Willem Grootscholten
Willem Grootscholten là một cựu chiến binh và đã ly dị. Ông bán căn nhà tại Hà Lan để đến Bali, xây dựng cuộc sống mới với Christine, một người phụ nữ Indonesia. Họ tình cờ gặp nhau vào năm ngoái, khi Willem tới Indonesia.
Christine ôm di ảnh vị hôn phu của bà, Willem Grootscholten. Ảnh: AP |
Christine là chủ một nhà nghỉ và sống cùng hai con. Chồng bà qua đời cách đây 6 năm. Năm đó, bà nghe bạn kể rằng một người đàn ông ngã từ trên vách đá xuống và lưng anh ta bị đau. Christine đã chỉ cho người bạn này đưa người đàn ông đó tới một thầy lang mà bà biết. Hôm sau, người đàn ông gặp nạn gọi điện tới để cảm ơn bà. Đó chính là Willem.
Sau đó, Willem trở về Amsterdam nhưng họ tiếp tục giữ liên lạc. Mối quan hệ giữa hai người ngày càng khăng khít. Vào đêm giao thừa năm đó, người đàn ông 53 tuổi này đã xuất hiện bất ngờ trước cửa nhà Christine và ở lại đó 3 tuần.
Hai con của Christine nhanh chóng trở nên thân thiết với Willem và gọi ông là "cha". 4 người liên lạc trực tuyến với nhau mỗi ngày. Họ thường đặt iPad trên bàn để chia sẻ bữa ăn cùng nhau.
Hai tháng trước, Willem quay lại Bali để mừng sinh nhật của Christine. Tại đây, ông đã cầu hôn bà và nói rằng muốn dành phần còn lại của cuộc đời để ở bên cạnh người phụ nữ này. Hôm 3/6, hai người hôn tạm biệt nhau tại sân bay. Đó là nụ hôn cuối cùng của họ.
Rob Ayley
Rob và người phụ nữ đã khiến cuộc đời anh thay đổi - Sharlene. Ảnh: AP |
Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng với Rob Ayley. Chàng trai người New Zealand từng mắc hội chứng rối loạn tự kỷ ở thiếu niên và gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của người khác. Năm 16 tuổi, anh bỏ học và thường xuyên nhảy việc. Cuộc sống trôi qua đối với Rob khá khó khăn cho tới khi anh gặp và yêu một người phụ nữ tên Sharlene. Họ kết hôn và sinh hai con trai: Seth và Taylor. Từ đây, chàng trai này bắt đầu thay đổi.
Rob ghi danh vào một trường đại học và quyết định trở thành một người gây giống chó. Nhằm thực hiện giấc mơ, chàng trai 29 tuổi cùng Bill Patterson, bạn của anh, tới châu Âu. Họ muốn đem những con Rottweiler giống về New Zealand. Hai người bạn đã dành một tháng lái xe khắp châu Âu và tham quan các trang trại chó. Công việc diễn ra rất thuận lợi.
Tối 16/7, Ayley gửi thư cho mẹ: "Đây là một hành trình rất dài. Chúng con đã gặp những chú chó Rottweiler tuyệt vời nhất thế giới và ký hợp đồng. Bây giờ, con sẵn sàng trở về. Con mong mọi điều tốt đẹp, mong gặp lại mẹ vào thứ 7 (hôm 19/7). Con yêu mẹ".
Sanjid Singh
Sanjid Singh là một tiếp viên hàng không của hãng Malaysia Airlines (MAS). Ban đầu, chuyến bay MH17 không nằm trong lịch công tác của Singh, nhưng ông muốn trở về Malaysia sớm hơn một ngày để tới thăm cha mẹ ông tại bang Penang. Vì vậy, ông đã nhờ một đồng nghiệp đổi ca.
Cách đây vài tháng, vợ Singh, cũng là một tiếp viên hàng không của MAS, từng suýt mất tích cùng MH370. Vào phút cuối, bà đã đổi ca với đồng nghiệp nên thoát nạn. Cha mẹ của người đàn ông 41 tuổi này rất lo lắng khi đôi vợ chồng tiếp tục công việc. Tuy nhiên, Singh đã trấn an hai vị thân sinh rằng: "Nếu định mệnh bắt con phải chết, con sẽ chết".
