Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tài sản của Jack Ma bốc hơi

Tài sản của Jack Ma lao dốc sau khi gã khổng lồ fintech Ant Group công bố kế hoạch mua lại cổ phần. Theo kế hoạch này, định giá của tập đoàn đã giảm đi nhiều.

Theo Bloomberg, Jack Ma - tỷ phú từng nổi tiếng nhất Trung Quốc - nắm giữ 9,9% cổ phần tại Ant Group. Nhưng theo ước tính của Fidelity Investments, giá trị cổ phần của ông đã sụt giảm hơn 4,1 tỷ USD so với cách đây gần một năm.

Từng là người giàu nhất Trung Quốc, theo các ước tính, Jack Ma có thể chỉ còn nắm giữ khối tài sản khoảng 30 tỷ USD, chưa bằng một nửa con số trước khi đợt IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Ant Group bị hoãn lại.

Cuối tuần trước, chính quyền Bắc Kinh cho biết sẽ kết thúc cuộc điều tra đối với Ant Group. Đế chế fintech phải trả khoản phạt gần 1 tỷ USD. Tập đoàn cũng đã thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh và rút lui khỏi các lĩnh vực nhạy cảm.

Định giá giảm mạnh

Giới đầu tư từng kỳ vọng định giá của Ant Group sẽ đạt 315 tỷ USD sau IPO. Nhưng giờ đây, trong đề xuất mua lại cổ phiếu, con số đã giảm xuống còn khoảng 78,5 tỷ USD.

Đợt IPO của Ant Group đã bị tạm dừng vào cuối năm 2020. Một năm sau đó, Alibaba phải trả 2,8 tỷ USD tiền phạt do vi phạm các quy định chống độc quyền.

"Ant Group có thể cần phải xây dựng lại nền tảng lợi nhuận của mình. Bởi so với năm 2020, khoản lãi năm ngoái của tập đoàn chỉ bằng hơn một nửa. Điều này có thể cản trở kế hoạch tái khởi động IPO của Ant Group", Bloomberg dẫn lời ông Francis Chan - chuyên gia phân tích cấp cao tại Bloomberg Intelligence - nhận định.

Theo tính toán của chúng tôi, định giá của tập đoàn chỉ khoảng 24-60 tỷ USD

Ông Francis Chan - chuyên gia phân tích cấp cao tại Bloomberg Intelligence

"Theo tính toán của chúng tôi, định giá của tập đoàn chỉ khoảng 24-60 tỷ USD", ông cho biết.

Cuối tháng 11, Fidelity cắt giảm ước tính định giá của Ant xuống còn khoảng 63,8 tỷ USD. Trong quý cuối năm ngoái, gã khổng lồ fintech đã ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 56%.

Dù vậy, ông Shawn Yang - Giám đốc điều hành của Viện nghiên cứu Blue Lotus - vẫn lạc quan về tương lai của Alibaba sau án phạt đối với Ant Group.

"Theo tính toán của chúng tôi, Ant Group sẽ trị giá khoảng 89 tỷ USD. Trong đó, Alibaba nắm giữ 29,4 tỷ USD cổ phần", ông nhận định.

"Tôi cho rằng Bloomberg đang định giá quá thấp, vì Ant Group có thể sánh ngang với PayPal, nhất là sau khi các quy định từ phía Bắc Kinh được nới lỏng", ông lập luận.

Dần từ bỏ quyền lực

Jack Ma đã từ bỏ quyền kiểm soát tại Ant từ hồi tháng 1. Vị doanh nhân Trung Quốc cũng là nhà đồng sáng lập Alibaba Group Holding. Nhưng ông đang dần từ bỏ quyền lực tại đế chế công nghệ của mình sau cuộc trấn áp chưa từng có của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ nước này.

Trong báo cáo thường niên năm 2022, Alibaba cho biết "lợi ích kinh tế trực tiếp và gián tiếp của ông Ma trong Ant Group sẽ giảm dần theo thời gian, xuống không vượt quá 8,8%".

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg, Jack Ma vẫn là người giàu thứ 5 Trung Quốc.

Cách đây gần 3 năm, tại một hội nghị cấp cao vào cuối tháng 10, tỷ phú Jack Ma đã chỉ trích dữ dội hệ thống tài chính Trung Quốc và gọi các ngân hàng là "tiệm cầm đồ", bởi nhà băng đòi tài sản thế chấp thay vì sử dụng dữ liệu và công cụ công nghệ cao để đánh giá rủi ro tín dụng.

"Sự đổi mới không sợ quy định, mà sợ quy định lỗi thời", người đồng sáng lập Alibaba nhấn mạnh. Ông cho rằng Trung Quốc không nên "quản lý tương lai bằng phương pháp của ngày hôm qua".

Ngày 2/11/2020, tỷ phú Jack Ma bị triệu tập đến một cuộc họp với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và 3 tổ chức quản lý tài chính hàng đầu nước này. Đến ngày 3/11, sàn giao dịch Thượng Hải đình chỉ IPO của Ant Group với lý do "những thay đổi về quy định".

Vụ việc này đã chấm dứt thời kỳ tăng trưởng phi mã của cả Ant Group, Alibaba lẫn ngành công nghệ nói chung tại Trung Quốc. Trước đó, các quy định quản lý lỏng lẻo đã giúp startup của tỷ phú Jack Ma trở thành tập đoàn tài chính khổng lồ với những mảng kinh doanh dễ kiếm lời gồm thanh toán, ngân hàng, quản lý tài sản và bảo hiểm.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Singapore là thành phố đắt đỏ nhất với giới nhà giàu

Singapore vừa vượt qua Thượng Hải và trở thành thành phố đắt đỏ nhất cho cuộc sống thượng lưu. Giá thuê nhà và chi phí sinh hoạt tại nước này đều ở mức cao.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm