn khóc” hay thậm chí là “Nhạc cổ điển làm bạn khóc”. Dữ liệu của Spotify cho thấy ngay cả kết quả tìm kiếm hàng đầu của Gen Z cũng liên quan đến “buồn”.
Theo SCMP, nhiều người thích những bài hát buồn vì nhịp độ chậm của chúng mang lại cảm giác thư thái. Chúng ta thở đều hơn và sâu hơn theo nhịp hát, giúp cơ thể thư giãn. Một nghiên cứu cho thấy nghe nhạc buồn sẽ kích thích giải phóng hormone prolactin và oxytocin.
Prolactin làm thay đổi mạch thần kinh và giúp con người vượt qua căng thẳng. Oxytocin đôi khi được gọi là hormone tình yêu vì nó làm tăng cảm giác tin tưởng, đồng cảm và bình yên.
Nhạc buồn giúp kích thích hormone bình yên. Ảnh: Shutterstock. |
Vậy giáo sư Schubert nghe nhạc gì? Bởi vì đang nghiên cứu về chủ đề này, nên ông được thử nhiều loại âm nhạc gợi lên phản ứng cảm xúc khác nhau ở những người khác nhau.
Theo ông, sự lựa chọn âm nhạc cũng phụ thuộc vào văn hóa. Mọi người sẽ lựa chọn bài hát muốn nghe dựa trên những gì họ đã trải qua trong quá khứ. Nhưng quả thật, những bài hát phổ biến nhất và thường xuyên được chọn nghe nhất là những bài hát buồn, Schubert nói.
Các bài hát nằm trong trong top đầu bảng xếp hạng nhạc buồn sẽ trải dài ở nhiều thể loại, nghệ sĩ và thời đại khác nhau, từ “I’m So Lonesome I Could Cry” của Hank Williams (1952), “Sam Stone” của John Prine (1971), “He Stopped Loving Her Today” của George Jones (1987), “Something in the Way” của Nirvana (1991), đến “I Don’t Love You Anymore” của Anohni (2016) và một loạt bài hát của Taylor Swift, trong đó có “Soon You’ll Get Better”.
Nhưng bài hát luôn giữ vị trí “Bài hát buồn nhất” trên nhiều nền tảng là "Tears in Heaven" của Eric Clapton. Bài hát được viết không lâu sau khi cậu con trai 4 tuổi của Clapton tử vong khi rơi từ tầng 53 của một khách sạn ở New York. Clapton chưa bao giờ tưởng tượng nó sẽ thành công vang dội như vậy.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.