Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tai nạn trên cao tốc tăng do người dân băng qua đường

Theo VEC, các vụ tai nạn chủ yếu do người dân băng qua đường cao tốc, xe khách dừng đỗ tại các hàng quán tự phát, không duy trì khoảng cách an toàn, mất lái...

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có báo cáo thống kê các vụ tai nạn xảy ra trên 4 tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý (gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây).

Trong 9 tháng đầu năm 2019, ghi nhận 66 vụ tai nạn làm 14 người chết, 93 người bị thương trên các tuyến cao tốc này.

Theo VEC, các vụ tai nạn chủ yếu do người dân băng qua đường cao tốc; phương tiện đón trả khách; dừng đỗ tại các hàng quán tự phát; không duy trì khoảng cách an toàn giữa các phương tiện; phương tiện mất lái…

VEC cho biết tỷ lệ tai nạn trên các tuyến tăng cao trong 2 năm gần đây do đơn vị này không được áp dụng các quy định nội bộ về việc từ chối phục vụ các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông.

Hiện nay, thẩm quyền của VEC mới dừng ở việc từ chối phục vụ các phương tiện vi phạm tải trọng. Cụ thể, trong 3 quý đầu năm, VEC phát hiện 59.000 lượt phương tiện vi phạm tải trọng, từ chối phục vụ 48.000 phương tiện, cao hơn 55% cùng kỳ năm ngoái.

Để kiểm soát tốt hơn tình hình tai nạn, VEC muốn được cấp quyền từ chối phục vụ cả các phương tiện có hành vi dừng đỗ sai quy định, bắt khách trên cao tốc. Phương tiện vi phạm sẽ bị cảnh cáo và thậm chí bị "cấm cửa" nếu tái phạm nhiều lần.

Trước đó, VEC từng đưa ra đề xuất trên nhưng không thể thực hiện do vấp phải sự phản đối của các tài xế. Hiện đơn vị này vẫn đang duy trì việc ghi lại hình ảnh xe vi phạm rồi chuyển cho lực lượng CSGT xử lý, tuy nhiên cách làm này được cho là kém hiệu quả. 

Liên quan đến vấn đề xử lý ùn tắc trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đặc biệt vào dịp cuối tuần, ngày lễ) tập trung chủ yếu tại khu vực nút giao An Phú (quận 2, TP.HCM), VEC cho biết giải pháp là xây nút giao khác mức (hầm chui, cầu vượt).

"Tuy nhiên, hiệp định vay vốn của Dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sẽ kết thúc vào tháng 7/2021 nên việc sử dụng vốn dư để thực hiện đầu tư là không khả thi", thông cáo của VEC nêu rõ.

Mới đây, UBND TP.HCM đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Đơn vị chủ quản của VEC) xem xét, khẳng định khả năng sắp xếp vốn để TP.HCM triển khai đầu tư nút giao An Phú.

9 tháng đầu năm nay, các tuyến cao tốc của VEC đã phục vụ 34,74 triệu lượt phương tiện (chưa tính 527.000 lượt phương tiện miễn phí), vượt 14% về lưu lượng và 15% về doanh thu so cùng kỳ 2018.

Trong đó, lưu lượng phương tiện sử dụng Đà Nẵng - Quảng Ngãi là 1,48 triệu lượt, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Các cao tốc còn lại vẫn duy trì lưu lượng lớn như Cầu Giẽ - Ninh Bình (12,8 triệu lượt), Nội Bài - Lào Cao (8,4 triệu lượt) và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (12,48 triệu lượt).

VEC lại đổ lỗi trời mưa khiến cao tốc 34.500 tỷ tái xuất hiện 'ổ gà'

VEC cho rằng Đà Nẵng và Quảng Nam có mưa nên tại đoạn vuốt nối tạm từ nút giao Túy Loan vào cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuất hiện 3 "ổ gà".


Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm