Sự việc máy bay Algeria gặp nạn ngày 24/7, phi cơ rơi tại Đài Loan đêm 23/7 diễn ra chưa đầy một tuần sau thảm kịch của chuyến bay MH17 tại đông Ukraina thu hút sự chú ý rất lớn của dư luận quốc tế và khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn khi đi máy bay. Trên báo USA Today, các chuyên gia hàng không trấn an rằng đây chỉ là sự ngẫu nhiên.
"Di chuyển bằng đường hàng không rất an toàn. Có nhiều tài liệu chứng tỏ loại hình này an toàn hơn bất kỳ phương tiện vận tải khác”, ông Henry Harteveldt, nhà phân tích hàng không và công nghiệp giao thông tại tập đoàn Atmosphere Research (San Francisco), nói. Chuyên gia này khẳng định hai tai nạn của hãng hàng không TransAsia và Malaysia Airlines không liên quan đến nhau. “Một chiếc rơi vì trúng tên lửa khi đang bay trên trời, một chiếc rơi do hạ cánh khẩn cấp trong điều kiện thời tiết xấu”.
Lượt khách trên các chuyến bay toàn thế giới tăng dần và đạt hơn 20 tỷ lượt vào năm 2013. Ảnh: World Bank |
Ông Jon Beatty, chủ tịch tổ chức An toàn bay, đồng tình với ý kiến trên. “Hàng không dân dụng đã đạt mức an toàn rất đáng tin cậy trong những thập kỷ qua. Điều không may là thỉnh thoảng chúng ta hay tin về các vụ tai nạn. Đây đúng là các thảm kịch, nhưng phải khẳng định hàng không dân dụng vô cùng an toàn”.
Cơ quan an toàn vận tải Mỹ cho biết trong năm 2012 xảy ra hơn 33.500 trường hợp tử vong vì tai nạn đường bộ tại Mỹ, trong khi chỉ 440 người chết trong các tai nạn hàng không. Mỗi ngày có hơn 30.000 chuyến bay hoạt động tại Mỹ, nhưng số lượng vụ tai nạn rất thấp.
Dữ liệu của World Bank cho thấy ngày càng nhiều người trên thế giới lựa chọn đi lại bằng máy bay, với hơn 20 tỷ lượt khách vào năm 2013. Trong khi đó, trang Plane Crash Info cho biết số vụ tai nạn máy bay gây thương vong lớn đã giảm dần kể từ thập niên 1970, và giai đoạn thập niên 2010 là thời kỳ an toàn nhất của ngành vận tải hàng không. Nguyên nhân là do các hãng sản xuất máy bay thương mại và những máy bay nhỏ hơn áp dụng phát minh về an toàn cùng công nghệ hiện đại.
Số lượng nạn nhân tử vong trong các tai nạn hàng không giảm đáng kể từ năm 1975 đến nay. Ảnh: Plane Crash Info |
Giờ đây, tất cả máy bay thương mại đều trang bị hệ thống cảnh báo va chạm máy bay (TCAS), còn Hệ thống cảnh báo tiếp đất tiên tiến (EGPWS) giúp phi công nhận biết các mối nguy hiểm trong quá trình hạ cánh. Các hãng hàng không cũng yêu cầu phi công tham gia nhiều khóa tập huấn hơn, với hệ thống mô phỏng chuyến bay hiện đại giúp miêu tả chính xác về hành trình bay và các vấn đề mà phi công có thể gặp phải.
Trong diễn biến khác, hãng Malaysia Airlines dù đang nỗ lực giải quyết hậu quả các thảm kịch MH370 và MH17 vẫn nhanh chóng gửi lời động viên đến người nhà nạn nhân hành khách trên chuyến bay GE222 của TransAsia Airways. "Suy nghĩ của chúng tôi hướng về những hành khách trên chuyến bay GE222, gia đình và những người thân yêu của họ", Twitter của Malaysia Airlines đăng lời chia sẻ.