Từ Chernobyl đến thảm kịch ở Hiroshima và Nagasaki, nỗi kinh hoàng của việc tiếp xúc với bức xạ hạt nhân có thể khiến bất kỳ ai cũng phải sợ hãi.
Các triệu chứng của bệnh phóng xạ thường bao gồm buồn nôn, nôn mửa và co giật. Nặng hơn có thể kể đến nhiễm trùng huyết và trụy tim.
Ngay cả việc sử dụng bức xạ có lợi, chẳng hạn như trong điều trị ung thư cũng có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.
Một người bình thường sẽ qua đời sau khi tiếp xúc với khoảng 5 gray (đơn vị đo năng lượng hấp thụ từ bức xạ ion hóa) trong khoảng 14 ngày.
Nhà vật lý người Nga Anatoli Bugorski là người duy nhất cho đến nay vẫn còn sống sót sau khi tiếp xúc trực tiếp với chùm máy gia tốc hạt hạt nhân. Ảnh: Corbis. |
Vào năm 1978, một nhà vật lý đã tiếp xúc với hơn 3.000 gray cùng một lúc, tức gấp 600 lần liều gây chết người. Tuy nhiên, bằng một cách kỳ diệu, cho đến nay người đàn ông này vẫn khỏe mạnh.
Chùm tia proton chiếu vào mặt
Anatoli Petrovich Bugorski sinh ra vào ngày 25/6/1942. Năm 1978, ở tuổi 36, Bugorski đang làm việc tại Viện Vật lý Năng lượng cao ở Protvino, một thị trấn nhỏ cách Moscow khoảng 100 km về phía nam.
Protvino lúc đó nổi tiếng với biệt danh thành phố khoa học thời Chiến tranh Lạnh, được chính phủ Liên Xô dựng nên với mục đích chính là nghiên cứu hạt nhân.
Tại đây, các nhà khoa học có thể sống cùng gia đình và thoải mái tiến hành những nghiên cứu tuyệt mật.
Một phòng điều khiển máy gia tốc hạt hạt nhân synchrotron U-70. Ảnh: Wikimedia. |
Khi đó, Bugorski đang nghiên cứu máy gia tốc hạt hạt nhân synchrotron U-70. Năm 1967, U-70 đã tạo ra chùm năng lượng cao nhất thế giới. Mặc dù kỷ lục đó đã bị phá vỡ nhưng cho đến nay, nó vẫn là máy gia tốc năng lượng cao nhất ở Liên Xô.
Thảm họa đến với nhà vật lý vào ngày 13/7/1978. Để kiểm tra một mẩu thiết bị có vấn đề, Bugorski dựa vào máy gia tốc hạt mà không nhận ra cơ chế an toàn đã bị tắt.
Theo Discover, Bugorski đột nhiên trông thấy chớp sáng "chói hơn 1.000 Mặt Trời gộp lại". Cụ thể, nhà khoa học này đã vô tình để chùm proton đi thẳng vào đầu và thoát ra qua mũi.
Khi thoát ra ngoài, chùm tia đạt mức 3.000 gray. Bugorski lập tức được đưa đến bệnh viện để điều trị. Tại đây, hầu hết bác sĩ và các nhà khoa học tham gia chăm sóc đều tin rằng nhà vật lý lúc này chỉ là một người chết đang đi lại.
Thoát chết không tưởng
Mặc dù bị trúng hàng trăm liều phóng xạ chết người cùng một lúc, nhưng điều kỳ diệu là Bugorski lại không hề cảm thấy đau đớn.
Sơ đồ thể hiện đường đi của chùm tia bức xạ xuyên qua đầu Bugorski. Ảnh: All That's Interesting. |
Trước sự cố của nay, không ai biết điều gì sẽ xảy ra với một người tiếp xúc với bức xạ ở dạng tập trung như vậy. Do đó, dễ hiểu vì sao các bác sĩ đều cho rằng Bugorski sẽ qua đời sau vài ngày nữa.
Tuy nhiên, bất chấp mọi khó khăn, nhà khoa học này vẫn sống sót đến tận ngày nay để kể lại câu chuyện.
Cho đến ngày nay, người ta vẫn chưa biết tại sao Bugorski lại không gặp hậu quả nặng hơn sau vụ tai nạn.
Một số nhà khoa học đưa ra giả thuyết Bugorski đã sống sót nhờ nồng độ năng lượng hạt nhân hẹp.
Hầu hết trường hợp tử vong do nhiễm độc phóng xạ đều do phơi nhiễm chung, chẳng hạn như ở Chernobyl hay Hiroshima và Nagasaki, nơi bức xạ thấm qua toàn bộ cơ thể nạn nhân.
Trong khi nửa khuôn mặt bên phải già đi theo năm tháng, phần bên trái của Bugorski vẫn bị "đóng băng" kể từ năm 1978. Ảnh: Andrey Solomonov. |
Thực tế, lý thuyết này rất khó để xác thực vì cho đến nay, Bugorski vẫn là người duy nhất còn sống sót sau khi bị phơi nhiễm bức xạ năng lượng cao này.
Sau tai nạn, phần da của Bugorski đã dần lành lại. Tuy nhiên, vết bỏng khiến nửa khuôn mặt của ông bị liệt vĩnh viễn. Ngoài ra, trong khi nửa khuôn mặt bên phải già đi theo năm tháng, phần bên trái của Bugorski vẫn bị "đóng băng" kể từ năm 1978.
Chùm tia bức xạ tập trung cao độ cũng xé toạc phần thùy chẩm, nơi chịu trách nhiệm xử lý hình ảnh và thùy thái dương, chịu trách nhiệm tiếp nhận và lưu giữ cảm giác. Điều này khiến nhà khoa học gặp vấn đề về khả năng hiểu ngôn ngữ và trí nhớ.
Mặc dù vậy, Bugorski hầu như không bị tổn hại gì về mặt trí tuệ. Thậm chí, ông còn tiếp tục hoàn thành bằng Tiến sĩ và tiếp tục nghiên cứu tại Viện Vật lý Năng lượng cao.
Ở tuổi 81, nhà vật lý này vẫn có sức khỏe tốt một cách đáng ngạc nhiên. Mặc dù là người duy nhất được biết đến đã tiếp xúc với tác động của máy gia tốc hạt nhân siêu năng lượng, Bugorski hiếm khi thảo luận công khai về vụ tai nạn của mình.
Bugorski được ca ngợi là “gương mặt tiêu biểu cho ngành y học bức xạ của Liên Xô và Nga”. Ảnh: Nik Virella. |
Theo Wired, khi tin tức về việc này được công khai, Bugorski đã được ca ngợi là “gương mặt tiêu biểu cho ngành y học bức xạ của Liên Xô và Nga”.
Bugorski cũng bày tỏ sẵn sàng tham gia vào nghiên cứu của các trường đại học và tổ chức phương Tây.
Tuy nhiên, ông chưa bao giờ có đủ tiền để rời Protvino và vẫn sống cho đến ngày nay cùng vợ và con trai.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.