Hôm 16/7, Singh gọi điện cho mẹ và thông báo ông sẽ bay chuyến MH17 và trở về nhà vào hôm 18/7. Người đàn ông 41 tuổi này nhắc nhở mẹ chăm sóc bản thân rồi gác máy.
Irene Gunawan
Irene Gunawan đang ngóng chờ cuộc hội ngộ gia đình hàng năm tại Philippines. Họ sẽ gặp nhau tại một khu nghỉ mát, uống rượu, nhảy múa và ca hát. Và như bao lần khác, người phụ nữ 53 tuổi này sẽ là ngôi sao của buổi hội ngộ.
Thuở trẻ, Irene mơ ước đi tới khắp mọi nơi trên thế giới. Sau khi học xong Trung học, bà đến Nhật Bản và gia nhập một ban nhạc. Ở đó, bà đã gặp Budy, người đàn ông của đời bà. Họ cùng nhau lưu diễn khắp châu Âu, yêu, cưới và định cư ở Hà Lan. Tại đây, bà sinh hai người con. Cuộc sống của đôi vợ chồng tràn ngập hạnh phúc. Budy trở thành quan sát viên tại bộ phận giám sát của MAS ở Amsterdam. Irene thỉnh thoảng trở về quê hương. Mỗi lần người phụ nữ 53 tuổi này trở về, thị trấn Pagbilao lại tràn ngập điệu nhạc của Norah Jones và Diana Ross.
Năm nay, gia đình Irene cũng chuẩn bị hành hương như mọi năm. Đáng lẽ họ đã tới Philippines sớm hơn nếu không bị trì hoãn chuyến đi vì cơn bão. Và tình cờ, chuyến bay họ chọn lại là MH17.
Miguel Panduwinata
Trong phòng ngủ tại một ngôi nhà gần Amsterdam, cậu bé Miguel đưa hai tay về phía mẹ và nói: "Mẹ, con có thể ôm mẹ được không?".
Samira Calehr vòng tay ôm cậu con trai nhỏ của mình, người đã luôn đặt ra những câu hỏi về cái chết, chúa và những linh hồn suốt nhiều ngày qua. Kỳ lạ, Miguel không chịu buông tay. Samira thầm nghĩ "Chắc cậu nhỏ không nỡ xa mẹ". Vì vậy, cô đã nằm ôm con trai suốt đêm. Lúc đó là 23h ngày 16/7 theo giờ địa phương. Miguel, Shaka và 296 người khác trên chuyến bay MH17 chỉ cách cái chết khoảng 15h.
Sáng hôm sau, người phụ nữ này tiễn hai con tới sân bay. Hai cậu bé sẽ tới hòn đảo Bali, Indonesia để thăm bà.
Những con người xấu số bước lên chuyến bay tử thần
Thứ 5 ngày 17/7, thời tiết tại Amsterdam rất đẹp. Trước khi rời khỏi nhà, Grootscholten gọi cho Christine và lũ trẻ. Ông vui mừng nói với họ rằng: "Bố đang trên đường. Chúng ta sẽ ở bên nhau mãi mãi". Đó là cuộc nói chuyện cuối cùng giữa 4 người bọn họ.
Trong khi đó, Ayley có vẻ lại gặp xui xẻo. Patterson đã bay về hôm trước đó còn anh lỡ chuyến xe buýt tới sân bay. Anh chàng 29 tuổi viết cho vợ trên Facebook: "Lỡ chuyến. Chờ chuyến kế tiếp".
Tại Malaysia, cha mẹ Singh nóng lòng chờ con trai trở về. Mẹ ông đã chuẩn bị cho ông những món mà Singh thích nhất.
Irene và gia đình mong đợi khoảnh khắc trở về quê hương. Bà muốn hỏi chị dâu về cách làm món bánh trứng mà bà yêu thích trong khi con gái của Irene muốn dừng lại ở Jollibee, một cửa hàng hamburger, để thưởng thức vài chiếc.
