Các nhà điều tra quốc tế liên tục bày tỏ quan ngại về khả năng hiện trường vụ tai nạn MH17 bị xâm phạm hoặc bị giả mạo. Ảnh chụp tại hiện trường cho thấy cần cẩu nhấc những mảnh vỡ lớn của chiếc máy bay xấu số khỏi vị trí nó lao xuống và nổ tung.
Hiện trường tai nạn và những mảnh vỡ máy bay Boeing 777 của Malaysia nằm rải rác. Đồ họa: BBC |
Truyền thông phương Tây dẫn lời các điều tra viên cho biết, hiện trường tai nạn bị xâm phạm có thể gây ảnh hưởng xấu tới nỗ lực điều tra nguyên nhân sự cố. Các điều tra viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đã nhiều lần tiếp cận hiện trường nhưng do máy bay lao xuống khu vực phe nổi dậy kiểm soát nên nỗ lực điều tra gặp nhiều trở ngại.
Nguyên nhân tai nạn
Các chuyên gia nhận định, một vụ nổ từ trên không là nguyên nhân khiếc chuyến bay MH17 rơi xuống. Người ta đặt giả thuyết một vụ nổ động cơ máy bay hoặc một quả tên lửa đối không là nguyên nhân khiến chiếc Boeing 777 xấu số của Malaysia Airlines lao xuống.
Mô phỏng tên lửa phòng không bắn rơi MH17. Đồ họa: BBC |
Ở thời điểm hiện tại, các giả thuyết đều nghiêng hẳn về khả năng chuyến bay MH17 bị bắn hạ bởi một quả tên lửa đất đối không mang đầu đạn nổ. Hệ thống phòng không Buk là nghi can chính trong vụ việc. Tuy nhiên, tên lửa của hệ thống này không lao thẳng vào mục tiêu mà nổ cách đích khoảng 20 m. Vụ nổ tạo ra đám mây mảnh đạn găm thẳng vào mục tiêu. Nếu mảnh đạn bắn trúng bình xăng trên cánh hoặc các động cơ máy bay, nó sẽ gây ra những vụ nổ tiếp theo.
Thủ phạm bắn rơi MH17
Douglas Barrie, thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết: "Ảnh chụp những lỗ thủng trên thân máy bay MH17 cho thấy nó bị mảnh đạn của một quả tên lửa đất đối không găm trúng". Nó phù hợp với những gì tên lửa của hệ thống phòng không Buk có thể gây ra.
Sức mạnh hệ thống phòng không Buk nghi bắn rơi MH17. Đồ họa: Daily Mail |
Tuy nhiên, ngay cả khi phát hiện mảnh đạn tên lửa từ hiện trường sự cố, các điều tra viên cũng không thể kết luận thủ phạm gây ra vụ việc thảm khốc. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc quân đội Ukraina có nhiều hệ thống phòng không Buk và đưa chúng tới gần Donetsk trước thời điểm máy bay Ukraina bị bắn hạ. Trong khi đó, chính quyền Kiev cáo buộc các tay súng nổi dậy cũng sở hữu loại tên lửa này.
Hộp đen máy bay
Chính quyền nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng đã bàn giao hộp đen ghi âm buồng lái và lưu trữ dữ liệu chuyến bay cho phái đoàn Malaysia. Chúng sẽ được giải mã nhằm xác định chính xác những gì xảy ra với chiếc máy bay xấu số. Tuy nhiên, hộp đen không thể làm sáng tỏ mọi khúc mắc về sự cố thảm khốc.
Mô phỏng hộp đen máy bay. Đồ họa: Hồng Duy |
Các chuyên gia lo ngại, hộp đen không thể tiết lộ nhiều về vụ tấn công. Thiết bị ghi âm buồng lái lưu trữ mọi âm thanh trong khoang lái của chiếc máy bay, bao gồm hội thoại của phi công, tiếng nổ hoặc những âm thanh lạ. Hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay ghi lại các thông số về độ cao, tốc độ, tình trạng động cơ…. Chúng có thể cho biết thời gian máy bay trúng tên lửa và sức tàn phá của nó. Tuy nhiên, nó không thể xác định vị trí tên lửa phóng lên.
Thi thể các nạn nhân
Lực lượng nổi dậy ở miền đông Ukraina đã bàn giao các thi thể cho phía Hà Lan. Chiếc máy bay quân sự C-130 của không quân Hà Lan sẽ đưa thi thể những người xấu số về Amsterdam, nơi MH17 xuất phát. Tuy nhiên, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cảnh báo quá trình nhận dạng thi thể có thể kéo dài vài tháng trong khi gia đình những người tử nạn rất mong đưa thân nhân về mai táng.
Do toàn bộ nạn nhân trên chuyến bay MH17 đều tử nạn nên các nhà điều tra không thể biết rõ những gì xảy ra trên chuyến bay xấu số. Dấu tích trên các thi thể không thể tiết lộ nhiều về vụ tai nạn. Tuy nhiên, quá trình khám nghiệm tử thi giúp tìm ra nguyên nhân gây tử vong, từ đó khẳng định sự cố với chiếc máy bay gặp nạn.