Cuối tháng 12/2021, hai anh em Nikita và Kirill Mordashov chuyển nhượng cổ phần của họ trong một công ty khai thác mỏ cho cha mình, nhà tài phiệt người Nga Alexey Mordashov.
Ban đầu, tỷ phú Mordashov giao cổ phần cho hai người con theo kế hoạch bàn giao đế chế trị giá hàng tỷ USD của gia đình. Thế nhưng, do nghĩ rằng Nikita và Kirill Mordashov chưa đủ trưởng thành, ông Mordashov đã yêu cầu họ chuyển nhượng số cổ phần về lại cho mình.
Hai tháng sau, khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, ông Mordashov lại chạy đua với thời gian để chuyển số cổ phần đó vào tay một người khác.
Lần này, ông chuyển quyền kiểm soát khoảng một tỷ USD cổ phần cho vợ mình, bà Marina Mordashova. Cuối ngày hôm đó, Liên minh châu Âu (EU) đóng băng tài sản của ông ở châu Âu, theo Wall Street Journal.
EU và các chính phủ phương Tây đang áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các nhà tài phiệt Nga. Ảnh: Independent. |
Mất 1/4 tài sản
Ông Alexey Mordashov, 56 tuổi, tỷ phú giàu nhất nước Nga, có giá trị tài sản ròng cao hơn bất kỳ cá nhân nào trong danh sách trừng phạt của EU.
Kể từ ngày 18/2, vị tỷ phú đã mất khoảng 1/4 tài sản của mình, tương đương 22 tỷ USD, theo Bloomberg. Tài sản của ông nằm chủ yếu ở 77% cổ phần tại Severstal PAO, một trong những công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Ngày 28/2, EU công bố các biện pháp trừng phạt đối với ông Mordashov. Vương quốc Anh tiếp bước EU ra lệnh trừng phạt vị tỷ phú vào ngày 15/3. Mặc dù chính phủ Mỹ chưa có động thái tương tự, Severstal cho biết Citigroup đã đóng băng các khoản thanh toán của công ty để thực hiện các cuộc điều tra theo quy định.
Cổ phiếu của Severstal, trước đây từng hoạt động mạnh ở các nước EU như Cộng hòa Czech, Italy và Ba Lan, đã giảm khoảng 1/3 giá trị kể từ khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự" tại Ukraine.
Tại Italy, các nhà chức trách cho biết họ đã thu giữ một trong những du thuyền của ông Mordashov, chiếc Lady M dài 65 m, cũng như tài sản của vị tỷ phú trên hòn đảo Địa Trung Hải Sardinia.
Chiếc du thuyền dài 65 m của tỷ phú Alexey Mordashov. Ảnh: AP. |
“Doanh nhân phi chính trị”
Khi công bố các lệnh trừng phạt, EU cho biết tỷ phú Mordashov “đang hưởng lợi từ mối quan hệ với các nhà lãnh đạo Nga”.
Tuy nhiên, ông Mordashov tự cho mình là một “doanh nhân phi chính trị”, người luôn cố gắng tránh xa ảnh hưởng của Điện Kremlin.
Vị tỷ phú nói rằng ông khác với các nhà tài phiệt khác vì có ít quan hệ chính trị: “Tôi chưa bao giờ có bất kỳ người bảo trợ cấp cao nào trong chính phủ”, theo Wall Street Journal.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ký tên lên một đường ống tại nhà máy sản xuất ống của Severstal, bên cạnh là ông Mordashov. Ảnh: AP. |
Một người thân cận với Mordashov cho biết ông đã cống hiến phần lớn sự nghiệp của mình để giúp Nga xích lại gần hơn với phương Tây. Thông thạo tiếng Anh và tiếng Đức, ông Mordashov đã vận động hành lang để giúp Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Vào buổi tối mà EU ra lệnh trừng phạt, Mordashov cho biết ông không hiểu nổi các lệnh trừng phạt này sẽ giúp giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine như thế nào.
Ưa chuộng phương Tây
Ông Mordashov sinh ra ở phía bắc Moscow, nơi cha mẹ ông làm việc tại nhà máy thép Severstal.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông vào làm tại nhà máy với tư cách một nhà kinh tế học. Đến năm 1996, ở tuổi 31, ông trở thành giám đốc đốc điều hành của công ty.
Thép của Severstal được bán trên toàn cầu, đặc biệt là ở châu Âu, nơi có đông đảo đội ngũ nhân viên và xưởng sản xuất thép của công ty. Ảnh: Bloomberg. |
Ông Mordashov rút lui khỏi Mỹ sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Năm đó, ông đã bán 2 nhà máy thép lớn của mình tại Mỹ với tổng giá trị 2,3 tỷ USD.
Tại châu Âu, ông từng bước thâu tóm cổ phần của tập đoàn du lịch khổng lồ TUI AG của Đức, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty này.
Mordashov ưa chuộng phương Tây. Ông từng thuê công ty tư vấn quản lý toàn cầu của Mỹ - McKinsey & Company để tháo gỡ những khó khăn của Severstal.
Ông cũng trả học phí cho 200 nhân viên của mình để đi học kinh doanh tại Đại học Northumbria ở Anh, ngôi trường ông từng theo học.
Ông ấy “thực sự là một nhà điều hành kiểu phương Tây”, ông Michael Harms, người đứng đầu Phòng Thương mại Đức -Nga từ năm 2007 đến năm 2016 cho biết. “Đó lý do các lệnh trừng phạt đối với ông ấy là không khôn ngoan và không công bằng. Mordashov là một trong những đại diện tốt nhất cho bộ mặt hiện đại của doanh nghiệp Nga”, ông Harms nói.
Ngày 3/3, tỷ phú Mordashov tổ chức một cuộc họp online từ Moscow với nhân viên của Severstal trên toàn thế giới. Vị tỷ phú cho biết công ty không có kế hoạch sa thải bất kỳ nhân viên nào và đang ở trong tình trạng tài chính ổn định.