Samira và Aan, một người bạn của cô, tiễn hai cậu con trai tới sân bay. Họ cười đùa và nói chuyện về những điều mong đợi tại Bali. Tại khu vực check-in, Shaka nhận ra cậu quên mang theo tất. Calehr hứa sẽ mua và gửi cho cậu sau. Họ chia tay. Hai cậu con trai ôm tạm biệt mẹ. Bỗng nhiên, Miguel nói: "Con sẽ nhớ mẹ. Điều gì sẽ xảy ra nếu máy bay gặp tai nạn?". Samira trấn an đứa trẻ: "Mọi việc sẽ ổn thôi". "Con sẽ chăm sóc em", Shaka nói. Hai cậu bé bước vào bên trong. Đôi mắt của Miguel rất buồn.
Tất cả những con người xấu số này gặp nhau tại cổng G3 của sân bay Schiphol.
Singh và những đồng nghiệp của ông đã sẵn sàng. Tiếng loa thông báo vang lên.
Miguel và Shaka trở về chỗ ngồi tại hàng ghế đầu tiên, hạng phổ thông. Grootscholten ngồi cách anh em họ hai ghế về phía bên trái. Ông thay đổi ảnh bìa trên Facebook. Đó là là ảnh tháp kiểm soát không lưu tại sân bay.
Xa hơn, Ayley ngồi vào chỗ. Anh gửi một mẩu tin ngắn cho người bạn mình với nội dung: "Chuẩn bị rời Amsterdam. Một chuyến đi tuyệt vời".
Gia đình Gunawan nhanh chóng ổn định chỗ ngồi. Irene vẫn lo lắng cho gia đình tại Philippines với cơn bão. Bà cầm điện thoại và gửi tin nhắn cuối cùng cho chị dâu: "Hehe, em tắt điện thoại đây. Máy bay chuẩn bị cất cánh. Chị phải cẩn thận. Những cái cây rất dễ đổ khi gặp bão".
MH17 chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn cất cánh lúc 12h15 tại Amsterdam. Hai giờ sau, nó bị bắn rơi khi đang bay qua không phận Ukraina, khu vực gần biên giới với Nga.
Sự hoảng loạn của thân nhân những người xấu số trên MH17
Tại New Zealand, gia đình Ayley bắt đầu gửi tin cho anh. Họ hy vọng anh lỡ xe buýt cũng có nghĩa anh lỡ chuyến bay. "Chuyến bay mà con đặt vé bị bắn rơi. Dù con ở đâu hay như thế nào, chúng ta đều yêu con rất nhiều và chỉ muốn biết rằng con còn sống", mẹ của Ayley viết.
Còn ở Bali, Indonesia, Christine cầu nguyện: "Em hy vọng anh vẫn ổn. Xin chúa, làm ơn! Con cầu xin người".
Trong khi đó, tại Amsterdam, Hà Lan, Calehr vừa mua xong tất để gửi cho Shaka thì điện thoại của cô reo lên. Đó là cuộc gọi của Aan. "Em đang ở đâu? Máy bay rơi rồi", Aan hét lên. Người mẹ đau khổ ngất xỉu.
Thân nhân của 298 con người xấu số đã quá sốc.
Tại Malaysia, những món ăn mà mẹ của Singh chuẩn bị cho ông vẫn còn trong tủ lạnh. Bà không thể chịu nổi mỗi khi nhìn thấy chúng. "Một đồng nghiệp đã cứu mạng con dâu tôi. Và giờ đây, con trai tôi lại cứu mạng một người khác", mẹ của Singh vừa khóc vừa nói.
Ở New Zealand, bà Wendie, mẹ của Rob cho biết: "Nó ra đi khi đang ở rất gần với Chúa".
Trên đất Hà Lan, Samira nghĩ về những đứa trẻ và tự trách bản thân. "Đáng nhẽ ra tôi nên nghe lời nó. Đáng lẽ ra tôi nên nghe lời nó...", Samira thì thầm nói.